Từ chai lọ cũ tới ý tưởng "đột phá"
Nhìn những chiếc chai, lọ cũ chất ngổn ngang ở góc nhà, không ai nghĩ chúng có thể biến thành bình cắm hoa, chiếc đèn ngủ hay cốc uống nước…
Nhưng với đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy đã làm được điều đó.
Cả hai anh chị đều tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, anh Tâm làm thiết kế đồ họa cho các công ty nước ngoài.
Chính môi trường làm việc đó đã giúp anh có nhiều cơ hội tìm hiểu trên các trang web của nước ngoài về đồ họa và thiết kế.
Từ đó, vợ chồng anh Tâm thấy thị trường làm đồ tái chế của bạn bè quốc tế khá nhộn nhịp.
Họ đã nghĩ tới việc thử mày mò, lấy chai lọ cũ có sẵn trong nhà cắt gọt, tạo dáng và “khoác” lên đó những nét vẽ hoa, lá cành để biến chúng thành những bình cắm hoa nghệ thuật.
“Ban đầu, những sản phẩm chúng tôi làm ra chỉ phục vụ nhu cầu trang trí ở nhà. Mọi người tới chơi thấy hay và thích nên yêu cầu chúng tôi làm để họ mang đi tặng” – chị Thúy chia sẻ.
Từ lúc đó, hai vợ chồng mới mạnh dạn nghĩ tới việc làm nhiều hơn số lượng sản phẩm đang có. Từ đầu năm 2014, họ bắt đầu tham gia hội chợ handmade và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người đặc biệt là giới trẻ.
“Sự yêu mến của các bạn dành cho sản phẩm tái chế mà hai vợ chồng làm ra khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa vui. Đó cũng là động lực giúp chúng tôi tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp hơn” – chị Thúy cười.
"Hành trình giải cứu ve chai"
Chia sẻ về “Hành trình giải cứu ve chai” của mình, chị Thúy cho hay:
Thời gian đầu, việc thu gom chai lọ cũ của anh chị gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có lúc đi đường, thấy vỏ chai vứt bỏ, anh Tâm cũng dừng xe để nhặt.
Rồi dần dần, họ đi thu gom chai thủy tinh mà các nhà hàng bỏ đi để về vệ sinh, cắt gọt chúng thành những hình thù của chiếc cốc, lọ hoa, đèn dầu…
“Đến nay thì nhiều người còn tự mang chai tới tặng chúng tôi, trong đó có cả người nước ngoài” – chị Thúy nói thêm.
Để hoàn thành 1 sản phẩm, theo chị Thúy còn tùy thuộc vào thời gian định hình sẽ làm gì với chiếc chai, lọ thủy tinh cũ mình đang có trong tay.
Nếu là sản phẩm cầu kì sẽ mất khoảng nửa ngày, sản phẩm bình thường, không đòi hỏi tính nghệ thuật cao mất khoảng 2 – 3 tiếng.
“Sản phẩm của mình dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/sản phẩm, tùy thuộc vào kiểu dáng chai vì có những chai rất đẹp và khó kiếm. Còn những chai có nhiều ở thị trường thì giá thành rẻ hơn" - chị Thúy tâm sự.
Không chỉ dừng lại ở công việc cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật từ chiếc chai, lọ cũ bỏ đi, anh Tâm, chị Thúy còn sẵn sàng “xắn tay áo” khi có ai nhờ chỉ bảo cách vẽ những đường nét lên chai để tạo ra những sản phẩm như họ đang sở hữu.
“Mình hi vọng sau này có nhiều bạn trẻ làm ra những sản phẩm tái chế như thế này. Đưa những sản phẩm ấy ra thị trường nước ngoài, đó cũng là niềm mong ước từ lâu của hai vợ chồng” – chị Thúy nói.
Và màu để vẽ lên sản phẩm này, theo chia sẻ của chị Thúy là dùng màu vẽ kính. Nguyên tắc của mà vẽ đó là phải làm lớp nhám và nung. Nhưng là sản phẩm handmade nên vợ chồng anh chị chỉ vẽ lên và bỏ qua nguyên tắc của màu vẽ này.
“Tuy nhiên chất lượng bám của nó vẫn rất tốt. Chúng ta có thể mang sản phẩm ra rửa nhưng đừng lấy dao cạo nó là được” – chị Thúy chia sẻ kinh nghiệm.
Dưới đây là 1 số hình ảnh trong "Hành trình giải cứu ve chai" của vợ chồng anh Tâm, chị Thúy do chúng tôi ghi lại:
Từ những vỏ chai cũ, họ tái chế thành rất nhiều sản phẩm hữu ích không chỉ làm đẹp cho đời mà còn được sử dụng làm đồ vật trang trí trong nhà