Việt Nam sẽ không sợ "bom nguyên tử"

Phương Quế |

(Soha.vn) - Là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Việt Nam cần phải làm gì để luôn chủ động đối phó với "cơn giận của mẹ thiên nhiên".

Mới đây, siêu bão khủng khiếp từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại Haiyan đã phá hủy nặng nề cơ sở hạ tầng, cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người dân của đất nước Philippines. Các tỉnh miền Bắc Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ siêu bão này. Cơn bão số 15 hình thành ngay sau đó cũng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung nước ta gây mưa lớn, lũ quét, thiệt hại đáng kể về người và của.

Các nạn nhân sống sốt sau siêu bão Haiyan tìm kiếm thực phẩm và hàng hóa khác trong đống đổ nát tại một khu chợ ở Tacloban, Philippines.
Các nạn nhân sống sốt sau siêu bão Haiyan tìm kiếm thực phẩm và hàng hóa khác trong đống đổ nát tại một khu chợ ở Tacloban, Philippines.

Mỗi năm, nước ta có hơn chục cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp, khả năng chịu hậu quả kinh hoàng từ siêu bão như Philippines là hoàn toàn có thể đặt ra. Tuy nhiên, "Việt Nam sẽ không sợ siêu bão nếu nhận thức đúng về bão và có cách phòng chống bão hiệu quả"- theo lời khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện là Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).


	GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ khẳng định:

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ khẳng định: "Việt Nam sẽ không sợ siêu bão nếu nhận thức đúng về bão và có cách phòng chống bão hiệu quả".

Bão cũng có mặt tốt

Có nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao không phá bão để tránh gây thiệt hại cho các quốc gia?"

Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ cho rằng: "Phá bão đồng nghĩa với hành động con người tác động ngược lại vào thiên nhiên. Rõ ràng đây là bài toán khó và không hề đơn giản bởi năng lượng của mỗi cơn bão được so sánh ngang với bom nguyên tử. Tác động vào "cơn giận của mẹ thiên nhiên" thì không thể lường trước được điều gì sẽ xảy đến với con người chúng ta".

Nhắc đến bão là người ta nghĩ ngay tới mặt hại, những hiện tượng như: gió to, nước dâng, mưa lớn; kéo theo đó là thiệt hại về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng... Nhưng "bão không phải là có hại cả đâu, nó cũng có mặt lợi đấy" - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nói.

Bão đóng góp 1/3 lượng mưa ở Việt Nam. Lượng mưa trung bình cả nước ta hiện nay là 2000 mm/năm. Nếu không có bão thì chỉ có 1200mm-1300mm, nghĩa là lượng mưa trung bình cả nước chỉ bằng vùng ít nhất là Ninh Thuận- Bình Thuận.

Với lượng mưa ít như vậy liệu nước ta có nguồn tài nguyên nước phong phú, có nền nông nghiệp lúa nước phát triển, sông ngòi chằng chịt, cây cối xanh tươi? Và những công trình thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... liệu có được xây dựng như ngày nay?

Có những năm nước ta bị hạn hán liên tục, nghiêm trọng trên diện rộng. Sông ngòi cạn kiệt, hồ chứa hết nước. Nếu không có lượng mưa từ bão liệu toàn bộ vụ thu hoạch có được "cứu sống"? Số tiền bỏ ra để vận hành máy bơm, các hồ thủy điện liệu có được tiết kiệm đáng kể?

Rõ ràng, bão không chỉ có hại như nhiều người vẫn nghĩ mà cũng có mặt lợi đáng kể khi cung cấp lượng mưa, tạo nguồn tài nguyên nước phong phú, hệ thống sông ngòi dày đặc và nền nông nghiệp phát triển cho nước ta như ngày nay.

"Từ việc nhận thức đúng về tính hai mặt, quy luật của bão, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh để hạn chế được những ảnh hưởng xấu mà bão gây ra."- GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ khẳng định.

Việt Nam sẽ không sợ bão nếu công tác chuẩn bị tốt

Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, điều quan trọng nhất để phòng chống bão hiệu quả, đó là người dân và các cấp lãnh đạo chính quyền cần hiểu đúng đặc điểm của bão, thông tin, thuật ngữ trong bản tin dự báo bão.

