Nằm giữa đảo Trà Bản, bên cạnh trạm rađa 485 là ngôi trường liên cấp 1, 2 Bản Sen khá khang trang. Khu nhà học với 10 phòng đầy đủ tiện nghi, khu nhà hiệu bộ hai tầng và dãy nhà cho giáo viên sạch sẽ tạo thuận lợi cho việc dạy và học giữa biển khơi.
Từ Vân Đồn ra làm Hiệu trưởng PTCS Bản Sen, chị Hoàng Thị Phương cho biết, trường học mới được bàn giao vào tháng 9/2012. Trước đó, trường học nơi đảo xa thuộc vùng 1 Hải quân này chỉ là những phòng học tạm bợ, lụp xụp, không cổng, không tường rào và không tên.
"Thậm chí, có lúc chúng tôi phải mượn nhà dân làm phòng học, giáo viên cũng không có khu tập thể, phải ở nhờ trong dân", chị Phương cho hay.
Trường PTCS Bản Sen được xây dựng khang trang giữa đảo Trà Bản. Ảnh: Hoàng Thùy.
Từ khi trường mới xây xong, việc dạy và học ở xã đảo đã có nhiều thay đổi. Ngoài điểm chính ở Bản Sen, trường còn có hai phân hiệu nhỏ ở Điền Xá (cách điểm chính 15 km) và Quyết Tiến (cách điểm chính 7 km).
Mỗi phân hiệu có bốn phòng dành cho học sinh tiểu học, riêng điểm trường chính có năm phòng. Toàn trường có 148 học sinh trong đó 73 em khối THCS và 75 em khối tiểu học.
Do số lượng học sinh ít nên sĩ số mỗi lớp khối THCS dao động từ 18 đến 20 em, tiểu học chỉ 5 đến 6 em, lớp 1 được nhiều nhất với 14 em. Riêng ở Điền Xá có lớp ít nhất chỉ với hai học sinh. Khi lên cấp 2, học sinh phải về học trường chính, nhiều em phải đi quãng đường gần 20 km.
"Mặc dù có chương trình bán trú dân nuôi nhưng nhà trường chưa có điều kiện thực hiện nên phát tiền cho các em tự trang trải. Nhiều học sinh ở nhờ nhà họ hàng gần trường để tiện cho việc học", hiệu trưởng Phương nói.
Ở trường PTCS Bản Sen có 38 giáo viên trong đó 70% là từ đất liền ra đảo công tác. Giáo viên ở khu tập thể khang trang, sạch sẽ ngay sát trường.
"Khó khăn nhất là đảo chưa có điện, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng khó. Giáo viên muốn truy cập mạng tìm tư liệu, nghiên cứu thêm cũng không thuận lợi vì chỉ có mạng Viettel nhưng yếu", cô Phương cho hay.
Mỗi lớp học chỉ có vài học sinh vì trẻ em trong độ tuổi đến trường trên đảo không nhiều. Ảnh: Hoàng Thùy.
Theo cô hiệu trưởng, học sinh ở đảo thiệt thòi nhiều vì không được tiếp cận với thông tin, ít được xem tivi vì trên đảo chưa có điện, phải chạy bằng máy nổ.
Nếu như trong đất liền phụ huynh quan tâm đến con cái, cùng nhà trường uốn nắn con thì ở đảo cha mẹ phó mặc con cho nhà trường. Các cô ngoài dạy kiến thức còn phải là người cha, người mẹ dạy các em ứng xử, giao tiếp. Thế nên giáo viên ở đảo vẫn đùa với nhau: "Học sinh ở đây dạy thì ít mà giũa thì nhiều".
Do đặc thù vị trí địa lý nên học sinh ở đảo Trà Bản ngoài học văn hóa còn được trang bị kiến thức về bảo vệ vùng vịnh dưới hình thức như cuộc thi rung chuông vàng, tập trung vào kiến thức biển đảo và bảo tồn thiên nhiên.
Bốn bên là biển, mỗi khi mưa to, nước suối dâng lên cao và chảy mạnh nên học sinh Bản Sen ở đảo Trà Bản không thể đến trường. Vì vậy, trường phải lên lịch học bù vào những ngày nắng ráo.
"Mặc dù vậy, 90% học sinh của trường đỗ cấp 3 vào đất liền học, trong số đó khoảng 20% đỗ đại học.
Nhiều học sinh cũ thành đạt quay về xây dựng quê hương, đặc biệt nhiều người quay về chính ngôi trường mình từng học để giảng dạy như cô Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Nga (dạy văn), Phạm Thị Điểm, Hoàng Thị Điệp (dạy tiểu học)...", hiệu trưởng Phương cho biết.