Câu chuyện nhà trường thu không đúng quy định, nhiều khoản thu sai đã gây bức xúc cho phụ huynh. Bài toán lạm thu đầu năm không phải là dễ dàng giải quyết, cụ thể, mặc dù Bộ và các Sở GD có đưa ra nhiều quy định, hướng dẫn cho phép các khoản thu đầu năm học nhưng các loại thu trá hình…vẫn xảy ra!
Mặc dù các cấp quản lý đã đưa ra quy định khoản nào được thu, không được thu trong trường, nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra gây bức xúc trong dư luận.
Nghe thông báo họp phụ huynh đầu năm học cho con, anh Hoàng Văn Lý lại tặc lưỡi, lo lắng không biết sẽ phải đóng bao nhiêu khoản thu cho con vào học lớp 1. Mặc dù lúc nhập học cho con, anh đã "cắn răng" đóng gần chục triệu đồng từ các khoản từ đồng phục, sách vở, tiền sắm sửa thiết bị trong phòng học…
Cũng giống như trường hợp cuộc họp phụ huynh đầu năm của Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình), nhiều phụ huynh “ngã ngửa” vì quá nhiều khoản phải đóng.
Cụ thể, thu tiền giữ xe đạp 54.000 đồng, vệ sinh 54.000 đồng, thẻ thư viện 15.000 đồng, công trình hội phụ huynh 100.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng, quỹ lớp 150.000 đồng, quỹ Đoàn 100.000 đồng, ủng hộ thư viện 10.000 đồng, lao động 50.000 động, thẻ thư viện 15.000 đồng, phí theo dõi con em qua mạng 100.000 đồng, nước uống 63.000 đồng, sổ khám bệnh 10.000 đồng, lôgô trên áo 5000 đồng, giấy thi 80.000 đồng, học phí, bảo hiểm...
Trả lời báo chí, hiệu trưởng nhà trường nói rằng có thể xem xét lại khoản thu nếu phụ huynh học sinh phản ứng quá nhiều. Có thể thấy, lạm thu biến tướng vẫn đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều bậc cha mẹ và làm đau đầu các cấp quản lý, lãnh đạo giáo dục.
Để giải quyết bài toán này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh rằng, Sở đã có những hướng dẫn rất đầy đủ, cụ thể về các khoản thu đầu năm gồm khoản thu thỏa thuận (nước uống, bán trú 2 buổi/ ngày, thu hộ, thu tự nguyện…và phụ huynh quan tâm đến khoản thu tự nguyện.
Ông Nguyễn Hữu Độ- GĐ Sở GD Hà Nội.
Theo ông, để các khoản thu đúng với tính chất của nó, Sở đã thống nhất quy trình yêu cầu các trường làm theo 4 bước: đầu tiên thống nhất từ ban giám hiệu, thống nhất với cha mẹ học sinh, sau đó phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cuối cùng mới được tổ chức thu.
“Chúng tôi xác định các khoản thu này phải công khai, minh bạch. Thực hiện xã hội hóa giáo dục không chỉ huy động nguồn lực cho giáo dục mà còn nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu thu thêm thì chất lượng giáo dục phải tạo sự khác biệt. Và như vậy người được hưởng lợi là học trò”, ông Độ nhấn mạnh thêm.
Đặc biệt, để nâng cao việc giám sát tình trạng lạm thu “muôn hình muôn vẻ” trong trường, năm học này Sở GD đã tổ chức thành lập 20 đoàn thanh tra các đơn vị trường học. Như vậy, so với năm ngoái, số đoàn thanh tra được lập gấp hơn 3 lần (năm 2012: 6 đoàn thanh tra).
Giám đốc Sở GD khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Thanh tra phải làm 3 việc bao gồm thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, chuyên môn và giải quyết đơn thư tố cáo, những phản ánh dân bức xúc.
Cụ thể, số đoàn thanh tra bao gồm 15 đoàn do các trưởng, phó phòng ban của Sở trực tiếp làm trưởng đoàn, 5 đoàn do các Phó giám đốc Sở trực tiếp thanh tra.
Còn về vấn đề phản ánh, tố cáo của người dân, như trả lời báo chí trước đó, ông Độ cho biết, Sở sẽ bảo vệ phụ huynh lên tiếng về những khoản thu không hợp lý.
“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đúng, không công khai danh tính và luôn khuyến khích các đơn vị, cá nhân tố cáo các khoản thu chi sai. Sở sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tố cáo”, ông Độ nhấn mạnh lần nữa.
Thay cho lời kết, việc 5 hiệu trưởng ở Hà Đông xin từ chức vừa qua nhận được nhiều sự tán đồng của dư luận. Lãnh đạo Sở cũng ủng hộ với phương án của phòng GD quận và cần khuyến khích thực hiện để tạo sự minh bạch, nâng cao chất lượng giáo dục.