- Nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ đồng”: Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ
- Nếu có hối lộ 80 triệu Yen: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm!
- Những vụ hối lộ gây chấn động dư luận thời gian qua
- ĐBQH không bất ngờ về cáo buộc "quan chức VN nhận hối lộ 16 tỷ”
- "Quan" đường sắt cam kết không nhận hối lộ
Những ngày qua, thông tin được báo chí Nhật Bản đăng tải về việc Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) "lại quả" 80 triệu yen (16 tỷ đồng) cho quan chức ngành đường sắt đã nóng lên dư luận trong nước về các tiêu cực trong hoạt động đầu tư.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với thạc sỹ, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự để có cái nhìn đa chiều hơn của dư luận.
Thưa luật sư, ông đánh thế nào về các hành động và phản ứng của các cơ quan chức năng Việt Nam trước thông tin báo chí nước ngoài vừa đưa tin liên quan đến vụ việc này?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Chúng ta phải thừa nhận sự nhìn nhận nghiêm túc của Việt Nam đối với thông tin báo chí Nhật Bản đã đưa. Do đó mà Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 1940/VPCP-V1 về ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Theo đó, Phó thủ tướng giao cho Bộ công an phối hợp với VKSND TC và Bộ giao thông vận tải chủ động liên hệ với phía Nhật Bản để có được thông tin, hồ sơ làm rõ các vấn đề báo chí Nhật Bản đưa tin và nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Đồng thời, Bộ GTVT ngay lập tức tổ chức thanh kiểm tra, phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để xác minh sự việc, thanh tra, rà soát lại tất cả dự án mà JTC đã và đang tham gia, xây dựng kế hoạch để thanh tra các dự án có vốn vay ODA của Nhật Bản (trước mắt là các dự án sử dụng nguồn vốn STEP), vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) là những việc làm rất kịp thời, thể hiện tinh thần kiêm quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực của Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của nhà nước ta, góp phần xây dựng được lòng tin, sự tín nhiệm đối với bạn bè quốc tế trong việc quản lý và sử dụng minh bạch, hiệu quả nguồn vốn ODA.
Như luật sư đã trao đổi ở trên, liên quan đến vụ việc này, vì thông tin xuất phát từ báo chí Nhật Bản nên phía Việt Nam cần phải làm theo quy trình như thế nào để có thể xác minh, làm rõ được thông tin này? Và ở đây, theo quy định của Luật thì cơ quan nào sẽ phải đóng vai trò chính để giải quyết vấn đề này?
Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Hồng Bách: Về mặt nguyên tắc thì tất cả các công dân đều có quyền tố giác tội phạm. Báo chí thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong đó có cả một nhiệm vụ cao cả là đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây có lẽ là một mặt trận khắc nghiệt đối với báo chí và những người làm báo.
Khi báo chí đã đưa tin thì dù báo chí trong nước hay ngoài nước chúng ta cũng đều phải xem xét một cách nghiêm túc và đúng quy trình luật định.
Vấn đề là quy trình xem xét và triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, chuyên trách hơn là khởi tố, điều tra và xét xử.
Trong vụ việc này như tôi đã trao đổi ở trên, Phó Thủ tướng đã giao cho Bộ công an phối hợp với VKSND TC, bộ Ngoại giao và Bộ giao thông vận tải chủ động liên hệ với phía Nhật Bản để làm rõ thông tin về việc chủ tịch tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản đã khai báo với Văn Phòng công tố Tokyo (Nhật Bản). Cơ quan chức năng thu thập và xác minh hồ sơ và điều tra, làm rõ các vấn đề báo chí Nhật Bản đưa tin. Nếu có sai phạm thì phải khởi tố, điều tra và xét xử.
Theo chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng thì việc điều tra sẽ được giao cho Bộ Công an tiến hành.
Như vậy, có thể nói nguồn tin từ báo chí nói chung đều có thể được coi là nguồn tin tố giác tội phạm. Vậy, trong trường hợp này có được coi như vậy không? Và nếu được coi thì liệu Bộ Công an có nên mở cuộc điều tra độc lập về vấn đề này ?
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong việc xem xét thông tin chúng ta phải có sự chọn lọc, không phải thông tin nào báo chí đưa ra cũng là thông tin tố giác tội phạm một cách chính xác. Việc đánh giá thông tin phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ báo đó là báo gì ? do cơ quan nào phát hành ? nguồn tin và thông tin có đáng tin cậy không? từ đó cơ quan điều tra mới quyết định có điều tra hay không và sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ như thế nào theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp này thì được coi là một nguồn tin đáng tin cậy trong việc tố giác tội phạm. Do đó mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Công an xác minh, điều tra làm rõ. Tôi tin rằng chắc chắn Bộ Công an sớm muộn sẽ xác minh, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Một số ý kiến cho rằng, giữa vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ trước đây và vụ nghi án này có nhiều điểm tương đồng. Luật sư đánh giá thế nào về ý kiến này. Và đối với vụ Huỳnh Ngọc Sĩ trước đây, chúng ta đã thực hiện trình tự xác minh, điều tra, làm rõ, xét xử như thế nào?
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Vụ việc này có xuất phát điểm về thông tin và tính chất tương đối giống đối với vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ. Không chỉ riêng vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ mà đối với tất cả các vụ án hình sự chúng ta đều phải tuân theo quy định của pháp luật về hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ quy trình tiến hành từ việc điều tra, truy tố đến việc xét xử. Do đó các cơ quan chức năng như cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án trong chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh những người phạm tội và cũng tránh làm oan người vô tội.
Nếu qua quá trình xác minh, thông tin về nghi án hối lộ 16 tỷ đồng là có thật thì những người có sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào về mặt hình sự ?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo thông tin mà báo The Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin, thì vụ việc có dấu hiệu của “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại điều 279 Bộ luật hình sự. Với số tiền hối lộ hơn 16 tỷ đồng thì khung hình phạt đối với cá nhân nhận hối lộ là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4 Điều 279 BLHS) như vậy là sự việc rất nghiêm trọng và tội phạm là đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quá trình xét xử thì tòa án còn căn cứ vào rất nhiều tình tiết khác như tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có thể lượng hình và đưa ra một phán quyết công minh vừa thể hiện tính răn đe nhưng cũng thể hiện tính giáo dục.
Và thực tế, các thông tin liên quan đến vụ việc mới chỉ là do phía JTC đưa ra. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải điều tra, xác minh hết sức cẩn trọng, đảm bảo khách quan, đồng thời làm sáng tỏ toàn bộ sự việc, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không được làm oan, sai người vô tội.
Ông đánh giá thế nào về việc các cán bộ của Tổng công ty ĐSVN vừa bị dừng công tác?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tôi cho rằng các cơ quan chức năng đã có một quyết định kịp thời và cương quyết đó là dừng công tác với những người liên quan tới thông tin mà phía bạn đưa ra. Chúng ta cũng phải hiểu đúng rằng việc đình chỉ công tác Giám đốc BQLDA và 02 Phó Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN không có nghĩa là những người này đã có sai phạm về mặt hình sự.
Việc đình chỉ công tác là một biện pháp để phục vụ việc thanh tra, xác minh vụ việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Thanh tra. Nếu qua thanh tra, kết luận những người này không có sai phạm thì họ lại được tiếp tục công việc của mình còn nếu có sai phạm thì chắc chắn họ sẽ bị điều tra, truy tố và xét xử. Khi đó thì quy trình xử lý sẽ theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự và cơ quan điều tra, VKS và tòa án sẽ làm việc theo đúng pháp luật. Theo tôi đây là những việc cần thiết và đúng luật, không chỉ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, mà còn thể hiện được sự nghiêm túc và quyết liệt của Bộ GTVT trong giải quyết vụ việc này.
Qua sự việc này ông có đánh giá gì về việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam?
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Sự thật khách quan của vụ việc phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, qua sự việc này, chúng ta cũng cần rà soát và hoàn thiện hơn nữa các quy định về đấu thầu, thực hiện các dự án ODA nói riêng và việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA nói chung, để phòng chống có hiệu quả hơn nữa các tiêu cực có thể phát sinh trong lĩnh vực này.
Đó là một yêu cầu cấp thiết và mang tính bắt buộc, chỉ khi chúng ta sử dụng minh bạch và hiệu quả các nguồn vốn ODA thì chúng ta mới có thể tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa các nguồn vốn này, tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nó cũng là sự thể hiện trách nhiệm của chúng ta trước các nhà đầu tư quốc tế và trước các chính phủ đang đầu tư cho Việt Nam.
Trước đó, vào chiều 24/3, PV Báo điện tử Trí thức trẻ đã có mặt tại Văn phòng đại diện của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản tại Việt Nam (nằm trên đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt, tại văn phòng chỉ có một nhân viên hành chính đang trực.
Khi được hỏi, nhân viên này cho biết, bình thường ở văn phòng chỉ có một trưởng văn phòng là người Nhật cùng một số nhân viên người Việt giúp các công việc.
"Ngày 15/3 vừa rồi, anh trưởng văn phòng đã bay về Nhật để họp thường kỳ và theo đúng lịch sẽ trở lại vào cuối tháng. Tuy nhiên, cách đây vài hôm, trưởng văn phòng có điện sang báo là phải chuyển vé máy bay và chưa biết bao giờ sẽ sang lại Việt Nam", người nhân viên này cho hay.
Khi được hỏi về thông tin liên quan đến nghi án "hối lộ" 16 tỷ đồng cho quan chức đường sắt Việt Nam, người nhân viên này cho biết, sau khi trưởng văn phòng về Nhật thì xuất hiện thông tin này. "Tuy nhiên, cũng chỉ theo dõi qua báo chí phản ánh còn thực hư thế nào thì chúng tôi làm nhân viên văn phòng ở đây cũng không được biết", nhân viên này nhấn mạnh.
Người nhân viên này cũng chia sẻ: "Thực tế, chúng tôi cũng rất lo lắng trước thông tin này và không biết thế nào, bởi lẽ, giờ trưởng văn phòng đã về nước, chưa biết bao giờ trở lại. Văn phòng ở đây không rõ sẽ thế nào, các chi phí, lương của chúng tôi liệu có được thanh toán hay không..."
(Hoàng Đan - Hải Sơn)