Nếu Việt Nam như Philippines, cảnh giẫm đạp còn hỗn loạn hơn thế!

Phương - Quế |

(Soha.vn) - Theo Chủ tịch Tâm Việt Group: Nếu Việt Nam cũng bị san bằng như Philippines trong trận bão Haiyan vừa qua, cảnh giẫm đạp lẫn nhau cũng có thể xảy ra.

Dân Philippines giẫm đạp nhau: Lỗi do cách quản lý

Vài ngày sau siêu bão Haiyan, hàng nghìn người Philippines tuyệt vọng xô đẩy nhau lên máy bay, họ tranh giành nhau từng thùng hàng cứu trợ, họ làm mọi cách để sinh tồn trong đống đổ nát. Nạn cướp bóc bắt đầu xuất hiện tại những khu vực mà bão tàn phá.

Thành phố Tacloban bị phá hủy gần như hoàn toàn. Một số người đã gần như phát điên vì đói khát và mất người thân. “Mọi người đang trở nên manh động. Họ cướp phá các cửa hàng và siêu thị chỉ để tìm kiếm thực phẩm, gạo và sữa...Tôi lo rằng nếu còn tiếp diễn, người ta sẽ giết nhau vì đói” - giáo viên Andrew Pomeda, 36 tuổi cho biết.

Tại khu ngoại ô của thành phố Tacloban, Edward Gualberto đã vô tình giẫm lên một thi thể khi ông đang trộm đồ từ ngôi nhà đổ nát của người đã chết. Thậm chí, đào bới những hộp thực phẩm từ đống đổ nát cạnh những thi thể đầy ruồi nhặng bay quanh. Người cha của 4 đứa con biết rằng đó không phải là hành động của người tử tế, nhưng để sống sót, ông buộc phải làm những điều đáng hổ thẹn như vậy.

Đặc biệt, cảnh hàng nghìn người dân Philippines chen nhau, giẫm đạp lên nhau xô vào kho chứa lương thực cứu trợ là hình ảnh ám ảnh toàn nhân loại trong suốt những ngày qua.

Hàng nghìn người dân Philippines chen lấn, xô đẩy nhau lên máy bay.

Hậu siêu bão Haiyan, hàng nghìn người dân Philippines chen lấn, xô đẩy nhau lên máy bay.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo các chuyên gia, lỗi này đến từ cả 2 phía: nhà quản lý ở các địa phương và lỗi của cả người dân Philippines. Khi đặt vào hoàn cảnh phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, người dân Philipines buộc phải giành giật, vì nếu họ chậm chân thì họ chết, không có gì ăn để mà sống.

Từ sự việc này, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group cho biết: Sau thảm họa hay trong lúc hoạn nạn, vai trò người thủ lĩnh rất quan trọng.

Trong trường hợp hậu siêu bão Haiyan ở Philippines, các cơ quan chức năng tại đây đã không cứu trợ kịp thời, có phần chậm chạp khiến người dân chết đói. Họ phải chịu đựng suốt 3 ngày không ăn, không có nước uống, ngủ màn trời chiếu đất, lẽ tất nhiên sẽ dẫn tới việc đập phá cửa hàng hoặc làm những điều đáng hổ thẹn để sống sót.

Hơn nữa, không ít người cho rằng: khâu tổ chức tại Philippines cũng chưa tốt. Thay vì mở cửa một kho hàng chứa đầy lương thực hay đem tới một chiếc xe chất đầy thực phẩm để cứu trợ, lẽ ra, các nhà quản lý Philipines nên chia nhỏ gánh hàng, phân phát đều cho các địa phương, khuyên mọi người bình tĩnh, ai cũng sẽ có phần, tránh cảnh bất chấp xông lên, giẫm đạp lên nhau để tranh đồ của người dân như vậy.

“Chúng ta hãy hiểu cho tình hình khó khăn của người dân Philippines. Trong khi quá đói, người ta sẽ có phản ứng không kiểm soát được. Tôi thấy đây cũng là điều người Việt Nam chúng ta cần rút kinh nghiệm” – Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét.

