Vào làng rắn chúa
Từ mấy chục năm nay, làng Phụng Thượng thuộc địa phận huyện Phúc Thọ ở Hà Nội luôn được mọi người gọi bằng cái tên làng rắn chúa. Bởi lẽ, hầu hết những hộ dân ở làng đều sinh sống bằng nghề nuôi rắn hổ chúa, loại rắn khổng lồ có tên trong sách đỏ.
Đã có nhiều gia đình trở nên giàu có, thậm chí tới mức “tỉ phú”, nhưng cũng không ít người phải trả giá đắt vì thứ nghề nguy hiểm này. Nhiều người đã phải chặt tay, rạch thịt vì loài thú nuôi “đại xà”.
Trải qua con đường đê ngoằn nghèo với hai bên là những cánh đồng xanh rì, chúng tôi tìm đến làng Phụng Thượng. Mục đích của chuyến đi này là để được “mục sở thị” làng nghề chuyên nuôi rắn chúa như người ta vẫn thường đồn đại.
Tuy nhiên, vì loài rắn chúa mà dân Phụng Thượng nuôi có trong sách đỏ bị cấm buôn bán nên người dân ở đây rất nghi kỵ người lạ vào làng. Trong vai nhân viên của quán đặc sản rắn tại một nhà hàng ở Hà Nội, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã thâm nhập được vào làng rắn chúa đặc biệt này.
Mặc dù về tuổi đời của làng rắn Phụng Thượng mới chỉ khoảng gần 30 năm, không thấm tháp gì so với những làng rắn lâu đời như Lệ Mật ở Gia Lâm, Hà Nội hay ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc).
Tuy nhiên, ngôi làng này lại nổi tiếng hơn cả vì thứ rắn mà những người dân ở đây nuôi là loài rắn hổ mang chúa được mệnh danh là “đại xà”, vua của các loài rắn.
Rắn hổ mang chúa được nuôi ở làng Phụng Thượng.
Qua sự giới thiệu, chúng tôi tìm gặp được tay buôn rắn tên L., một “đại gia” của làng rắn chúa.
“Rắn hổ mang chúa, còn gọi là rắn hổ mây, là loài rắn độc cỡ lớn nhất thế giới, có chiều dài có thể lên đến 5,7 m. Thân rắn hổ mang chúa không dày và trọng lượng không bao giờ vượt quá 20 kg. Đầu, lưng màu nâu xám, vàng lục hay màu chì. Những vảy thân từ giữa cơ thể tới hết đuôi có viền xám đen.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu là đầu độc thần kinh, và con rắn này hoàn toàn có thể giết chết một người chỉ bằng một cú cắn. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 75%, nhưng phần lớn các cú cắn của nó có mức nọc độc không gây hại.
Rắn hổ mang chúa thường sống trong hang dưới những gốc cây lớn hay thân cây gỗ trong rừng, bên bờ suối... thức ăn là các loài rắn khác, chim, chuột, thằn lằn, kì đà”.
Khi chúng tôi thử hỏi về việc thu mua rắn ở đây, L. khẽ nói nhỏ: “Mua bao nhiêu cũng có, nhưng muốn mua phải nhờ cánh buôn rắn gom hàng cho, nhưng cũng không nên mua nhiều, lỡ bị công an phát hiện nó phạt tù cho mọt gông đấy”.
Thế rồi, để tận “mục sở thị” chúng tôi đã khéo léo nhờ tay buôn rắn tên L. cho xem “cơ nghiệp”.
Dẫn chúng tôi vòng ra phía vườn sau căn nhà khang trang xây như biệt thự của mình, L. chỉ cho chúng tôi khu vườn rộng với hàng trăm chiếc bể có diện tích hơn 1 mét vuông được đào sâu xuống gần 2 mét.
Mỗi bể đó là một chuồng để nuôi rắn chúa, phía bên trên được đậy một tấm bê tông có đục nhiều lỗ thông hơi để không khí cho rắn thở.
Chạy dọc trong khu vườn phải tới hàng trăm chuồng rắn hổ chúa nằm rải rác, nhiều chuồng còn có hàng rào sắt rào bên trên và được khóa cẩn thận để đề phòng trộm rắn.
Tiến tới một chuồng rắn gần nhất, L. khệ nệ nhấc tấm bê tông sang một bên, một mùi tanh lợm phả lên trên làm chúng tôi hít phải cũng rợn hết cả người.
Phải vất vả lắm, L. mới “bế” được con rắn chúa dưới chuồng lên, thoạt đầu nhìn rắn chúa, chúng tôi không khỏi thất kinh vì gương mặt tàn ác của loài rắn này, lại thêm hơi thở phì phò cùng chiếc lưỡi dài cứ thò ra thụt vào hết sức ớn lạnh.
L. cho biết rằng, con “đại xà” này là con anh ta nuôi lâu năm nhất ở đây, đã nặng tới gần 20kg rồi, nhiều người trả giá hàng trăm triệu nhưng anh vẫn không bán.
Trên nhiều mái lợp, xác rắn lột ngổn ngang. Thậm chí trên lối đi cũng có vài ba xác rắn còn nhem nhép ướt.
Dẫn chúng tôi sang một chuồng rắn khác, được thiết kế như chiếc lồng, khi L. vừa mở lồng, bị ánh sáng hắt vào đột ngột, một đầu rắn ngóc lên cao, chiếc mang bành ra to gấp ba lần thân, đầu rắn nhỏ thó, đôi mắt lồi thao láo.
Miệng rắn há rộng nhìn rõ cuống họng đỏ lòm, cái lưỡi dài thụt thò, thụt thò... Đây là "ông hổ" 3 năm tuổi đời, trọng lượng lên đến 2.5 - 3.0 kg.
L. còn chỉ cho chúng tôi xem một ổ trứng chừng vài chục quả, mỗi quả to bằng trứng chim câu. Ba, bốn chú rắn nhỏ mới vài ngày tuổi thấy động, theo bản năng đều nhất loạt ngóc cổ dậy và trườn nhanh lẩn vào đám cỏ ướt.
Chỉ 3 - 4 tháng sau khi nở, rắn con sẽ được đưa vào chuồng để "vỗ béo", bắt đầu một cuộc sống giam cầm bị kiểm soát 24/24, không còn được tự do sống đời hoang dã.
Cũng theo L., nếu như rắn hổ mang bành chuyên ăn chuột, ăn cóc thì thức ăn của rắn hổ mang chúa lại chính là đồng loại.
Vì nọc của hổ mang chúa độc nhất nên nó không sợ bất kỳ loài rắn nào, nó ăn thịt tất cả các loài rắn khi bắt gặp, kể cả rắn hổ mang bành hoặc rắn cạp nong, cạp nia. Người nuôi rắn thường thu mua các loại rắn khác mang về làm thức ăn cho rắn hổ mang chúa.
Trước khi cho chúng ăn, người nuôi thường làm sạch ruột rắn mồi và nhét vào đó thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc tăng trọng và vitamin để rắn hổ mang chúa không bị mắc bệnh và chóng lớn, nhanh xuất chuồng.
Phần lớn khách hàng tìm đến làng Phụng Thượng ngoài những đầu mối thu mua cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn lớn, còn có những “đại gia” tìm mua về để ngâm rượu vì thứ rượu được ngâm với “Đại xà” được nhiều người ca ngợi rằng có công năng đặc biệt để tăng “bản lĩnh đàn ông” đồng thời kéo dài thêm tuổi thọ, rất có lợi cho người đã có tuổi.
Mất mạng vì rắn chúa
Với những người nuôi rắn, đặc biệt là loài rắn hổ mang chúa kịch độc này, chỉ cần sơ suất, không cẩn thận sẽ phải rước họa vào thân. Không ít người đã phải chặt tay, rạch thịt thậm chí là mất cả tính mạng.
Tuy nhiên, vì nguồn lợi quá lớn thu được nên bất chấp nguy hiểm, vi phạm pháp luật, nhiều người ở làng Phụng Thượng vẫn nuôi rắn chúa.
Ông H. một người nuôi rắn lâu đời ở Phụng Thượng nay đã giải nghệ cho chúng tôi xem cánh tay chằng chịt những vết rắn cắn của mình.
Ông H. bảo rằng, chẳng có ai nuôi rắn mà chưa từng bị rắn cắn, nhưng có người may mắn chỉ để lại sẹo, có người trúng độc phải uống thuốc, phải đi mổ, thậm chí có người bại liệt hoàn toàn vì nọc độc của rắn, kém may mắn hơn, có người đã phải bỏ mạng vì thứ nghề nguy hiểm này.
Cũng theo ông H, ở đâu người ta nghe thấy chuyện bị rắn cắn lấy làm lạ, chứ ở cái làng rắn chúa này chuyện đó là quá bình thường. Người ta chấp nhận việc bị rắn cắn như một phần của cuộc sống vì hàng ngày đều tiếp xúc với loài thú nuôi nguy hiểm.
Tính cách của loài rắn rất kỳ quái không giống những vật nuôi khác, có những con được thuần chủng hiền như “cục đất” nhưng tự nhiên lại có thể dễ dàng tấn công người đến gần.
Chuồng nuôi rắn ở làng Phụng Thượng
Kể về những tai nạn ghê rợn ở làng mình, ông H. còn nhớ như in câu chuyện về anh Nam, một người dân trong xã khi bị rắn cắn đã phải tự chặt đứt ngón tay của mình.
Khi đang chọn rắn giống, anh bị một con đớp vào ngón tay. Biết rằng nọc độc đã ngấm vào cơ thể, chỉ cần vài phút là chạy vào lục phủ ngũ tạng.
Cắn răng chịu đựng, anh Nam dùng dao chặt phăng ngón tay của mình rồi ngã xuống ngất lịm, máu chảy xối xả, mọi người vội đưa anh đi bệnh viện. “Ấy thế mà sau khi lành lặn, cái thằng ấy lại tiếp tục nuôi rắn không chịu bỏ”, ông H. cho biết.
Kinh hoàng hơn, cách đây khoảng 5 năm, một người trong làng Phụng Thượng tên Chuyên trong lúc mua rắn giống loại hổ chúa về nuôi sơ ý bị một con rắn nhỏ cắn vào cổ tay.
Ngay lúc đó gia đình đã sơ cứu và đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vì loài rắn này có nọc độc quá mạnh nên các bác sĩ đành bó tay. Anh Chuyên sau đó là lìa đời bỏ lại vợ và đứa con nhỏ bơ vơ.
Ông H. còn kể cho chúng tôi câu chuyện khi trên đường buôn rắn, chuyện mất rắn chưa phải là nỗi kinh hoàng, mà đen đủi nhất là bị rắn cắn. Những tay buôn rắn bỏ mạng ở trên đường là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Có người trên đường vận chuyển, bị rắn cắn đến thối cả bàn tay, người rụng ngón tay, ngón chân, người bị nằm liệt... đầy rẫy trong làng cũng chỉ vì con rắn mà ra.
Nghề buôn rắn nguy hiểm vậy song nó lại là cứu cánh cho dân làng Phụng Thượng. Khi mà bình quân đầu người có vài thước ruộng thì người ta chẳng trồng cây gì để đủ sống được.