Ngăn “chất độc” vào mâm cơm người Việt

Hương Vũ |

Chất tạo màu vàng ô vốn chỉ sử dụng trong công nghiệp nhuộm được trộn vào thức ăn của gà để tạo màu vàng đẹp mắt; chất cấm Salbutamol vốn chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y tế được tuồn ra thị trường dưới dạng sản phẩm "siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai" dùng trong thức ăn chăn nuôi lợn.

Những "chất độc" này tồn dư trong thực phẩm là một trong những tác nhân gây bệnh ung thư đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân Việt Nam. 

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Báo động!

Chất cấm Salbutamol do Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu với mục đích làm thuốc chữa bệnh, nhưng thực tế việc quản lý sau nhập khẩu còn lỏng lẻo nên đã bị các đối tượng lợi dụng đưa ra ngoài thị trường, sử dụng trong chăn nuôi dưới tên gọi "chất tạo nạc".

Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000-6.000mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt.

Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của Salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao.

Còn vàng ô  (VTA Yellow - chất tạo màu sử dụng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy) cũng được các đối tượng trộn vào cám cho có màu vàng, trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng da gà đẹp mắt.

Thế nhưng, tồn dư của Salbutamol hay vàng ô trong thực phẩm lại là các tác nhân gây ra bệnh ung thư cho người sử dụng.

Theo lãnh đạo Phòng 5 C49 Bộ Công an, việc đưa chất cấm Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi manh nha xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2011-2012. 

Điển hình như năm 2012, C49 đã phối hợp Đội Quản lý thị trường quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh)  kiểm tra và phát hiện tại kho của Công ty TNHH ONI (Đồng Nai) có 2 tấn sản phẩm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi có chứa chất cấm Salbutamol; đã làm rõ, xử phạt hành chính đối với công ty số tiền 50 triệu đồng, thu giữ 4,1 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chất Salbutamol của công ty tại 22 tỉnh, thành phía Nam.

Sau những vụ việc xử lý trên,  việc sử dụng chất cấm Salbutamol không chấm dứt mà vẫn âm thầm diễn ra. "Phong trào" sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi lợn thực sự nở rộ  từ khoảng cuối năm 2014 đến nay.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã gia tăng ở mức độ báo động cả về quy mô và tính chất.

Trên thị trường, bày bán công khai các sản phẩm được quảng cáo là "siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai" có chứa Salbutamol.

Ở các tỉnh phía Nam, nếu như trước đây tình trạng sử dụng chất cấm chỉ xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay đã có ở cả các cơ sở chăn nuôi trang trại, thậm chí là các trang trại trong hệ thống chăn nuôi gia công của các tập đoàn lớn.

Và đáng báo động hơn là sự xuất hiện trở lại của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có sử dụng chất cấm Salbutamol.

Chất cấm không chỉ được phát hiện ở các tỉnh phía Nam, những nơi được coi là trung tâm chăn nuôi lớn nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An… mà còn có dấu hiệu lan tràn tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Tháng 1-2015, qua công tác nghiệp vụ, Cục C49 đã phát hiện 3 công ty: Công ty TNHH VIMARK (Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang), Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại An Tín (phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) có dấu hiệu sử dụng chất cấm Salbutamol để sản xuất thức ăn chăn  nuôi.

Ngoài ra, Công ty TNHH VIMARK và Công ty TNHH VIC (Hải Phòng) còn sử dụng chất vàng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

C49 đã phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xử lý phạt hàng trăm triệu đồng, tiêu hủy toàn bộ thức ăn chăn nuôi có chất cấm.

Các trinh sát Cục C49 cho biết, sau một loạt các vi phạm trên bị phát hiện, xử lý, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không công khai như trước, nhưng vẫn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Để đối phó với việc kiểm tra, các test nhanh của cơ quan chức năng, các đối tượng không đưa Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi từ khâu sản xuất mà "biến tướng" dưới dạng những túi nhỏ có tên gọi "bổ sung dinh dưỡng" được tặng hoặc bán kèm cám, thức ăn chăn nuôi tại các đại lý, hoặc được một số thương lái trực tiếp mang đến cung cấp cho chủ cơ sở chăn nuôi.

Về phía người chăn nuôi, mặc dù biết đó là chất cấm nhưng vì cái lợi trước mắt vẫn làm ngơ. Hoặc do bị thương lái ép, nếu không sử dụng chất cấm để tạo nạc cho thịt sẽ khó tiêu thụ, giá bán thấp. Bằng cách này, các đối tượng vẫn thu được lợi nhuận cao nhưng đẩy trách nhiệm về phía người chăn nuôi.

Qua công tác nắm tình hình, ngoài Salbutamol, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm một loại chất mới có tên Zeranol cấm sử dụng trong chăn nuôi được sử dụng thay thế các chất tạo nạc trên.

Chỉ tính riêng 1 tháng thực hiện cao điểm (từ 16-11 đến 16-12-2015), C49 và Thanh tra Bộ NN&PTNT đã làm việc, kiểm tra 15 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát hiện Công ty Hóa dược Minh Anh (tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH thuốc thú y Khoa Nguyên (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội), Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Công ty TNHH Thủy sản Seabird (TP Hồ Chí Minh) có hành vi kinh doanh, sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi.

Tại các địa phương, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 40 cơ sở chăn nuôi, 14 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, 6 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 4 cửa hàng thịt, 3 cơ sở giết mổ.

Qua kiểm tra phát hiện 4 cơ sở chăn nuôi có hành vi sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi, 1 cửa hàng thuốc thú y có dấu hiệu buôn bán chất cấm trong chăn nuôi.

Các cơ quan chức năng bước đầu đã ra quyết định xử phạt  40 triệu đồng đối với 3 cơ sở vi phạm.

Đường đi của chất cấm

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra năm 2014 thì tại Việt Nam, số ca tử vong do ung thư hàng năm lên đến 82.000 người, trong đó có đến 70% do chế độ ăn uống.

Vì vậy, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, không những gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực và nòi giống dân tộc, đến môi trường sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng đã trở thành vấn đề "nóng" hơn lúc nào hết và đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.


Thu giữ chất vàng ô được đưa vào thức ăn trong chăn nuôi gây độc hại cho người tiêu dùng.

Thu giữ chất vàng ô được đưa vào thức ăn trong chăn nuôi gây độc hại cho người tiêu dùng.

Theo số liệu của Cục Quản lý Dược, trên cả nước hiện có 20 công ty được phép nhập khẩu Salbutamol, trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập trong 2 năm 2014-2015 tổng số 9.140kg Salbutamol.

Trong khi đó, thực tế có 40 nhà máy, xưởng sản xuất được cấp phép sản xuất thuốc có chất Salbutamol với nhu cầu thực sử dụng trong y tế là 3,5 tấn.

Việc quản lý chặt chẽ trong nhập khẩu nhưng lại lỏng lẻo trong kinh doanh, chưa kiểm soát hết tình hình là nguyên nhân để xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng bán ra thị trường cho các đối tượng đưa vào thức ăn chăn nuôi.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục C49 cho biết, bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được Cục C49 và Công an các địa phương khẩn trương triển khai, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Thực hiện chỉ đạo của C49, các đơn vị thuộc Cục và Cảnh sát môi trường các địa phương đã mở hồ sơ chuyên đề về đấu tranh, thành lập các tổ công tác trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Bộ NN&PTNT thành lập để thanh tra tại các địa phương.

Với vai trò chủ công, C49 - Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ NN&PTNT trong đấu tranh, tìm và triệt phá các đường dây buôn bán chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, tìm nguồn cung cấp chất cấm.

Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm; qua đó phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm sử dụng chất cấm Salbutamol và vàng ô, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,6 tỉ đồng.

Lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiến nghị với Bộ Y tế về việc nhập khẩu chất  vàng ô. Hiện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các đơn vị tạm dừng nhập khẩu do có khả năng lạm dụng chất này;

Bộ NN&PTNT cũng kịp thời bổ sung chất vàng ô vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo  Đại tá Trần Trọng Bình, các biện pháp công tác đang được Cảnh sát môi trường và Công an các địa phương trong cả nước  tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài nỗ lực của lực lượng Công an trong phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật thì cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành y tế, nông nghiệp trong việc kiểm tra, đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn các doanh nghiệp vi phạm trong nhập khẩu và sản xuất thuốc có chất Salbutamol; kiểm tra trên bình diện rộng các cơ sở chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, chọn cơ sở trọng điểm có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra đột xuất.

Các công ty  bị phát hiện sử dụng Salbutamol trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bị xử lý gồm: Công ty TNHH VIMARK (tỉnh Bắc Giang), Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại An Tín (tỉnh Hải Dương), Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thịnh Đức (tỉnh Bắc Giang), Công ty CP Đầu tư Tiên Phong (tỉnh Hưng Yên), Công ty TNHH Trường Phú (tỉnh Hải Dương), Công ty TNHH NN Ánh Dương (TP Hồ Chí Minh).

Các công ty vi phạm sản xuất và kinh doanh sản phẩm có chất Salbutamol gồm: Công ty Thuốc thú y Khoa Nguyên (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Cường Phát (tỉnh Đồng Nai), Công ty TNHH Bắc Âu Mỹ (tỉnh Đồng Nai).

Ngoài ra, tại Bình Dương, kiểm tra 2 lò giết mổ tập trung phát hiện 5 thương lái có heo tồn dư chất cấm Salbutamol; tại TP Hồ Chí Minh, phát hiện Công ty Thủy sản SeaBird và 3 cá nhân buôn bán chất cấm Salbutamol.

Kiểm tra, phát hiện 5 công ty hóa dược tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội buôn bán chất Salbutamol trái phép. Ngoài ra còn nhiều cá nhân, tổ chức đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ chờ kết quả xử lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại