Ai cũng biết, “chặt chém” vào dịp lễ, Tết đã trở thành thói quen bán hàng của không ít những người làm dịch vụ ở Việt Nam.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nó đã trở thành ý thức đối với người sử dụng dịch vụ đã từ lâu. Ai cũng biết. Người mua biết. Người bán biết. Quản lý thị trường biết. Ngành công thương biết.
Biết, nhưng thực tế chẳng khác đi được. Thậm chí, như những gì báo chí phản ánh gần đây, không có dấu hiệu thuyên giảm.
Những cách đối phó với điều này, chủ yếu vẫn là những “mẹo vặt” của người dân, lẽ ra là những chuyện thông thường, nhưng đột nhiên lại thành “chuyện lạ”
Đĩa cơm chiên gây sốt truyền thông với mức giá khủng
Không ở "khách sạn lật lọng"
Ông Nguyễn Toàn Thắng (P.17, Q. Bình Thạnh), trong dịp Tết vừa rồi, đưa cả gia đình đi Vũng Tàu du lịch. Hằng, con gái ông đã lường trước được việc các dịch vụ sẽ tăng, nhất là giá phòng, nên cô đã cẩn thận đặt trước.
Cô lên một trang web uy tín chuyên book phòng khách sạn cho các thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, chọn 3 phòng, mỗi phòng giá 650 nghìn đồng (ngày thường 450 nghìn đồng).
Tất cả mọi thủ tục đã xong. Để cẩn thận hơn, Hằng liên hệ với khách sạn để chốt giá. Hai bên cũng đã thống nhất mức giá này, chốt số lượng phòng, số lượng người ở.
Tuy nhiên, khi đến nơi, phía khách sạn lại thông báo một giá phòng kiểu khác, cao hơn rất nhiều lần: 1 triệu 550 nghìn/ phòng. Phía khách sạn giải thích là: “Dịch vụ tăng dịp Tết tùy vào tình hình thực tế”
Gia đình ông Thắng thắc mắc tại sao không thông báo cho khách biết ở những lần liên hệ, phía khách sạn cho rằng: việc thu thêm là bình thường, giống như vào phòng trà có ca sĩ hạng A hát thì phải tính phụ thu cao!
Khách sạn cũng đưa ra cho ông Thắng hai lựa chọn: hoặc ở với mức tiền như khách sạn đưa ra, hoặc nhường phòng cho khách hàng khác. Và “khuyến mãi” thêm một thông điệp: “Ở đây, bác đi khách sạn nào cũng thế thôi!”
Bực bội, ông Thắng đã chọn việc quyết không ở lại khách sạn này nữa. “Giá phòng cao cũng được, nhưng phải nói trước cho khách. Làm như thế, khách cảm thấy mình bị lừa”, ông Thắng cho biết.
Một yếu tố khác khiến ông Thắng không quyết “cam chịu” là vì ông chủ động về phương tiện: tự lái xe đi lại. “Khi tự lái xe đi tôi cũng đã tính đến việc nếu bị chặt chém, tôi sẽ lái xe đến một điểm khác, vì đi du lịch là phải vui, không thể mua ức chế vào mình được”
Sau đó, ông Thắng lái xe đưa cả gia đình đến Phan Thiết thay vì ở lại Vũng Tàu. Ông và gia đình vào một khu không quá trung tâm, chọn một khách sạn bình thường với mức giá cũng…cao hơn bình thường một chút, nhưng theo ông là “tạm chấp nhận được”
Còn đồ ăn, các con ông tự đi chợ mua lấy, nên cũng không đến mức phải thưởng thức những đĩa cơm chiên giá hàng trăm nghìn đồng.
Một bài học ông Thắng rút ra: “Người Việt giờ cũng đã rất khôn nhưng không ít người làm dịch vụ lại thành ma mãnh. Tức là khôn thế nào cũng không lại với họ. Tốt nhất, không thấy ổn thì về vì đi mà không vui thì đừng đi. Ai cũng hành động thế, tình thế sẽ khác”
Để các chuyến nghỉ dưỡng trở nên vui vẻ, phải có cách nói không với "chặt chém". Ảnh: Internet
Nấu sẵn đồ ăn mang đi
Bà Trương Thị Trúc Mai (P. Tân Định, Q.1) cho biết, năm nào những gia đình trong tổ dân phố của bà cũng đi du lịch dịp Tết.
Biết đi dịp này chắc chắn sẽ bị hưởng các dịch vụ với giá “cắt cổ”, nhưng gia đình bà cũng như những gia đình khác không có lựa chọn, vì quanh năm các con bà phải đi làm, cháu phải đi học, nên để có dịp gia đình đoàn tụ, tận hưởng không khí nghỉ ngơi thì chỉ có dịp Tết.
Nhưng, bà Mai cho biết, bà hoàn toàn có thể có một chuyến du lịch tiết kiệm. Mặc dù lúc đầu bà đưa ý kiến bị các con phản đối kịch liệt vì: “một năm có một kỳ nghỉ, chịu đắt chút cũng được, sao mẹ phải cực như thế làm gì?”
Bà giải thích với các con: “Trong trường hợp đi ăn đặc sản của vùng miền đó, chúng ta sẽ chấp nhận ăn giá nào cũng được. Còn cơm, phở hay những thứ thông thường, nhà mình làm còn ngon hơn, mà ăn trong không khí thoải mái, tại sao không?”
Bà Mai kể, để thuyết phục con, lần đầu tiên đi bà chấp nhận để các con bị “chặt chém”. Bà nhớ, cách đây 4 năm, khi đến Nha Trang, các con bà ngấm cảnh ăn tô bún cá 150 ngàn, chỉ loe hoe vài cọng bún và mấy miếng chả, các con bà đã ăn thêm một nỗi ấm ức.
Rời quán bún, đến một số quán khác, tình hình cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Một chuyến nghỉ vừa tốn kém một cách phi lý lại mất vui, nên cuối cùng các con bị thuyết phục bởi ý định sẽ mang theo đồ ăn đi ở những lần sau.
Kinh nghiệm của bà Mai đã được truyền tới những người trong tổ dân phố. Và kết quả là, nguyên con hẻm nơi bà ở, đều chọn cách “cơm đùm cơm gói” đi du lịch. Đồ ăn nấu sẵn, đồ nguội, trái cây là những thứ họ luôn chuẩn bị sẵn.
Bà Mai rút kinh nghiệm: “Đừng sĩ diện. Tết nhất chẳng ai có hứng nấu đồ ăn cho ngon để bán đâu, nhất là đầu bếp giỏi cũng đều nghỉ Tết về với gia đình họ, thế nên việc ăn phải đồ dở và đắt là chuyện rất bình thường. Nên nấu đồ ăn mang đi là điều nên làm”
Bà mua sẵn những thùng xốp nhỏ, đồ ăn để vào trong các hộp an toàn, để có thể giữ nóng đồ ăn cả ngày. Nếu đi gần, thuê xe cả gia đình đi, bà mang theo bếp ga du lịch và nồi nhỏ để hâm nóng đồ ăn. Đi xa thì chịu khó xách thêm cái bếp từ.
Thông thường, các con bà thường chọn những khu nghỉ dưỡng có bếp nấu để tự nấu ăn, nên 4 năm qua, gia đình bà Mai đã giúp Việt Nam bớt đi một số du khách phải chịu đựng tình trạng chặt chém trong dịp nghỉ dưỡng cao điểm.
Bà Trần Thị Phương (hàng xóm bà Mai) cho biết đã áp dụng cách này của bà Mai cho những chuyến nghỉ dưỡng cùng gia đình. “Nhất là nhà tôi có cháu nhỏ, đi ăn lung tung ngoài lại càng không thể. Nhỡ cháu có chuyện gì, trở tay không kịp”
Cũng theo bà Phương, tinh thần “tự làm để nói không với chặt chém” đã lan rộng trong gia đình bà. Mấy đứa cháu bà đang học phổ thông, khi đến rạp xem phim, cũng đã tự mua nước ở ngoài, để trong ba lô vào rạp xem phim
“Đâu riêng gì lễ lạt đâu. Chúng nó đi xem phim, mua một chai nước suối trong rạp giá cao gấp 8 lần ở bên ngoài. Nếu các cháu không có ý thức tiết kiệm, chạy theo kiểu tiêu xài như thế, cũng không phải là điều tốt”, bà Phương nói.
“Những đợt nghỉ hiếm hoi, cần được nghỉ ngơi chứ tay xách nách mang thế làm gì. Nhưng chặt chém thì cũng vừa phải, chứ quá tay thì chúng tôi phải có cách của mình”, bà Mai nói, khi được hỏi về sự "khổ sở" của việc “cơm gói mang theo”.