Ngày thầy thuốc VN: Cán bộ y tế, bác sĩ kể kỷ niệm "nhớ đời"

Diệu Linh - Quốc Hải |

“Đứng mũi chịu sào” ngăn chặn dịch bệnh, giúp bệnh nhân “yên bình” trải qua cuộc phẫu thuật, nhưng cán bộ y tế dự phòng và những bác sĩ gây mê ít khi được tôn vinh. Họ âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức lực của mình.

“Nâng giấc” cho người bệnh

Để trải qua một ca mổ thành công, người bệnh phải có được “giấc ngủ” êm ái trong suốt quá trình phẫu thuật. Điều đó trông chờ cả vào tài năng của các bác sĩ gây mê.

Theo GS-TS Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), việc gây mê trong quá trình phẫu thuật vô cùng quan trọng.

Nếu không chính xác, người bệnh có thể “ngủ” vĩnh viễn, hoặc có thể tỉnh dậy ngay giữa ca mổ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Mỗi bệnh nhân có bệnh lý, cơ địa khác nhau nên việc gây mê cũng rất khó khăn, luôn phải theo dõi để bệnh nhân không có tai biến ngay giữa ca mổ.

Bác sĩ gây mê không chỉ thực hiện chuẩn xác kỹ thuật mà còn phải “lắng nghe” nhịp tim, hơi thở của bệnh nhân để có sự điều chỉnh hợp lý.

Sau ca mổ thành công, các bác sĩ gây mê cũng tiếp tục theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp tim của người bệnh đến tận khi ổn định.

“Bác sĩ gây mê là người đầu tiên vào phòng mổ cũng là người cuối cùng ra khỏi phòng mổ sau mỗi ca phẫu thuật” – GS Kính chia sẻ.

Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Việt Đức) hiện có 43 phòng mổ, 48 giường hồi tỉnh, 48 giường hồi sức với 350 nhân viên.

Mỗi ngày Trung tâm thực hiện 200 ca phẫu thuật, trong đó 2/3 là đại phẫu và đa chấn thương có nguy cơ tử vong.

Trung tâm cũng góp phần quan trọng tạo nên thành công của hơn 80 ca ghép tạng từ người cho (chết não).

Với những đóng góp này, ngày 26.2, Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Sau ca mổ, bệnh nhân lại tiếp tục được “nâng đỡ” bởi các bác sĩ, điều dưỡng hồi sức.

26 năm công tác, điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh (Trung tâm Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức) luôn phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Chị chứng kiến cả nỗi đau chia ly tột cùng của người nhà, đến hạnh phúc vỡ oà khi người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, lúc là hy vọng mong manh, khi là nỗi tuyệt vọng đến tận cùng.

“Nếu trái tim không khoẻ, chúng tôi sẽ không thể chịu nổi áp lực công việc” – chị Thanh cho biết.

Hàng ngày công việc của chị Thanh và đồng nghiệp không khác nào một “bảo mẫu”.

Người bệnh cách ly trong phòng vô trùng nên điều dưỡng phải lo cho bệnh nhân từ rửa mặt, cắt tóc, ăn uống, đến thay bỉm, đổ bô…

Bệnh nhân toàn trong tình trạng thập tử nhất sinh nên điều dưỡng phòng hồi sức phải theo dõi rất chặt chẽ, chỉ cần một nhịp tim thay đổi, một hơi thở chậm đều phải có sự can thiệp.

“Mỗi lần tiễn được một bệnh nhân sang phòng điều trị thường, chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm” – chị Thanh chia sẻ.

Theo GS Kính, dù công việc vất vả nhưng các cán bộ gây mê, hồi sức ít được “chú ý”, tôn vinh trong các thành công nghề nghiệp.

Bệnh nhân cũng thường cảm ơn các bác sĩ phẫu thuật chứ ít khi nhắc đến bác sĩ gây mê, càng không để tâm đến điều dưỡng hồi sức đã “nín thở” cùng bệnh nhân vượt qua những thời khắc cam go đấu tranh với tử thần để giành sự sống.

“Khi bệnh nhân đã mê man, mọi lời động viên đều không có ý nghĩa, chúng tôi sẽ lặng lẽ dùng hành động để giảm bớt đau đớn, khó nhọc cho bệnh nhân” – GS Kính chia sẻ.

Bị đánh vì… lắm chuyện

Trong gần 10 năm làm nghề, bác sĩ Đỗ Thị Ánh Tuyết (Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp, TP.HCM) đã trải qua không ít chuyện buồn vui với nghề.

