Điểm sàn không có "tội"
Trong những năm gần đây, việc thực hiện tuyển sinh của một số trường đại học công lập địa phương, các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Không ít ngành phải tạm dừng vì không tuyển được sinh viên hoặc tuyển được rất ít.
Nguyên nhân chính chủ yếu được Hiệp hội các trường ngoài công lập đưa ra là điểm sàn xác định không đúng, dẫn đến cạn kiệt nguồn tuyển.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, GS Trần Phương – nguyên Phó Thủ tướng, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng quan điểm qua điểm sàn mới học được đại học là sai, không thể áp đặt điểm sàn vào thí sinh mà quan trọng là quá trình học, dạy và đầu ra như thế nào.
GS Trần Phương đề xuất nên kết thúc thi "ba chung", "điểm sàn".
GS dẫn dụ, mỗi trường đại học cần một loại điểm sàn khác nhau, tiêu chí không thích hợp cho mọi ngành học. Vậy thì lý gì mà 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp phổ thông, rồi 1 tháng sau lại bắt 1 triệu học sinh đó thi đại học? Vì vậy GS kiến nghị phải bỏ điểm sàn và ba chung.
Bởi ông cho rằng:“Điểm sàn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các trường; điểm sàn không thích hợp với nước ta, cái tội của điểm sàn là đẩy sinh viên ra nước ngoài học tiêu tốn tiền và xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám”.
Còn GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng nhấn mạnh: “Hình thức thi ba chung tồn tại hơn 10 năm nay. Theo tôi, bản chất “3 chung”, “điểm sàn” không có tội, mà sai lầm lớn nhất là không xác định chính xác điểm sàn, dẫn đến việc chúng ta chỉ tuyển được 33%. Nếu xác định đúng, chúng ta đã có hơn 9000 sinh viên ở các trường”.
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng cho rằng điểm sàn hiện nay chưa xác định đúng.
Tuy nhiên, ở ngay bản thân các trường ngoài công lập (NCL) cũng chưa thống nhất được quan điểm về hướng tuyển sinh. GS Bùi Thiên Dụ (Hiệu trưởng ĐH Phương Đông) nêu rõ, hiện nay điểm sàn gây khó xử. Tuy nhiên trong Hiệp hội cũng không thống nhất, người nói bỏ ba chung, bỏ điểm sàn.
“Theo tôi, Bộ nên dồn “ba chung” vào “một chung” là nghiêm túc khoa học cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Còn nếu Bộ vẫn còn áp dụng “ba chung” thì chừng nào còn “ba chung” thì phải có điểm sàn, đã là “sàn” thì chỉ có 1 “sàn”. Điểm sàn chỉ để phân loại thí sinh chứ không có nhiệm vụ xác định chất lượng đầu vào cho đại học, cao đẳng”, GS Bùi Thiên Dụ nói.
Trường sẽ tuyển sinh riêng
Như vậy, năm nay, để cứu vãn tình trạng này, 10 trường ngoài công lập đề án tuyển sinh riêng, trong đó có 5 trường đã trình Bộ GD đề án và đề xuất Bộ sớm phê duyệt để các trường triển khai trong năm 2013. (ĐH Quang Trung, ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Yersin và ĐH Trưng Vương và ĐH Nguyễn Trãi).
Có thể thấy, các trường NCL đang bàn tính theo xu hướng tuyển sinh riêng, xét điểm thi đại học chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá tuyển sinh trong năm nay.
Về đề xuất này, GS Trần Hữu Nghị cũng đồng ý với phương án tuyển sinh dựa theo 3 chỉ tiêu: điểm thi tốt nghiệp, kết quả 3 năm học và kết quả thi ba chung (có thể lấy 20 – 40% tùy vào các trường). Bởi theo GS thì năm nay chưa thể bỏ ba chung được mà vẫn phải dựa vào kết quả đó để tuyển sinh.
GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL cho biết đề án tuyển sinh mới là cách tuyển sinh khoa học.
Cũng đồng tình với đề án tuyển sinh riêng, GS Trần Phương đề nghị ý kiến: “Từ kỳ tuyển sinh năm nay, các trường NCL nên áp dụng phương thức này, chỉ coi kết quả “ba chung” là 20% thôi, còn lại là điều kiện khác nữa. Như vậy sẽ đủ học trò”.
Về vấn đề này, thay mặt Hiệp hội các trường NCL, GS Trần Hồng Quân khẳng định: “Đây là cách tuyển sinh khoa học, đa tiêu chí, phù hợp với các ngành học. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị với Bộ GD, Chính phủ thực hiện ngay Luật GD, các trường được phép tự chủ tuyển sinh theo ba hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc vừa xét tuyển và thi tuyển. Phương án tuyển sinh mới sẽ được các trường NCL thực hiện ngay trong năm nay”.
Với phương án tuyển sinh mới, lãnh đạo các trường NCL mong muốn nâng dần số lượng sinh viên ngoài công lập sẽ chiếm 40%, 80% trên tổng số sinh viên chứ không phải 15% như nhiều năm nay.