Ngôi mộ lạ được "lén lút" chôn cất trong đêm

Người dân thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du vô cùng bức xúc trước việc một người ở địa phương khác mang hài cốt của người thân về “lén lút” chôn cất trên núi Phật Tích.

Mặc dù các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc, yêu cầu di dời hài cốt song đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động”. Dư luận đặt câu hỏi: “Phải chăng có sự khuất tất khiến vụ việc chưa được giải quyết triệt để?”.

“Lén lút” đặt mộ trong đêm

Núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, non Tiên) nơi có Chùa Phật Tích (Vạn Phúc Tự) tọa lạc, lưu giữ bảo vật quốc gia Tượng Phật A-DI-ĐÀ. Nơi đây cảnh đẹp đến mức Tiên trên trời xuống chơi gặp người trần gian chẳng muốn về, anh tiều phu đốn củi trên núi mải đánh ván cờ Tiên mà lãng quên cả tháng ngày. Từ thuở tiền nhân dựng chùa cho đến nay, trải bao biến thiên của thời gian, thiên tai, địch họa song “nền xưa, dấu cũ” của ngôi chùa nghìn năm tuổi vẫn được gìn giữ. Hệ thống Tượng Phật, hàng thú đá, vườn tháp (nơi lưu giữ di cốt của các thiền sư trụ trì chùa), giếng cổ, tam bảo, tam quan, đại hùng bảo điện, nhà tổ, nhà mẫu… được phục dựng đã tạo nên quần thể di tích cấp Quốc gia Chùa Phật Tích ngày càng khang trang, tố hảo.

Khu nghĩa trang trên đỉnh núi được chính quyền, nhà chùa và người dân địa phương thống nhất quy hoạch, xây dựng như một “Công viên nghĩa trang” tạo cảnh quan sạch đẹp, thân thiện cho du khách khi hành hương về Chùa Phật Tích.

Như một sự nương nhờ cửa Phật, không biết tự bao giờ, người dân thôn Phật Tích đã lựa chọn những khoảng đất trống ven đồi, trên đỉnh núi làm nơi “yên giấc ngàn thu” sau khi đã “tắm rửa” ở Nghĩa trang nhân dân thôn. Mặc dù việc xây dựng các phần mộ hoàn toàn tự phát song người dân địa phương luôn có ý thức không xâm phạm đến hành lang bảo vệ di tích đã được Nhà nước “cắm chỉ giới”. Những năm gần đây, Trụ trì Chùa Phật Tích còn khuyến khích các gia đình khi chỉnh trang, tu sửa các phần mộ theo một mẫu nhằm tạo lập “Công viên nghĩa trang” trên đỉnh núi để du khách thập phương khi về vãn cảnh chùa, thăm Tượng Phật bằng đá xanh lớn nhất Đông Nam Á, Bảo Tháp, đồi thông… có được cảm giác thoải mái, thân thiện.

Việc tồn tại một Nghĩa trang nhân dân trên núi Phật Tích là do “yếu tố lịch sử” để lại. Trước tình hình di chuyển mồ mả vào đất rừng có chiều hướng gia tăng, ngày 18-5-2012, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du có Công văn số 346/UBND-NN yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng di chuyển mồ mả vào đất rừng. Theo đó, ngay cả người dân địa phương sở tại nếu không được chính quyền cho phép cũng không thể mang hài cốt người thân về chôn cất trên núi. Ấy vậy mà! Chuyện “động trời” đã xảy ra ở Phật Tích.

Sáng ngày 16-4-2014, người dân phát hiện anh Lại Văn Hà (người ở thôn) đang đào bới tại khu vực rừng di tích do hộ gia đình anh Quý quản lý để xây mộ. Qua tìm hiểu, xác minh được biết anh Hà làm thuê cho người khác. Sự việc nhanh chóng được đình chỉ thi công.

Sáng ngày 20-4, qua nguồn tin quần chúng tố giác, chính quyền địa phương phát hiện một ngôi mộ mới vừa được “lén lút” chôn cất trong đêm đúng tại vị trí anh Hà đã đào hố trước đó. Công an xã vào cuộc xác minh được biết: “hài cốt trong ngôi mộ mới là người thân của anh H trú tại thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn”. Vụ việc nhanh chóng gây “bức xúc” trong dư luận quần chúng nhân dân.

Không để tạo ra tiền lệ xấu

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 1-5, lãnh đạo thôn, xã Phật Tích phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ lập biên bản, mời gia đình anh H về làm việc. Anh H thừa nhận hài cốt trong ngôi mộ là ông ngoại-một người có công với cách mạng, mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để thực hiện “tâm nguyện” của người thân được chôn cất tại đây. Tuy nhiên, chính quyền đã không chấp nhận “mong muốn” của gia đình anh H và đề nghị di dời hài cốt người thân ra khỏi địa phương trước ngày 8-5.

Hơn 20 ngày trôi qua, trước sự “chây ì” của gia đình anh H, Đảng ủy, UBND xã Phật Tích cùng chính quyền địa phương mời anh H về làm việc ngày 28-5. Biên bản cuộc họp một lần nữa khẳng định: “Việc gia đình ông H tự ý di chuyển mồ mả vào rừng là trái với các quy định của Nhà nước và quy định của địa phương. Việc làm trên đã gây bức xúc trong nhân dân thôn Phật Tích, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Yêu cầu gia đình di dời phần mộ ra khỏi địa bàn trước ngày 10-6”.

Ngôi mộ chôn cất “lén lút” của gia đình anh H đang là tâm điểm bức xúc ở thôn Phật Tích.

Ban quản lý rừng (Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh) ngày 9-5 có văn bản gửi UBND xã Phật Tích xác nhận: Vị trí đặt mộ của gia đình ông H thuộc lô rừng 1,8h, vi phạm vào Quy chế quản lý rừng phòng hộ được quy định tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng tới đất và rừng phòng hộ, cảnh quan môi trường tại địa phương và gây khó khăn cho công tác quản lý rừng.

Ông Đỗ Văn Quý, Phó Bí thư Chi bộ-Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phật Tích bày tỏ sự bức xúc: “Trong các buổi làm việc với chính quyền địa phương, anh H luôn nêu tên một số cán bộ nhằm gây sức ép với chúng tôi. Thậm chí còn tỏ thái độ coi thường, bất hợp tác. Đây là hành động không thể chấp nhận được. Địa phương chúng tôi rất tự hào có di tích lịch sử văn hóa Chùa Phật Tích, nhân dân chúng tôi không bao giờ muốn “chỉ vì hành động ngang ngược của một cá nhân không phải người địa phương” mà tổ chức khiếu kiện đông người lên các cấp chính quyền, làm tổn hại đến phong trào thi đua”.

Tại các buổi làm việc với chính quyền thôn, xã Phật Tích, chúng tôi đều nhận được quan điểm chỉ đạo thống nhất giải quyết vụ việc “đặt trộm mộ” (Lời của người dân địa phương-PV) là triệt để, kiên quyết không để xảy ra “tiền lệ xấu”. Song giải quyết vào lúc nào, như thế nào trong khi các thời hạn “theo kết luận, thông báo” liên tục không được thực hiện lại bị bỏ ngỏ.

Dư luận người dân địa phương đặt câu hỏi: “Phải chăng có sự khuất tất khiến vụ việc chưa được giải quyết triệt để?” không phải là không có cơ sở.

Phật Tích tháng 6-2014

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại