Đó chính là làng Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Sở dĩ ngôi làng có tên gọi như trên là bởi, làng có gần 1000 nhân khẩu nhưng cả làng không ai có một tấc đất cắm dùi, không có đường đi lại, không có khu sinh hoạt cộng đồng tập trung, không có đường điện, nước sạch riêng.
“Làng đẻ” và cảnh sống nhờ
Có lẽ, bất kỳ ai khi về đến xã Vân Hà (Việt Yên – Bắc Giang) và thôn Vạn Phúc, phường Vạn An, TP Bắc Ninh khi hỏi đến làng Nguyệt Đức thì đều được người chỉ đường gọi với cái tên “trìu mến” là: Làng đẻ hoặc Làng lênh đênh.
Khi tìm đến làng Nguyệt Đức, phóng viên đem những điều được trực tiếp đã được nghe ra thắc mắc thì dân làng nơi đây cho biết, điều đó là sự thật chứ không phải ngoa ngoắt hay châm biếm gì.
Bà Nguyễn Thị Hải, một người con thứ thiệt của làng chài này cho biết: “Đó là những biệt danh họ đặt cho làng Nguyệt Đức từ khá lâu rồi. Bởi trước đây (khoảng trước 2005 – p/v) làng Nguyệt Đức có tỉ lệ sinh nhiều nhất xã, nhất huyện và thậm chí là nhất tỉnh Bắc Giang”.
“Ngày đó, gia đình nào không biết đẻ cũng phải có 5 đến 7 đứa. Còn bình quân mỗi gia đình có khoảng 10 cháu. Thậm chí nhà mắn thì có đến 13, 14 đứa. Như gia đình nhà tôi, các cụ sinh liên tục 13 anh chị em, 3 anh chị em hỏng giờ có 10 anh chị em đã trưởng thành”, bà Hải cho biết.
Không chỉ đẻ nhiều mà thế hệ những người như bà Hải hầu như là mù chữ hết, đa số những nhà có 10 người con thì chỉ có 2 đến 3 người biết viết tên mình, còn lại đều không biết chữ.
Lý giải nguyên nhân trên, bà Hải cho biết: “Do gia đình quá nghèo, đông con nên không thể cho đi học hết, đa số phải theo người lớn lênh đênh trên sống nước kiếm ăn hàng ngày”.
Sau khi kết thúc câu chuyện, phóng viên được bà con làng chài cho đi thăm quan và tiếp xúc với các hộ dân sống ở làng Nguyệt Đức, ven sông Cầu. Tiếp xúc với anh Trần Đình Năng, phóng viên mới hiểu vì sao mọi người lại nói "sống ở đậu, chết chôn nhờ".
Theo anh Năng, sở dĩ sống cảnh ở đậu là vì nhân khẩu thuộc tỉnh Bắc Giang, nhưng nhiều gia đình lại sống bên bờ sông phía tỉnh Bắc Ninh. Hơn nữa, ở đậu cũng có nguyên nhân từ việc neo đậu nhờ người dân hai bên bờ.
“Nếu người dân cho neo đậu thì mình được đậu, còn họ đuổi đi thì mình cũng phải đi. Vì khi cho thuyền đậu thì phải neo vào đất nhà người ta để giữ cho thuyền khỏi trôi. Nhiều nhà khó tính họ đuổi cũng phải chịu, chứ biết làm sao. Vì đó đâu phải đất của mình”, anh Năng kể.
Theo lời kể của người dân làng chài Nguyệt Đức, thu nhập chính của người dân ở đây là từ việc làm cát ở khắp khu vực phía bắc và vận tải thuê bằng đường thủy. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, thuyền đã cũ nên việc làm thuê trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn.
Khát vọng lên bờ
Chính vì những khó khăn về kinh tế và sự nguy hiểm khi ở mặt sông mùa nước lên nên gần như tuyệt đại đa số người dân ở làng chài đều có một khát vọng chung là được lên bờ.
Tuy nhiên, điều đó gần như là vô vọng với làng chài gần 1000 dân này, bởi lên bờ ở đâu, lên bờ làm gì và ai cho lên? Là những câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải đáp.
Chia sẻ vấn đề này với Gia đình Việt Nam ông Trần Văn An, trưởng thôn làng chài Nguyệt Đức cho biết: “Trước kia, thời các cụ bảo không muốn lên bờ là đúng, nhưng giờ đây từ thời chúng tôi trở đi, chẳng ai là không muốn lên bờ cả”.
Theo ông An, ông đã nhiều lần đề xuất với các cấp chính quyền nhằm tạo điều kiện cho người dân ở trong làng được lên bờ, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, chắc đến 40-50 năm nữa chúng tôi vẫn phải sống cảnh lênh đênh trên mặt nước. Bởi kinh tế khó khăn, làm sao những người dân làng vạn chài này có thể đủ để mua một mảnh đất trên bờ.
Ngay như tôi đã có ý định lên bờ 3 lần rồi nhưng có lên được đâu. Mua một miếng đất trên bờ là 500 triệu, chưa kể tiền xây nhà. Nhưng nhà có 3 đứa con, nếu mua thuyền ở trên sông thì cũng được 3 cái tử tế. Đấy cái nghèo, cái khó cứ bám lấy chúng tôi như vậy thử hỏi bao giờ mới lên được bờ”, ông An tâm sự .
Trưởng thôn Nguyệt Đức cho biết, điều động viên bà con làng chài nhiều nhất đó chính là một quần thể sống đoàn kết, dù không cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhưng mỗi khi có việc lớn việc bé trong thôn mọi người đều chung tay góp sức nhau vượt qua mọi khó khăn.
Ngoài ra, bà con hai bên bờ cũng tạo điều kiện nhiều để làng chài có thể trú ngụ được trong rất nhiều năm qua. Đó là bến đỗ, bến đậu. Đó là cho con em làng chài đến trường dù bất cứ bên nào, dù có hộ khẩu hay không …
Tuy nhiên, điều mà ông An cũng như bà con làng chài vẫn đau đáu, đó chính là khát vọng lên bờ một ngày gần nhất.