“Ở Việt Nam, khả năng hỗn loạn nhiều hơn”

Nếu đặt giả thuyết Việt Nam cũng bị siêu bão nhấn chìm, tan hoang, đổ nát như Philippines thì thảm họa giành giật nhau, giẫm đạp lên nhau tại nước ta liệu có diễn ra?

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Tâm Việt Group, ông Phan Quốc Việt nói: “Ở Việt Nam, vai trò của thủ lĩnh chưa lớn, cho nên khả năng hỗn loạn nhiều hơn. Trong khi đó, ở Nhật, họ có tính đồng đội, có người thủ lĩnh lãnh đạo, có tinh thần võ sĩ đạo samurai nên tính tuân thủ, trách nhiệm cao”.

Tại Nhật Bản trong cơn nguy khó, thảm họa khủng khiếp từ sóng thần cho tới sự cố hạt nhân, họ đều rất bình tĩnh, xử trí rất văn hóa và vẫn chia sẻ, đùm bọc cho nhau miếng cơm, manh áo, chứ không có chuyện đâm chém, giành giật nhau, giẫm đạp lên nhau mà chết như ở Philippines. Đó là cách ứng xử, văn hóa của mỗi dân tộc trên thế giới.

Khi bị nhấn chìm, tan hoang như Philippines, dân Việt Nam cũng có thể giẫm đạp lên nhau như thế!
Khi bị nhấn chìm, tan hoang như Philippines, dân Việt Nam cũng có thể giẫm đạp lên nhau như thế!

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Người dân quen thói tự do bởi lâu nay, lối sinh hoạt, sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu đã thấm sâu vào máu người Việt. Sản xuất nhỏ sinh ra tính tùy tiện như đi làm không đúng giờ, nghỉ ngơi thất thường... Trong khi với nền sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp, mỗi công dân là một mắt xích trong dây truyền nên không thể thay thế. Nhật Bản đã đi vào nền sản xuất lớn từ lâu nên giờ giấc luôn đảm bảo nghiêm ngặt và theo quy trình, kế hoạch đã vạch sẵn.

“Tôi xin lưu ý là trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, vào những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử, người Việt Nam cũng tỏ ra kỷ luật, xếp hàng, chia sẻ với nhau. Thế nhưng đến bây giờ, các đức tính đó có lẽ mất đi rất nhiều!

Tại sao? Có nhiều lý do, trong đó, theo tôi, có sự thiếu gương mẫu của một số người nhất định nào đó, có sự chênh lệch giàu nghèo khiến con người ta cảm thấy thất vọng về sự hy sinh của mình đã không được đền đáp” – TS.Lê Đăng Doanh lý giải.

Bằng chứng sống là cách đây không lâu, hàng nghìn người VN đã chen chúc nhau để tranh giành một suất sushi miễn phí đáng giá khoảng 100.000 đồng. Hàng ngày, khi tham gia giao thông, trong lúc chờ đèn đỏ, ai cũng lấn sát đường vạch trắng, còn một chỗ hở cũng phải cố chen vào. Không ai chịu nhường ai, dù chỉ hơn thua nhau một bước chân, nhanh chậm hơn nhau chừng 1 phút, thậm chí là vài giây. Khi xảy ra sự cố hay va quẹt, người dân Việt Nam lập tức nảy sinh xung đột.

Việc giáo dục để có lối sống, cách hành xử văn minh như tấm gương của người Nhật Bản, theo các chuyên gian, cần một thời gian dài.

“Ngay từ bây giờ nên giáo dục người dân về các nhận thức và cách ứng xử. Chúng ta phải tự ý thức, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không nên đổ lỗi cho ai cả. Phải giáo dục và coi đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, từ gia đình cho tới nhà trường, xã hội” – TS.Phan Quốc Việt, người chuyên dạy về kỹ năng sống nhắn nhủ.

LTS: Có đúng là người Việt Nam sẽ còn tranh cướp nhau hơn cả người Philippines nếu xảy ra thảm hoạ? Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại