Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Vụ phó Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề xung quanh việc đường Trường Chinh bị uốn cong.
Đường nhiều đoạn cong
KTS Nguyễn Quang Vinh cho biết, các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Hà Nội trước đây đã thể hiện đường Trường Chinh là thẳng và có xu hướng mở rộng về phía Nam. Chính vì xác định hướng mở rộng về phía Nam nên khi Hà Nội xây dựng các điểm giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng đã thi công và đều mở rộng theo hướng này.
“Bởi vậy, việc Hà Nội cần làm là nối một đường thẳng vào các nút nhưng lại bẻ dích dắc tạo nên điểm giao đâm thẳng vào trụ cầu vượt Ngã Tư Vọng”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nếu thi công theo hiện tại thì đường Trường Chinh sẽ là con đường dích dắc có 8 điểm thì có 7 đoạn bị bẻ gãy cong. Trong đó, đường cong thể hiện rõ nhất là gần từ ngõ 150 tới Ngã Tư Vọng khi đường bị bẻ sâu tới hơn 35 m.
Ông Vinh cho rằng, một tuyến đường chỉ gần 2km mà có 7 điểm bẻ cong thì sẽ rất khó khăn cho các phương tiện di chuyển.
Lật lại vấn đề, ông Vinh nhìn nhận, tại đường Trường Chinh có những điểm cong có thể khắc phục nếu mở rộng đường về phía Nam, như đoạn từ ngõ 199 đến đến ngõ 269 (hiện tại hơi cong về phía Bắc) nếu lấy đất sâu về phía Nam sẽ biến cong thành thẳng.
Cụ thể, nếu Hà Nội làm theo quy hoạch trước đây, lấy về phía Bắc chỉ 6m và mở rộng về phía Nam cho đủ mặt cắt đường 55m thì cả tuyến đường này không hề cong mà còn thẳng hơn.
Đường Trường Chinh bị nắn cong.
Cùng quan điểm với ông Vinh, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm nói với PV rằng nguyên tắc mở đường giao thông, đường trục thành phố thì phải tuân thủ theo kỹ thuật, mở tuyến là thẳng, nếu có cong thì phải đúng với độ cong cho phép phù hợp với quy định, góc chuyển tiếp có bán kính cong thích hợp tránh tạo thành những điểm cong đột biến.
“Như trường hợp đường Trường Chinh nếu mở đường mà có những đoạn cong đột biến thì gây rất nhiều khó khăn trong quy hoạch đô thị, làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy rất khó kiểm soát về giao thông, hạ tầng kỹ thuật”, ông Nghiêm nói.
Tiết kiệm nghìn tỷ GPMB
Ông Nguyễn Quang Vinh thống kê, với chiều dài chưa đầy 2km nếu mở rộng về phía Nam theo các quy hoạch trước của Thủ tướng và Hà Nội thì toàn tuyến đường có 12 cơ quan, trong đó diện tích đất quốc phòng chiếm tới hơn 1/2. Bởi vậy, mở đường về phía Nam sẽ tiết kiệm được chi phí hơn nhiều.
Nếu không bẻ cong đường tiết kiệm được nghìn tỷ từ GPMB?
“Hà Nội nói hơn 2.000 tỷ đồng được dành để GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng hai bên đường với 416 hộ, mà các hộ dân này chủ yếu nằm ở phía Bắc, phía Nam hầu như như chỉ cắt một phần đất chứ ít hộ bị giải tỏa. Nếu mở về phía Nam, chủ yếu là trụ sở các cơ quan nhà nước, trong đó đất quốc phòng chiếm phần lớn thì Hà Nội đã tiết kiệm chi phí hơn nghìn tỷ đồng rồi”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, cũng theo Vụ phó Quy hoạch kiến trúc, đường Trường Chinh bị bẻ cong gây hệ lụy không nhỏ tới hạ tầng đô thị. Bởi, chi phí sẽ đội lên bởi công trình ngầm như hệ thống thoát nước, cáp điện ngầm, đường nước sinh hoạt, đường cáp thông tin…
Trên thực tế, đầu năm 2014 UBND TP Hà Nội đã phải ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án mở rộng với tổng giá trị 123 tỉ đồng, trong đó thi công di chuyển hệ thống thông tin hơn 57,7 tỉ đồng, di chuyển đường điện hơn 50 tỉ đồng, chuyển hệ thống cấp thoát nước hơn 10 tỉ đồng.
Lật lại thông tin của vụ việc, đề xuất của nguyên Vụ phó vụ Quy hoạch kiến trúc của Bộ Xây dựng cũng tương đồng với đề xuất trước đây của Hà Nội và được thống nhất của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, năm 2007 trước khi Hà Nội có quy hoạch mới đang tiến hành như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên có văn bản số 762 thống nhất chỉ giới đường đỏ theo hướng lấy sâu vào phía bắc 6m, còn lại phát triển về phía Nam cho đủ mặt cắt đường là 53,5m.
Chiều nay, trong cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, Sở QHKT Hà Nội sẽ có báo cáo cụ thể hơn về vấn đề này.