Ông chỉ ra ví dụ: "Có những người chưa hiểu thế nào là vùng gió mạnh, tâm bão, bão đổ bộ, chưa đổ bộ... Có người thắc mắc cho rằng chắc chắn bão đã đổ bộ vào tỉnh của họ,vì thấy gió rất mạnh, trong khi thực tế tâm bão vẫn ở ngoài biển. Như vậy là hiểu sai, rằng khi tâm bão vào đất liền mới có gió mạnh. Nhưng thực tế, tỉnh đó đã nằm trong vùng gió mạnh. Bởi vì vùng gió mạnh nhất không phải ở chính tâm bão mà ở vùng xung quanh gần tâm bão. Vùng này có bán kính từ một đến vài trăm km tính từ tâm bão, trong khi vùng tâm bão chỉ có bán kính khoảng 10-50km. Chính quyền hiểu sai thành ra người dân cũng hiểu sai".

Nguyên nhân này do công tác truyền thông chưa thực sự hiệu quả, chưa phổ biến đúng thông tin, khái niệm cơ bản về bão, từ đó gây ra nhầm lẫn và hiểu sai.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Ngữ: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cần phối hợp để biên soạn tài liệu có tính phổ cập như một cẩm nang để phổ biến kiến thức cho người dân, lãnh đạo địa phương về bão và phòng chống bão. Cùng với đó là tổ chức những buổi tập huấn, nâng cao kiến thức một cách hệ thống tại các địa phương nhằm tăng cường tinh thần chủ động và hiệu quả của công tác phòng chống lụt bão.

Nước ta hàng năm trung bình có 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại cho hạ tầng kỹ thuật, hoạt động kinh tế và đời sống. Ba mặt hại do bão gây ra nói trên hoàn toàn có thể phòng tránh nếu chúng ta thực hiện kiên cố hóa các công trình, đê điều, hồ đập,quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch kinh tế-xã hội.


	Thiệt hại sau bão

Cảnh tan hoang sau bão

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ chỉ rõ mặt hạn chế hiện nay: "Vì tiềm lực kinh tế nước ta còn hạn chế nên chưa làm tốt việc này. Nhưng chúng ta cần chú trọng đầu tư vào công tác này ngay từ bây giờ. Đừng để nhà tạm bợ nữa, công trình và đường xá phải kiên cố; chứ không phải đường xá như bây giờ, hễ mưa,lũ là sạt lở, úng ngập. Cấm chặt phá rừng trái phép, bảo vệ tốt đai rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, ngăn được lũ quét, sạt lở đất, nước biển dâng. Trong thành phố, nếu hệ thống thoát nước tốt thì sao ngập được, mỗi khi ngập lại đổ lỗi cho trời mưa to. Thực ra tại vì mình kém quá".

Thực tế ở Hà Nội hiện nay một số hệ thống cống thoát nước từ thời Pháp vẫn đang được sử dụng. Trong khi đó dân cư tập trung tại đây ngày một tăng, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng và phù hợp với thực tế và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Việc ngập úng diễn ra thường xuyên khi có mưa lớn chứ chưa kể tới bão hay siêu bão. Như vậy, việc cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước tại các thành phố lớn không thể trì trệ như hiện nay!

Công tác quy hoạch cũng được coi là giải pháp then chốt, lâu dài trong việc phòng chống bão."Nhận thức được mức độ thường xuyên xảy ra bão ở các khu vực nước ta thì phải quy hoạch lại: vùng nào thường xuyên bị lũ quét thì đừng cho dân vào ở. Chân núi nhiều khả năng bị sạt lở đất cho nên khi có trận mưa to, nhà dân phía dưới chân núi thường bị hiện tượng đất lở, đổ xuống gây tai nạn nghiêm trọng" - ông Ngữ chỉ rõ mặt hạn chế trong công tác quy hoạch dân cư.

Với việc nhận thức đúng về tính hai mặt của bão, thông tin về dự báo bão cũng như làm tốt công tác kiên cố hóa cơ sở hạ tầng, quy hoạch dân cư thì nước ta hoàn toàn có thể chủ động làm tốt công tác phòng chống bão, giảm thiểu được thiệt hại mà bão gây ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại