Không khả thi
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11. Theo đó, lần đầu tiên chế độ nghỉ vào ngày “đèn đỏ” được luật hóa.
Cụ thể, trong kỳ "đèn đỏ", mỗi ngày chị em sẽ được nghỉ 30 phút, tối thiểu 3 ngày một tháng và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Bàn luận về chính sách này, bà Mai Thu Huyền - Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tincom Media cho rằng, quy định trên thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các lao động nữ.
Tuy nhiên, việc thực hiện nó dễ hay khó thì còn tuỳ thuộc vào đặc thù riêng của mỗi doanh nghiệp và cơ địa của từng người.
“Thời kỳ này với mỗi người phụ nữ khác nhau thì cũng có những biểu hiện khác nhau. Có người thì vẫn khoẻ mạnh bình thường, nhưng cũng có người thì gần như phải ngưng trệ mọi hoạt động trong những ngày này do sức khoẻ bị ảnh hưởng” – CEO Mai Thu Huyền bày tỏ.
Với những công ty tư nhân và lĩnh vực đặc thù như công ty Tincom Media, nữ doanh nhân – diễn viên nổi tiếng này cho hay, bà quản lý nhân sự theo hiệu quả công việc, chứ không hoàn toàn phải theo giờ giấc hành chính cho nên quy định này không phải là vấn đề lớn.
“Nhưng với những doanh nghiệp như ngành dệt may mà đa phần là lao động nữ hoặc những doanh nghiệp sếp là nam thì có thể việc thực hiện quy định này sẽ khó khăn hơn”- bà Huyền nói.
Liên quan tới quy định mới này, bà Phạm Thị Việt Nga, TGĐ Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), một trong 2 nữ doanh nhân VN quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn năm 2013 chia sẻ:
“Là người vừa quản lý văn phòng, vừa quản lý sản xuất, tôi thấy quy định này có thực hiện được không tùy thuộc vào đặc trưng công việc của doanh nghiệp.
Đối với những người làm văn phòng, dù không có quy định nghỉ 30 phút thì họ vẫn sắp xếp để ra ngoài, thực hiện khâu vệ sinh của phụ nữ.
Còn với những lao động nữ phải đứng nhiều, hoạt động trong môi trường sản xuất thì việc luật hóa này lại rất cần thiết”.
Theo vị “nữ tướng” của Dược Hậu Giang này, quy định trên đưa ra chỉ áp dụng cho những nơi chưa thực hiện.
“Chứ bình thường, việc nghỉ 30 phút là đương nhiên, vì phụ nữ phải có thời gian đi làm những “việc riêng” của người ta” – bà Nga nói.
Lãnh đạo của Dược Hậu Giang cũng cho rằng, quy định này mặc dù hợp lý, nhưng sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như thương lượng. Bởi việc cho phép nhân viên nữ nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ” dường như mang tính hình thức nhiều hơn.
Trong một tập thể nhỏ, các chị em phụ nữ tự sắp xếp san sẻ việc cho nhau, với những ngày “khó chịu” thì không phân công lao động nặng. Trên thực tế, dù doanh nghiệp không cho nghỉ 30 phút thì họ vẫn phải bố trí thời gian để làm những việc cá nhân.
Hơn nữa, nhiều phụ nữ cũng không muốn người khác biết là hôm nay là ngày “nhạy cảm” của mình.
Theo nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á Phạm Thị Việt Nga, quy định phụ nữ được nghỉ thêm 30 phút ngày "đèn đỏ" không khả thi.
“Nó khác với việc cho con bú, phụ nữ được cộng dồn 7 ngày làm việc liên tục được 1 ngày nghỉ bù để về nhà. Còn 30 phút này, họ cũng không thể về nhà. Mà đi tới nhà vệ sinh, nếu vào trễ quá 30 phút thì sao?
Chẳng nhẽ mình lại kiểm tra từ giờ phút họ bắt đầu đi ra cho tới lúc đi vào?!” – bà Nga băn khoăn.
“Chẳng nhẽ báo với sếp nam: Hôm nay tôi đến ngày đèn đỏ?!”
Ở cương vị là một nam quản lý, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh Văn phòng Tập đoàn bất động sản danh tiếng Nam Cường cho rằng, quy định lao động nữ vào ngày "đèn đỏ" được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút rất “nực cười” và chắc chắn sẽ có nhiều bình luận trái chiều.
Ông nói: “Tôi nghĩ quy định trên khó thực hiện vì nó nhạy cảm, chẳng nhẽ lại đi báo cáo với đồng chí hoặc “sếp” nam “hôm nay tôi đến ngày đèn đỏ" à!
Chẳng nhẽ thủ trưởng hay trưởng phòng nhân sự lại đi kiểm tra? Cái này chỉ có hội phụ nữ biết với nhau thôi!”.
Đồng tình với quan điểm của nhiều doanh nhân khác, ông Hoàn nhận định, quy định này chỉ mang tính hình thức và không khả thi dù chính đáng.
Bởi với ông, người phụ nữ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh chứ không cần luật hóa vì luật hóa phải có căn cứ. Giống như việc phụ nữ sinh con phải có giấy xác nhận của bệnh viện.
Nếu phụ nữ nghỉ 30 phút/ngày “đèn đỏ”, phòng nhân sự hàng tháng phải tổng hợp báo cáo, lập danh sách, tuy nhiên, cái khó mà ông Hoàn chỉ ra là lấy gì làm căn cứ rằng người phụ nữ đó đang ở ngày "đèn đỏ"?
Ông Hoàn đặt câu hỏi khá hài hước: “Báo cáo thì phải có căn cứ, chẳng nhẽ phải chụp ảnh gửi cho sếp?! Hoặc nhiều trường hợp phụ nữ ganh tị nhau, “tố” người khác không đến ngày đó thì phòng nhân sự lại phải đi giải quyết những việc “chẳng đâu vào đâu”.
Thay vào đó, theo ông Hoàn, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho chị em phụ nữ bằng nhiều cách khác, chính sách khác. Vì phụ nữ tới ngày này cũng không đến mức phải nghỉ việc, không đến mức phải đi sớm về muộn 30 phút.
Nhiều việc cần ưu tiên hơn như ốm đau, bệnh tật…
“Còn việc nghỉ 30 phút khi đến ngày, điều đó không đúng và tôi thấy nó buồn cười… Luật có ban hành thì chúng tôi cũng không thực hiện vì không khả thi. Mọi thứ phải phù hợp với cuộc sống thì mới áp dụng được” – ông nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường cho hay, quy định này có thể sẽ gây bất bình đẳng, không công bằng cho nhiều người phụ nữ.
“Ví dụ như việc vợ đẻ con, chồng được nghỉ mấy ngày hoặc phụ nữ sau sinh được nghỉ 6 tháng thì thực hiện được. Còn với quy định như trên, những người mãn kinh hoặc những người tiêm thuốc để không bị ngày "đèn đỏ" thì lại thiệt thòi” – ông Hoàn so sánh.