Tưởng các anh phải sang tận Mỹ mới đuổi kịp các giả thiết do Phan Huyền Thư đưa ra, rằng bài “Bạch lộ” từng xuất hiện ở Mỹ từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong nước khó mà lùng được?
Anh em trong chấp hành có những kênh đặc biệt để làm việc này và thu được kết quả: Từ thập kỷ 90 đúng là Thư có thơ in ở hải ngoại nhưng không bài nào có nội dung như Bạch lộ.
Còn bây giờ ai nói có trong tay bài thơ này cũng vô giá trị bởi nó không được in.
Một nhà thơ chuyên nghiệp như anh có cần kết quả xác minh mới biết ai đạo của ai?
Thực ra tôi đã thấy gợn từ năm ngoái khi được Phan Huyền Thư tặng tập Sẹo độc lập chứ không chờ đến vụ này.
Trong tập, Thư có nhiều bài ghi câu đề từ là đối thoại hoặc gửi một số nhà thơ trong Nam ngoài Bắc. Cảm tưởng của tôi khi đọc bài Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển có lời gửi tặng mình là rất bất ngờ, và rất không thích.
Bởi vì nội dung bài thơ đó không có gì liên quan đến tôi, không hề nói gì về tôi. Không hề có sự chia sẻ nào với một nhà thơ nhà báo hoạn nạn như Thư đã nói sau này. Làm tôi ngờ ngợ không phải tặng tôi.
Mới đây nhất, tôi nghe kể và có bằng chứng bài thơ này vốn viết tặng nhà thơ Đỗ Thị Tấc, gửi in báo Nhân Dân lâu rồi. Tôi bị tai nạn 7 năm trước, thời gian đó Thư đã in bài này và không bao giờ cho tôi biết là bài gửi tặng tôi.
Đột nhiên năm ngoái Thư tặng tập thơ có đưa bài này vào và có dòng “Gửi Nguyễn Việt Chiến”. Sau khi bài này bị tố đạo thơ Du Tử Lê thì Thư giải thích là Thư làm và gửi tặng hồi tôi bị nạn 2008.
Liệu có phải năm ngoái đề gửi tôi vì tôi trong Ban chấp hành không? Tôi nghĩ với bạn bè văn chương Thư nên trải lòng mình thật hơn nữa.
Về vụ liên quan Du Tử Lê, đến nay Chủ tịch Hội vẫn cho rằng không có chuyện đạo thơ. Anh thì sao?
Bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê quá nổi tiếng, đã được phổ nhạc, tập thơ của ông in bài này còn được bán công khai trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu.
Bài thơ vượt thời gian 38 năm như thế, không thể nói ít người biết. Mỗi khổ đều nhắc lại câu Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển và khai triển nó.
Tôi cho rằng có thể Thư nghe bài hát phổ thơ rồi đi vào tiềm thức và khi sáng tạo thì chuyển sang vùng vô thức. Người viết đôi khi không nhớ câu thơ từng nghe là của người khác mà nhầm là thơ của mình. Lỗi đó có thể châm chước.
Đến vụ thứ hai. Đặt hai bài cạnh nhau, cũng thể thơ tự do, một loạt câu giống nhau, một loạt câu thêm thắt vào một số diễn ngôn diễn cảm, không cần xác minh cũng nhận ra một vụ đạo thơ trắng trợn.
Chị Đoan đã có bằng chứng sáng tác bài này năm 2000. Còn Thư giải thích là viết năm 1996 thì vô lý. Lưu ý là từ năm 2002 rồi sau đó vài năm, Thư lại in một tập thơ, Nằm nghiêng hoặc Rỗng ngực. Thế mà bài thơ này không hề có mặt.
Giải thưởng của Hội anh trao được chẵn chục ngày thì thu hồi. Sau đây các anh có rút kinh nghiệm, ví dụ soát lại toàn bộ tập thơ đoạt giải xem còn chỗ nào cấn cái hay xóa giải là hết chuyện?
Câu hỏi chuẩn luôn. Tôi đang xem lại từng bài. Vì có thông tin nhiều nhà thơ được Phan Huyền Thư đề tặng hoặc đối thoại trong tập này nhưng toàn bộ tứ thơ là của người kia.
Hoặc lấy một số câu thơ của người ta và không chú thích gì cả. Đây có thể gọi là đạo thơ được không hay là hành động lợi dụng bạn bè văn chương, người nổi tiếng, biến của họ thành của mình?