Đồng bào dân tộc Nùng An ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) đang phải đổ xô đi săn tìm những ngôi nhà sàn sắp bị phá bỏ và mang về cho con cháu dựng mới nhằm bảo tồn, gìn giữ nét cổ xưa độc đáo của dân tộc mình.
Làng “khát” nhà sàn cổ
Tiết trời vùng sơn cước tỉnh Cao Bằng những ngày này vẫn còn rất lạnh giá. Trong căn nhà sàn của người Nùng An không lúc nào thiếu ánh lửa than củi vàng rực. Đàn trâu sống ở tầng dưới cũng đang co ro, nằm rúc vào với nhau vì quá lạnh. Đó là cảnh sống thường thấy của người Nùng An, một dân tộc luôn gắn bó với ngôi nhà sàn cổ từ xa xưa cho đến bây giờ.
Theo các già làng ở xã Phúc Sen, nhà sàn đã có từ lâu đời và gắn liền với các phong tục tập quán ở nơi đây. Từ xa xưa, các cụ đã luôn dặn dò con cháu sau này phải biết giữ gìn nếp sống gắn với nhà sàn khi truyền dạy kinh nghiệm đục đẽo, xây lên căn nhà sàn bằng loại gỗ lim quý hiếm. Vì vậy, cho đến bây giờ, hầu hết các gia đình người Nùng An vẫn còn sống trong không gian của nhà sàn truyền thống.
Khi dân số ngày càng tăng dần, kéo theo đó là nhu cầu đất đai, nhà ở cũng tăng theo. Trong khi đó, gỗ quý trong rừng đã trở nên khan hiếm nên mới có chuyện nhiều người đi săn nhà sàn cổ ở các vùng lân cận. Lúc cao điểm cách đây 2 năm, cứ khoảng 2 - 3 ngày người dân vùng sơn cước này lại thấy một đoàn người với các trang phục truyền thống dân tộc Nùng An lũ lượt vận chuyển bộ gỗ nhà sàn xếp lên xe tải và chở về nhà.
Người Nùng an ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen đang chuẩn bị dựng mới sau cuộc săn tìm nhà sàn cổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Linh, trưởng xóm Phja Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Yên) cho hay: “Mấy năm nay, ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Thạch An, người ta phá bỏ nhiều nhà sàn để xây nhà gạch mới. Vì thế, người dân ở xã Phúc Sen đổ xô đi mua bộ gỗ nhà sàn về giữ lại nhằm xây nhà cho con cháu khi chúng lập gia đình. Ở đây, chúng tôi chuộng nhà sàn lắm! Mặc dù những nơi khác họ thi nhau xây nhà cấp bốn nhưng chúng tôi sống ở nhà sàn quen rồi. Vả lại, người dân nơi đây cũng không muốn mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống từ thời cha ông".
Cụ Mông Văn Sau (73 tuổi), người từng đi săn nhà sàn ở xóm Lũng Ọ, xã Phúc Sen chia sẻ: “Ngoài những giá trị văn hóa, thói quen sinh hoạt, nhà sàn cũng có nhiều cái tiện lợi của nó. Căn nhà sàn nào cũng có “3 tầng”, tầng dưới tận dụng làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, để dụng cụ phục vụ lao động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Tầng giữa dành cho người ở. Tầng trên để ngô, thóc và các loại đồ dùng hằng ngày. Nếu phá bỏ nhà sàn và xây nhà gạch, đá thì lại phát sinh ra nhiều cái nhà nữa, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà vịt… “Đẻ” ra nhiều nhà nữa cũng không sao, cái chính là bà con đã làm mất đi bản sắc văn hóa từ bao đời ông cha để lại”.
Theo đó, thời gian gần đây, cuộc săn tìm nhà sàn của người dân Phúc Sen đã trở nên rất gian nan khi nhà sàn ngày một ít đi. “Cơn khát” nhà sàn người Nùng An càng kéo dài bởi những ngôi nhà bê tông cấp bốn đang nhanh chóng được thay thế nhà sàn cổ ở các nơi trong tỉnh.
Những hình ảnh này thường thấy khi vào các bản làng ở xã Phúc Sen.
Nhà sàn đang lạc lõng giữa nhà bê tông
Ở Cao Bằng, người Tày – Nùng chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh. Bà con người Tày sinh sống ở những vùng trũng, thấp, trên những ngôi nhà sàn. Cùng với trang phục, ngôn ngữ, nhà sàn là một trong ba yếu tố cấu thành bản sắc truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những ngôi nhà sàn, niềm tự hào của người Tày đã và đang dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây cấp bốn, nhà cao tầng.
Để tìm hiểu sự thay đổi về không gian sống (nhà ở) của người dân tộc thiểu số, chúng tôi đã rong ruổi khắp các bản làng có người Tày – Nùng đang sinh sống ở các huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh miền núi khu vực Việt Bắc. Ở những bản xa trung tâm, vẫn còn hình ảnh ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng tre, lùm cây, giúp người ta dễ nhận ra đây là bản của người dân tộc sinh sống. Song ở những bản làng gần tỉnh lộ, quốc lộ, những ngôi nhà sàn hai mái (hoặc bốn mái) lợp ngói âm dương đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây, nhà tầng, mái lợp phi pro xi măng, tôn chống nóng.
Người thợ dựng nhà sàn đang bào nhẵm lại trước khi đem dựng.
Cụ Nông Văn Biển (75 tuổi) ở xóm Bản Khuông (xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh) đau đáu: “Trước đây, 100% hộ trong làng đều làm nhà sàn lợp ngói âm dương. Một số tận dụng địa hình làm nhà nửa nhà sàn nửa nhà đất. Nhưng dù là nhà sàn hay kiểu nhà nửa nhà sàn nửa nhà đất thì ngôi nhà cũng có ba gian, hai mái. Nhưng mấy năm nay, làng này thay đổi đến chóng mặt. Làng Bản Khuông có gần 60 mái nhà nhưng đến giờ chỉ còn lác đác 2,3 nhà sàn thôi! Chủ yếu là người già sinh sống nên mới không bị phá bỏ. Tôi nghĩ, có lẽ một vài năm nữa, nhiều gia đình có kinh tế khấm khá, những ngôi nhà sàn cũ kỹ được thay thế bằng những ngôi nhà xây, con cháu chỉ còn biết đến nhà sàn qua sách vở, hình ảnh tư liệu"...
Nỗi đau đáu của cụ Biển cũng đồng nghĩa với nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, trong quan niệm của người dân Phúc Sen, dù bộ mặt nông thôn có thay đổi thì họ vẫn muốn giữ những nét đẹp truyền thống xưa. Hiện tại, ngoài những nghề truyền thống như rèn, làm hương, nhuộm vải, người Nùng An ở Phúc Sen còn tự hào về nét đẹp ngôi nhà sàn cổ mà hàng trăm năm nay họ đã gìn giữ, bảo tồn.