Nhật ký tấm lòng vàng
Chiếc túi còn đựng một cuốn sổ lớn mang tên “Nhật ký tấm lòng vàng”.
Có đến bốn quyển nhật ký như vậy trong nhà ông, mỗi cuốn dày cỡ 200 trang, mặt thuận ghi ủng hộ bằng hiện vật như gà, chó, vịt, ngan, cây cảnh… mặt nghịch ghi ủng hộ bằng tiền mặt.
Tôi lần giở những dòng chữ ghi chi chít thông tin người ủng hộ, địa chỉ và cả chữ ký.
Sau mỗi chữ ký thường là kèm theo một lời chúc: “Con chúc ông khỏe mạnh”. “Cháu nhờ ông mang hơi ấm cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”. “Con cảm ơn đời vì còn có những người như ông”…
Từng kế hoạch “ăn xin” cũng được ông lên lịch một cách cụ thể, khoa học. Trang gây quỹ khuyến học, trang gây quỹ Tết Trung thu, trang vì sinh viên vượt khó, trang ủng hộ biển đảo quê hương, trang vì miền Trung ruột thịt…
Ba cuốn đã đầy hết, cuốn thứ tư còn khoảng vài chục trang trắng.
Ông bảo đó sẽ là những trang cuối đời một người đã ngoại tám mươi, một người đã sắp chết nhưng vẫn đau đáu tâm niệm khuất đi rồi phải để lại cho đời cái gì đó.
Có lẽ là một tinh thần khuyến thiện vô bờ, vô bến? Một tấm lòng gửi gắm những nhiệt tâm?
Ông muốn người con rể út nhận bàn giao những cuốn sổ tiếp theo vì nó là một người có tâm. Các con của ông nào có khá giả gì?
Cũng ngày ngày chật vật với cuộc mưu sinh từ rửa xe, sửa chữa vặt hay buôn thúng, bán mẹt nhưng ông bảo chúng bê bát cơm đầy lên ăn cũng biết thương những người khốn khổ.
Biển Động, Kim, Quý Sơn, Kiên Lao, Khuôn Thần… những địa danh miền núi xa xôi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã in mòn gót chân ông trong chặng đường khuyến thiện mấy chục năm ròng.
Nghĩa tình ấy thật to lớn chất chứa trong một thân hình mong manh.
Sinh năm 1930, trước cách mạng ông đã từng vận quần đùi rách, tham gia đội múa lân Sài Gòn quyên tiền ủng hộ tiền cho đồng bào miền Bắc đang trong đại nạn đói thế kỷ.
Lớn hơn tí, vào bộ đội, rồi tập kết ông lập gia đình với một cô gái xứ quan họ Kinh Bắc.
Thời bao cấp, cán bộ không có ruộng đất, gạo chợ, nước sông chỉ trông vào một cuốn sổ tem phiếu. Đã thế vợ ông lại mắn đẻ. Bốn đứa con trứng gà, trứng vịt lít nhít cứ nối nhau ra đời nên chuyện đói, chuyện khổ kể cả ngày cũng không hết.
Nhà trống tuếch, trống toác
Một người Tày có tên là Hoàng Sinh ở Biển Động vốn trước là Chủ nhiệm HTX mua bán một thời nổi tiếng là nơi “lắm màu, nhiều mỡ” nhưng do liêm khiết nên về sau chẳng tích lũy được gì.
Lúc ông Sinh về nghỉ gia cảnh chỉ có gian nhà nát, một quả đồi trọc và một đàn con áo quần rách rưới. Cảm tấm lòng thanh bạch, ông đem chiết tặng bạn cả một vườn vải giống.
Mỗi cây vải giống hồi ấy trị giá 15 đồng tương đương bốn cân thịt lợn ở chợ.
Bận nhà ông Sinh bị kẻ trộm nẫng hết cả gà lẫn vịt ông mang lên biếu con chó quý để giữ nhà.
Không chỉ tặng giống vật nuôi ông còn hướng dẫn cách trồng vải sao cho quả đậu sai, cách làm chuồng sao cho trâu bò khỏi bị rét, cách lấy cây gì, con gì ngắn ngày “nuôi” cây, con dài ngày.
Cảm động quá, ông Sinh cứ một hai nhận anh em. Sự kết nghĩa ấy có vườn vải sau nhà làm chứng.
Sau giải phóng, đời sống người dân còn đầy rẫy khó khăn, một người quen ở Đà Nẵng đồng hương với ông hỏi vay tiền sửa chữa nhà.
Ông bảo sửa nhà thì không cho vay nhưng làm nhà thì luôn sẵn sàng bởi đời bạn đã về chiều, cần ở một căn nhà thật vững. Bốn cây vàng được xuất ra cho vay một cách đầy nghĩa hiệp.
“Những người bất hạnh có ai muốn nghèo đâu, bởi chưng không may mắn nuôi con gà, con lợn bị dịch, bởi chưng ốm đau, mùa màng thất bát.
Giúp được người là một hạnh phúc, một sự thanh thản trong cõi lòng. Cuộc sống của tôi phần nhỏ là để tồn tại, phần lớn dành cho tổ quốc, đồng bào”, ông Thái Văn Thành.
Người vay vàng về sau làm ăn thất bát chẳng trả được cái nghĩa cao như núi kia. Giờ ông bảo cho không luôn và không bao giờ muốn nêu tên người bạn vì sợ họ ngại.
Lương bộ đội về hưu được bốn triệu lẻ tám ngàn đồng, ông không dám tiêu hết mà luôn dành một nửa để đem đi từ thiện. Vợ ông, một bà lão 68 tuổi vẫn ngày ngày đi chợ bán rau cỏ, gạo tấm.
Vốn nhỏ chỉ đủ để bà mua đầu chợ, bán cuối chợ. Ngày khá kiếm được dăm ba chục, ngày ế vài đồng cũng khó.
Căn nhà họ ở mấy chục năm vẫn chỉ cấp bốn, trống tuếch, trống toác. Ngày ngày hai vợ chồng già chỉ dám để ăn khoảng 20-30.000 đồng còn lại dành dụm.
Ngày ngày, ông đi bán lịch, đi gom sách báo, đồ dùng cũ nhưng đến nhà nào nghèo là tặng lịch, tặng áo hay cho tiền, rất hào phóng.
Ông còn nghĩ ra một sáng kiến là đặt mấy cái thùng có sơn dấu chữ thập đỏ chót ở các trụ sở, cơ quan trong huyện để gom tiền từ thiện.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Chi bộ khu Lê Hồng Phong (Chũ, Lục Ngạn) kể chuyện ông ủng hộ 15 triệu đồng cho thôn xây nhà văn hóa, 5 triệu đồng cho quỹ người nghèo, 5 triệu đồng cho quỹ da cam… mà chẳng thấy bao giờ đứng lên bục phát biểu về thành tích cá nhân.
Ở trong khu có bà Nguyễn Thị Phán tháng chạy thận nhân tạo 12 lần nên ở trọ ngay khu Bạch Mai (Hà Nội) sinh sống. Lắm lúc bà còn chẳng có đủ tiền để mà về quê.
Biết được gia cảnh, ông tìm gặp đứa con bà đang là sinh viên đại học, dúi cho nó mỗi lần một triệu. Được chừng vài lần như thế, chẳng biết thằng bé thấy tủi quá thế nào mà cũng không thấy về quê nữa.
Ngôi nhà của hai mẹ con bà Phán giờ đã lên mốc xanh, cửa đóng im ỉm tựa nhà hoang.
Ông định nghĩa việc thiện rất đơn giản, không chỉ là tặng quà, tặng tiền. Đang đi trên đường gặp một hòn đá, một cành gai ông liền nhặt để người lưu thông khỏi bị tai nạn hay đau chân.
Thấy anh lái xe ôm phong phanh áo cộc lúc trời rét, ông cởi chính chiếc áo ấm đang mặc trên người tặng. Thấy người ta vứt túi nylon hay rác ra đường hoặc đèo năm, đèo ba ông đứng lại giải thích chuyện đúng sai…
Ấy là những việc thiện ở quanh ta, những việc dễ làm và ngày nào cũng có thể thực hiện. Ông là Thái Văn Thành ở khu Lê Hồng Phong (Lục Ngạn, Bắc Giang).