Gần đây nhất, trong 1 lần đi “săn” muỗi, chị phát hiện một toà nhà thi công có rất nhiều muỗi, có nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết ra cộng đồng.

Nào ngờ, mấy chị em vừa tiến hành phun thuốc, bất ngờ có một thanh niên chạy ra đánh túi bụi.

“Chúng tôi phải điện thoại cho công an phường xuống can thiệp để thanh niên đó không đánh cán bộ y tế và tiếp tục diệt muỗi.

Sau này mới biết thanh niên đó bị bệnh tâm thần, gặp ai đánh người đó. Mấy anh em toát mồ hôi” - chị Tuyết nhớ lại.

Bác sĩ Đỗ Thị Ánh Tuyết (phải) họp bàn về công tác phòng chống dịch với nhân viên. Ảnh:Quốc Hải
Bác sĩ Đỗ Thị Ánh Tuyết (phải) họp bàn về công tác phòng chống dịch với nhân viên. Ảnh:Quốc Hải

Trong năm 2015, khi phải căng mình kiểm tra để phòng chống dịch Ebola vào Việt Nam, chị Tuyết đi kiểm tra các khách sạn có người nước ngoài gốc Phi cư trú (châu Phi là nơi dịch Ebola bùng phát) để kiểm tra sức khoẻ cho họ với mong muốn phát hiện bệnh kịp thời.

Khi đó nhiều chủ khách sạn nghĩ cán bộ y tế đến “kiếm chuyện” làm ảnh hưởng làm ăn nên phản đối, không cho vào khách sạn. Chị Tuyết phải vất vả thuyết phục mãi mới được.

Dù vậy, trăn trở lớn nhất với người làm công tác y tế dự phòng, theo chị Tuyết đó chính là việc người dân không được cập nhật kiến thức, nghe thông tin trái chiều, lệch lạc từ các nguồn tin đồn không chính thức ở mạng xã hội… dẫn đến các hành vi chống đối người làm công tác dự phòng.

Những lúc đó, bản thân chị Tuyết phải lặn lội xuống tận nơi để tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí là cam kết… mới được triển khai công tác chống dịch.

Thiếu 17.500 bác sĩ dự phòng ở cơ sở

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy các cơ sở dự phòng ở tuyến huyện đang thiếu hơn 17.500 cán bộ, ở tuyến tỉnh cần 5.300 cán bộ.

Trong khi năm học vừa qua các cơ sở đào tạo y dược cả nước tuyển trên 1.200 bác sĩ y học dự phòng và cử nhân y tế công cộng, tương đương 1/5 tổng quy mô đào tạo ngành y - dược.

“Chẳng hạn mới đây khi nghe thông tin trong hóa chất phun muỗi có chất Pyriproxyfen nghi gây teo não, người dân chống đối rất căng, không cho lực lượng y tế dự phòng quận phun thuốc.

Chúng tôi đã phải xuống tận nơi giải thích là thuốc phun hiện nay chỉ là hóa chất Permethrin để phun diệt muỗi trưởng thành chứ không phải hóa chất Pyriproxyfen diệt ấu trùng muỗi trong môi trường nước” - chị Tuyết kể.

Nếu như các bác sĩ điều trị chỉ chữa bệnh cho từng người bệnh thì các bác sĩ y tế dự phòng phải đảm nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng.

Công việc của người làm y tế dự phòng cũng “ôm đồm” như giám sát, tổng hợp, dự báo tình hình các loại dịch bệnh; phòng ngừa đề tránh dịch; khi có dịch thì triển khai các biện pháp chống dịch, khống chế nhanh nhất, giảm số người mắc nhất; rồi làm công tác tuyên truyền y tế, sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng…

“Đó là công việc không chỉ vất vả mà còn khá ảnh hưởng đến sức khỏe bởi thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm, hóa chất...

Đã làm nghề này, lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng đối mặt với bệnh tật, với nguy cơ mắc bệnh” - chị Tuyết tâm sự.

Theo TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện cả nước đang thiếu hàng chục nghìn cán bộ y tế dự phòng.

Nguyên nhân chính là công việc vất vả, ôm đồm mà thu nhập lại quá thấp nên ít người theo học về y tế công cộng.

“Cùng là bác sĩ nhưng bên dự phòng chỉ được mức lương cơ bản, bên điều trị có thêm các khoản thu khi trực, phẫu thuật, ngoài ra có thể mở phòng khám tư, thu nhập cao.

Đây là nghịch lý mà ai cũng nhìn thấy rõ” – TS Phu cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại