Nếu thu tiền cọc của công nhân, Formosa sẽ sai luật

Hoàng Đan |

Theo Luật sư Long, nếu đúng công nhân phải đóng từ 2 - 5 triệu cho công ty để vào làm tại công trường Formosa thì không đúng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Theo phản ánh của anh Tưởng Như Vũ (SN 1985), trước khi vào làm việc cho công ty Nibelc (trụ sở Quảng Bình - cung ứng lao động cho công ty Sam Sung làm việc tại Formosa), anh phải đóng vào 5 triệu đồng ( Anh Như Vũ làm từ năm 2013 - PV).

Còn anh Đàm Trung Hiếu, một công nhân khác làm việc từ tháng 1/2015, phải đóng vào 3 triệu đồng.

Theo lời anh Hiếu, công ty giải thích số tiền này dùng để mua trang thiết bị lao động, tiền trang bị công cụ lao động, tiền cược, tiền ăn…. Nếu không đóng thì không được nhận.

Ngoài ra, anh Phan Anh Dũng (23 tuổi) và anh Nguyễn Minh Phương (24 tuổi) đều ngụ tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và là công nhân của Formosa cũng cho biết, mỗi người được tuyển vào Formosa phải đóng khoản tiền từ 2 - 5 triệu đồng.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Long, Trưởng VP Luật sư Đức Tín (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu xác định đúng các công nhân này đã phải đóng tiền cho công ty mới được nhận vào làm việc, thì không đúng với quy định của Luật Lao động hiện hành.

trưởng vp luật sư đức tín
luật sư nguyễn đức long
  Mặt khác, Công ty Nibelc giải thích số tiền thu được của công nhân để mua trang thiết bị lao động, tiền trang bị công cụ lao động … lại càng trái pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 5 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/2/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về Nguyên tắc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân như sau: “Người sử dụng lao động thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này".

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư HN) cũng nhấn mạnh, việc thu tiền trước này là sai Luật Lao động.

Theo Luật sư Cường, tại Khoản 1, Điều 18 và khoản 2, Điều 20 Bộ luật này, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ).

"Người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác khi làm việc cho mình" - Luật sư Cường khẳng định.

Cũng theo Luật sư Cường, tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định.

"Tại Điểm a, Khoản 1, Điểm b, Khoản 2 và Điểm b, Khoản 3, Điều 5 Nghị định quy định:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm (đặt cọc) bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.

Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Điều 133 Bộ luật Lao động quy định, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cá nhân sử dụng lao động phải tuân theo quy định pháp luật về an toàn lao động.

Điều 138 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đảm bảo nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để an toàn cho người lao động. Đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Do đó, việc công ty Nibelc cho rằng, số tiền thu trước của công nhân để mua trang thiết bị lao động, tiền trang bị công cụ lao động... là không đúng với quy định của pháp luật" - Luật sư Cường nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại