Nghệ An: Tộc người ngủ ngồi vẫn sống giữa rừng

Tộc người Đan Lai cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn Khe Khặng, xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.

Sau 8 năm đề án di dời người Đan Lai ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ra khỏi rừng sâu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện phần lớn tộc người này vẫn chưa có nơi an cư.

Theo đề án di chuyển tộc người Đan Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng trăm hộ của tộc người này sống tại 2 bản Bùng và Khe Cồn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được di dời đến các khu tái định cư (TĐC) ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2007-2009 nhưng đến năm 2014, chỉ 42 hộ được di dời. Trong khi trên150 hộ khác còn đang phải sống khốn khổ ở rừng sâu thì nhiều căn nhà tại khu TĐC lại bị bỏ hoang.

Chưa xây xong khu tái định cư

Khu TĐC số 2 ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn được khởi công vào tháng 1-2011 để đón nhận 35 hộ tộc người Đan Lai. Hiện nay, khu TĐC này không một bóng người. Hơn 30 căn nhà sàn 2 tầng được xây dựng kiên cố bị bỏ hoang. Các hạng mục khác như trường học, nhà văn hóa, trạm xá, công trình nước sạch, trạm điện… không ai quản lý nên cây cối, cỏ dại bao trùm.

Từ bản Kẻ Tắt, đi sâu vào rừng khoảng 4 km thì đến bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn - nơi được quy hoạch khu TĐC số 3, bố trí cho 69 hộ dân Đan Lai ở. Sau nhiều năm triển khai, hiện khu TĐC này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Liên quan đến việc xây dựng khu TĐC cho tộc người Đan Lai ở xã Thạch Ngàn, theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông, đến tháng 8-2014, tổng số nguồn vốn đã được giải ngân là trên 72 tỉ đồng. Sau 8 năm thực hiện dự án, chỉ có khu TĐC số 1 ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông, thừa nhận: “Dự án bị kéo dài do nhiều nguyên nhân, như thiếu vốn, quy hoạch ban đầu có nhiều điểm bất hợp lý... Ngoài ra, việc thi công kéo dài khiến chi phí của công trình đội lên nhiều so với phê duyệt ban đầu”.

Ông Tuấn cho biết khu TĐC số 2 đã dừng thi công do thiếu vốn. Trong khi đó, với khu TĐC số 3, do địa điểm quy hoạch xây dựng trước đây không phù hợp nên đang phải tìm địa điểm khác.

Lạc hậu, đói nghèo

Tộc người Đan Lai cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn Khe Khặng, xã Môn Sơn. Do họ sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (cách trung tâm huyện 40 km) nên muốn đến nơi này, người ta phải đi bộ cắt rừng rồi dùng thuyền nhỏ men khe suối mất rất nhiều thời gian.

Ở tách biệt với thế giới bên ngoài nên người Đan Lai có tập tục lạc hậu, sống đói nghèo quanh năm. Điều đáng báo động nhất là do họ ở biệt lập trong rừng nên xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết dẫn đến suy thoái về giống nòi.

Để cứu tộc người Đan Lai, tháng 12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280 phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Tổng kinh phí của dự án là 93,24 tỉ đồng.

Một trong những hợp phần quan trọng nhất của dự án là di chuyển 146 hộ dân tộc người thiểu số Đan Lai lúc đó ở thượng nguồn Khe Khặng đến nơi ở mới là xã Thạch Ngàn. “Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên đến nay, chúng tôi chỉ mới di chuyển được 42 hộ. 104 hộ khác vẫn chưa thể di chuyển đến khu TĐC mới” - ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết.

Ngoài 104 hộ dân chậm được di dời ra khỏi rừng thì từ năm 2006 đến tháng 8-2014, đã có thêm 66 hộ dân mới tách ra ở riêng. Đời sống của họ rất thiếu thốn, lạc hậu, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phức tạp.

“Khi người Đan Lai tập trung đông trong vùng lõi, họ sẽ săn bắt, hái lượm, khai thác gỗ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự bảo tồn của Vườn Quốc gia Pù Mát” - ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, lo ngại.

Chạy trốn bạo chúa

Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo tương truyền, dòng họ này vốn ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Bạo chúa Hoa Quân lúc ấy buộc họ phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ thảm sát tất cả. Sợ bị giết hại, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, khi đến thượng nguồn sông Giăng, huyện Con Cuông, nơi không còn nghe thấy tiếng người, mới dám dừng chân định cư và hình thành tộc người Đan Lai ngày nay.

Người Đan Lai có tục ngủ ngồi để đề phòng thú dữ và bạo chúa truy đuổi. Theo một số tài liệu thì hiện tộc này có khoảng 3.000 người.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại