Lên kế hoạch trong vòng 3 ngày
Hình ảnh các nam thanh niên diện giày bóng lộn, mặc comple, đi xe đạp đến "chém gió" chuyện kiếm 200 triệu/ tháng trước cổng một số trường Đại học trong sáng 20/8 đang khiến dư luận xôn xao.
Nhiều người đã nhầm tưởng những nam thanh niên này là các thành viên trong một nhóm hay đại diện cho công ty đa cấp nào đó.
Tuy nhiên, khi vào tìm hiểu thì chúng tôi phát hiện ra, đây lại chỉ là một "chiêu" trong chiến dịch được thực hiện bởi nhóm thành viên của truyền thông Trăng Đen do blogger Nguyễn Ngọc Long đứng đầu..
Trao đổi thêm với chúng tôi, blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng, đây có thể coi như một màn kịch, với các diễn viên không chuyên.
"Chúng tôi muốn làm một bài kiểm tra xem liệu sinh viên có dễ bị dụ dỗ bởi ảo tưởng làm giàu hay không", blogger Ngọc Long nói.
Theo blogger Ngọc Long, anh có ý tưởng này từ ngày 18/8, chuẩn bị trong ngày 19/8 và tiến hành trong ngày 20/8.
"Website sinhvien... thì chỉ được lập lúc 10 giờ sáng ngày 20/8 thôi. Nói chung, mọi thứ được tiến hành trong một ngày, bao gồm cả tập hợp nhân sự, tìm kiếm "diễn viên", lên kịch bản, tập dượt và làm đạo cụ", blogger Ngọc Long cho biết thêm.
Giải thích lý do chọn hai địa điểm là Học viện báo chí tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày nhập học mà không phải là trường khác, blogger Ngọc Long cho hay, điều này để nhằm truyền tải một số thông điệp rằng:
"Muốn giàu có thì phải miệt mài làm việc, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, chứ không có cục tiền nào ở trên đầu rớt xuống. Đối tượng hướng đến là các bạn sinh viên.
Trước khi thực hiện chiến dịch, tôi có liên hệ mời các bạn sinh viên trường báo tham gia hoàn toàn miễn phí, vì tôi nghĩ là các bạn có cách để lan toả thông điệp của chương trình.
Đó là lý do vì sao tôi chọn cách làm ở trường báo. Còn ĐH Quốc gia thì đơn giản là gần trường báo, đỡ phải di chuyển nhiều.
Nội dung thông điệp ở các tấm bảng giống với cách thức mà dân đa cấp vẫn thường "chém gió". Thu nhập của các bạn thấp lắm, làm sao đổi đời, hãy đi theo bọn anh thì ngồi mát ăn bát vàng, có tiền tỉ, nhà lầu, xe hơi...", blogger Ngọc Long bày tỏ.
Cũng theo blogger Ngọc Long, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng gần 50.000 lượt click vào website Sinhvien....com, sau đó tôi chuyển qua facebook thì có gần 20.000 truy cập.
Đây là số liệu thống kê của Google. Còn các nguồn lan truyền trên mạng thì chưa có số liệu thống kê đầy đủ.
"Rất nhiều thứ, ví dụ như con số 7.000 bạn sẵn sàng cung cấp email và số phone để chờ nhận bí kíp làm giàu, tôi thấy giật mình. Tôi không kỳ vọng và không muốn con số đó lại cao như vậy. Các bạn đang suy nghĩ gì tôi không hiểu?
Có thể có những người đăng ký cho vui. Có những người đăng ký vì tò mò, nhưng còn lại, những người khác thì sao? Họ chờ mong có một bí kíp nào đó hiện ra để họ ngồi chơi tiền bay tới thật hay sao?
Bên cạnh đó, việc chửi bới ném đá khi chương trình chưa bật mí toàn bộ thì tôi thấy vui. Vì hoá ra, đa cấp cũng bị ghét lắm chứ không phải được số đông ủng hộ", blogger Ngọc Long nhấn mạnh.
Bị chửi, dọa đánh
Theo blogger Ngọc Long, khi thực hiện "vở diễn" này, nhóm đã tính đến việc bị hiểu nhầm, ném đá, thậm chí chửi bới, đe dọa nhưng không nghi ngại.
"Tôi chỉ e ngại cho các bạn tham gia "đóng phim" thôi. Vì các bạn còn trẻ, ít va vấp, chưa có trải nghiệm về việc ném đá hội đồng.
Trong thực tế, ba diễn viên chính đã phải ăn rất nhiều gạch đá và đe doạ qua tin nhắn, facebook.
Nhưng chúng tôi hiểu đó là những đe doạ nhắm vào "nhóm đa cấp", tức là vai diễn của các bạn chứ không nhắm vào cá nhân con người thật của các bạn", blogger Ngọc Long bày tỏ.
Cũng theo blogger Ngọc Long, có 3 nhân vật chính tham gia “đóng phim” là Nguyễn Cảnh Dũng, nghề nghiệp truyền thông.
Bạn Thanh Nguyễn là quản lý nội dung cho một cửa hàng điện thoại và Trần Bá Nam là diễn viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Chỉ có Thanh Nguyễn (nhân vật áo đỏ ăn gạch nhiều nhất), đây là người đã từng ngồi nghe đa cấp thuyết giảng nhưng không tham gia mạng lưới.
Đồng thời, bạn Nguyễn Cảnh Dũng và Trần Bá Nam thì chưa có kinh nghiệm chiến trường. Nhóm đã dành cả một buổi chiều để tập luyện, cũng như tham khảo rất nhiều người "chém gió" về đa cấp trên Youtube.
"Thanh Nguyễn nói với tôi rằng trước khi tham gia dự án, bạn cảm thấy hoang mang có chút phần lo sợ. Nhưng khi bắt tay vào làm thì cảm thấy vui vì được vạch trần các chiêu trò đa cấp.
Ngay sau buổi sáng đứng cầm bảng ở trường báo chí, Thanh Nguyễn bị chửi bới rất thậm tệ, có người còn doạ đánh. Thực lòng thì tất cả chúng tôi đều lo sợ nhưng cũng tự an ủi là hoá ra đa cấp không được ủng hộ như mình vẫn nghĩ.
Đối với Trần Bá Nam, vì là một diễn viên tương lai nên bạn rất hào hứng vì cho rằng mình sẽ có trải nghiệm hoàn toàn mới. Nhưng lúc nhập vai thanh niên đa cấp, Nam cũng lo sợ bị tấn công bởi những người kì thị.
Và thực tế là ngay sau khi hình ảnh của các bạn được đăng tải lên các phương tiện truyền thông thì họ đã bị bạn bè nhận ra và hiểu lầm.
Các bạn trong ê-kip rất tủi thân vì vừa nhận lời khuyên vừa nghe lời chửi, nhưng khi dự án kết thúc, họ nói rằng đã cảm nhận được niềm vui trọn vẹn, khi bạn bè biết việc làm của họ không xấu", blogger Ngọc Long chia sẻ thêm.