Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 36 cầu treo dân sinh, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, hệ thống cầu treo vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống báo hiệu an toàn giao thông và hướng dẫn khai thác.
Sau vụ sập cầu treo Chu Va, tỉnh Nghệ An đã cho rà soát, kiểm tra toàn bộ số cầu treo dân sinh trên địa bàn
Có nhiều cầu xây dựng lâu năm nên đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng như cầu treo khu tái định cư Piềng Phà Mựt (xã Đồng Văn), cầu treo Mường Nọc (xã Mường Nọc), cầu treo Bản Ná Cheng (xã Tri Lễ), cầu treo Phả Pạt (xã Cẩm Muộn)... thuộc huyện Quế Phong. Việc các cầu treo xuống cấp nghiêm trọng đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông .
Để đảm bảo an toàn trên các tuyến đường huyện, đường xã do địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cầu dân sinh trên địa bàn để tiến hành kiểm định chất lượng, trọng tải, đưa ra phương án khai thác phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành phân loại thứ tự ưu tiên để tiến hành xây dựng phương án sữa chữa hoặc làm mới các cây cầu.
Những chiếc cầu dân sinh tự phát cũng sẽ được cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra để tìm phương án nâng cấp, sửa chữa kịp thời.
Riêng đối với cầu treo, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra kỹ thuật toàn bộ kết cấu cầu. Trong đó, chú ý kết cấu chịu lực chính như hệ thống cáp, hố neo, cơ quan chức năng sẽ đánh giá mức độ ổn định của cầu để có phương án xử lý kịp thời, tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Cùng với các phương án kiểm tra, sửa chữa kết cấu cầu, các đơn vị giao thông phải tiến hành kiểm tra hệ thống báo hiệu phục vụ cho việc phương tiện hoạt động qua cầu, đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với những cầu yếu, tỉnh sẽ cấm phương tiện quá tải hoạt động, đồng thời bố trí trực gác đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông.