Năm 2016 còn 40.000 liều vắc xin, không còn nguồn nào khác!

Hoàng Đan |

Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng để cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề tiêm chủng vắc xin 5 trong 1.

Sau sự việc xảy ra hỗn loạn, chen lấn, ngất xỉu tại điểm tiêm chủng dịch vụ tại 182 Lương Thế Vinh, sáng nay (26/12), Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng, Hà Nội để cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề trên.

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục quản lý Dược, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng... đã có mặt.

Dưới đây là nội dung cuộc họp:

12h30 buổi họp báo kết thúc.

11h40, phóng viên các báo đặt câu hỏi:

PV Thanh niên: Nguồn khó khăn vậy năm tới khả năng đáp ứng vắc xin như thế nào? Số vắc xin nhập về đợt này đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu, kế hoạch tiêm cụ thể như thế nào?

Người dân lo lắng về vắc xin Quinvaxem, xin thông báo cụ thể hơn về tình hình tiêm vắc xin trong năm 2015?

Ông Trương Quốc Cường: Về kế hoạch 2016, chúng tôi nhận được kế hoạch của nhà sản xuất nói đã điều phối cho Việt Nam, là nỗ lực, cố gắng hết sức của họ trong tình trạng thiếu vắc xin. Nên năm 2016 sẽ còn 40.000 liều vào tháng 2. Ngoài ra không có nguồn nào khác.

TS Nguyễn Nhật Cảm: Trong năm 2014, HN tiêm được 484.000 liều, năm nay được trên 385.000 liều, như vậy tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng khoảng 60.000 liều.

Với số vắc xin được đáp ứng là hơn 40.000 liều thì chỉ đáp ứng khoảng 60-70%. Còn để đáp ứng đủ cả tiêm nhắc lại thì Hà Nội cần phải đáp ứng 80.000 liều.

Chúng tôi không phân biệt trẻ ở tỉnh nào đến tiêm, tất cả trẻ đến tiêm đủ điều kiện sẽ đều được tiêm, kể cả là người nước ngoài. Điều này, thực hiện cả trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

PV Báo Tuổi trẻ: Việc tổ chức đăng ký tiêm vắc xin tại HN trong thời gian tới sẽ như thế nào, đăng ký trên mạng có quản lý được các cháu có nhu cầu trên thực tế?

Một số doanh nghiệp cho biết, nếu tăng giá thì trong vòng 10 ngày, họ có thể nhập ngay một số lượng là 100.000 liều vắc xin. Vậy Cục đàm phán từ bao giờ, đàm phán ra sao?

Ông Cường: Quá trình đàm phán diễn ra hơn 1 năm. Việc phân phối đến 161 điểm tiêm trên toàn quốc là được công khai, đều là các cơ sở có đủ điều kiện.

Các nước như Dominica, Campuchia, Malaysia... cũng không có vắc xin nên thông tin nhập từ họ là không chính xác hoặc nếu có thể họ nhập vắc xin rồi bán lại. Như thế là mua bán lòng vòng chợ đen, không được phép và không đảm bảo an toàn.

Vắc xin không thể xách tay như vậy và nếu cho rẻ một nửa cũng đừng tiêm.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương: HN và Viện đã thống nhất có thể đăng ký online trên trang mạng. Các bà mẹ ở địa phương khác cũng có thể đăng ký theo đúng quy định và không phân biệt.

TS Nguyễn Nhật Cảm: Về cách thức tiêm, đúng đối tượng thì sáng nay Cục Y tế dự phòng đã tổ chức họp với tất cả các điểm tiêm. Để không xảy ra lộn xộn thì chúng tôi đã có phương án đăng ký qua điện tử, trang web để tránh phải xếp hàng.

Phương án cụ thể như thế nào sẽ công khai trên trang web các đơn vị liên quan, báo chí. Thời gian tiêm, khi đi cần mang theo những gì, làm thủ tục gì... để tránh gây phiền hà cho người dân.

Về điểm tiêm Lương Thế Vinh có lộn xộn nên đã tạm dừng tiêm. Bộ Y tế đã xuống kiểm tra thì đây là điểm tiêm đã được cấp phép có đủ điều kiện để tiêm chủng. Họ đã được nhận 500 liều Pentaxim của Polypac.

Họ là điểm tiêm liên doạnh giữa Bệnh viện ĐHQGGHN với Polypac nên không có tên trong danh sách 17 điểm tiêm tại HN

PV Báo điện tử Khám phá: Sau vu việc lộn xôn hôm qua tại Lương Thế Vinh thì trách nhiệm thuộc về ai?

Nhiều người dân đang băn khoăn về tỷ lệ tai biến sau tiêm vắc xin Quinvaxem. Tại sao chúng ta không khám sàng lọc để phát hiện các bệnh của trẻ trước tiêm. Có phải do chất lượng cán bộ của mình không?

Tỷ lệ ký kết, % ký kết của Việt Nam với các tổ chức đưa vắc xin tiêm chủng cụ thể nên mới đẩy vắc xin ra ngoài?

Ông Trần Đắc Phu: Việc khám sàng lọc để phát hiện các bệnh bẩm sinh là rất khó, còn tất nhiên trình độ ở Hà Nội sẽ tốt hơn các địa phương khác.

Thời gian tới chúng tôi sẽ mời BV Nhi Trung ương tập huấn cho các cán bộ tiêm chủng, để làm sao khám sàng lọc được tốt nhất.

Muốn thay thể vắc xin là một chiến lược chứ không phải muốn thay là được. Quinvaxem cũng có phản ứng, cũng có tử vong, vắc xin vô bảo cũng có tỷ lệ tử vong, tai biến.

Ông Cường: Singapore sử dụng vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước đây chưa có thì họ có điều tiết sang Việt Nam, nhưng khi nguồn cung khan hiếm thì họ được nhà sản xuất ưu tiên phân phối.

Còn hiện tại VN đang sử dụng Quinvaxen trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cách đây hơn 1 năm, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch thay thế vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng hiện chưa được.

Hiện có 94 quốc gia sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Với tình hình này, chỉ trừ khi nhà sản xuất thay đổi công nghệ, năng lực sản xuất hơn mới có nguồn cung cấp đáp ứng chứ như hiện nay muốn tăng cũng không nhập được.

PV Báo VOV: Trong đợt tháng 12 về 160.000 liều, vì sao tại miền Bắc chỉ có hơn 15.000 liều mà miền Nam thì hơn 100.000 liều. Có lo ngại vắc xin từ miền Nam bán lòng vòng ra ngoài miền Bắc không?

Xin ông Cường cho biết, vắc xin đang thử nghiệm ở Thái Bình là của hãng nào sản xuất?

Ông Cường: Tổng là 160.000 liều, miền Bắc được hơn 15.000 liều và tới đây thêm 20.000 liều.

Đây là do các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và theo tôi được biết ở miền Bắc không có đấu thầu, còn ở miền Nam có hợp đồng thầu Quinvaxem ký giữa nhà nhập khẩu và các trung tâm, điểm tiêm chủng.

Bộ Y tế chỉ quản lý giá, chất lượng công khai, minh bạch tại tất cả các điểm tiêm còn bán cho ai, phân phối cho điểm nào là của các nhà phân phối, nhập khẩu.

Về thử nghiệm vắc xin ở Thái Bình đang thực hiện theo quy định thì mới nhập khẩu phải thử nghiệm.

Đây là cơn sốt thật chứ không phải là sốt ảo. Thiếu toàn cầu. Việc chúng ta đàm phán vất vả, bao nhiêu năm, không biết là tốt hay xấu.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trả lời liên quan đến vắc xin Quinvaxem:

Về hỗ trợ của Quốc tế với VN thì từ 2010 chúng ta bắt đầu tiêm và có sự hỗ trợ của liên minh vắc xin toàn cầu, cung cấp đầy đủ vắc xin cho tiêm chủng mở rộng.

PV Khám phá: Tại sao Singapore không thiếu vắc xin?

GS.TS Đặng Đức Anh: Về tỷ lệ phản ứng sau tiêm thì vắc xin nào cũng có. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Việt Nam thấp hơn quốc tế và khuyến cáo của nhà sản xuất, chủ yếu là phản ứng thông thường như sốt, sưng tấy vết tiêm...

Ngoài ra có một số phản ứng phải đưa các cháu đi viện điều trị nhưng sau khi điều trị đã khỏi, ra viện. Có một số trường hợp tử vong nhưng không nhiều.

Các tỉnh, thành phố đều có hội đồng xem xét phản ứng sau tiêm để đưa ra nguyên nhân. Hầu hết kết luận do trùng hợp với bệnh lý truyền nhiễm hoặc bẩm sinh.

Nguồn cung vắc xin là không có

11h15, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục quản lý Dược lên thông tin về việc nhập khẩu, giá vắc xin.

"Sáng nay, tôi có trao đổi với anh Phu và đều rất lo ngại. Nếu như trước chúng ta chưa có đã lo ngại thì giờ có vắc xin cũng lo ngại hơn", ông chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, trên thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin vô bào là Nhật Bản, GSK và Sanofi. Hiện chỉ có 2 nhà SX là GSK và Sanofi.

Năm ngoái, các nhà sản xuất kiểm tra định kỳ thì phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể nên phải tạm dừng một số lô vắc xin.

Cộng thêm tình hình dịch bệnh trên thế giới khiến nhu cầu vắc xin tăng cao, các doanh nghiệp GSK và Sanofi ưu tiên cho các quốc gia dùng vắc xin này trong tiêm chủng mở rộng. Đó là 3 nguyên nhân dẫn đến khan hiếm.

Tóm lại, nguồn cung không đủ. Ở Pháp cũng thiếu vắc xin nhưng họ cũng không nặng nề, không có vắc xin vô bào thì dùng tế bào, nhưng mà chúng ta thì cứ đòi cái này.

"Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để tìm vắc xin này, thậm chí, còn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm nguồn vắc xin vô bào và tạo điều kiện cho nhập", ông quả quyết.


Ông Trương Quốc Cường

Ông Trương Quốc Cường

Theo Cục trưởng Cục quản lý Dược, nguồn cung là không có chứ không phải chúng ta có lý do nào đó.

Nếu không tin có thể gặp đại sứ quán của nước sản xuất, đại diện doanh nghiệp. Về nguyên lý, không ai có hàng mà không muốn bán và khi thị trường cần mà không mua về.

Về biện pháp, chúng tôi đã liên hệ để sanofi điều tiết cho Việt Nam 200.000 liều vắc xin và cuối cùng công ty này đã chấp nhận. Nhưng đến tháng 12/2015 là 160.000 liều còn 40.000 liều sẽ chuyển vào tháng 2/2016.

Về các lô vắc xin khi về Việt Nam, chúng tôi công bố hết ở 161 điểm trên toàn quốc và giá không tăng.

"Hiện nay, vắc xin chúng tôi vẫn giới hạn là mức trần 630.000 đồng. Nếu phát hiện chỗ nào bán ra ngoài cao hơn thì báo, chúng tôi sẽ rút giấy phép.

Chúng ta không cho phép sử dụng vắc xin cách tay vì không đảm bảo việc vận chuyển, bảo quản", ông khẳng định.

Để xứ lý, thì chúng tôi vẫn tiếp tục bằng mọi cách, kênh để tìm nhưng phải khẳng định hiện không còn nguồn.

Có một nguồn khả dĩ là công ty có vắc xin 6 trong 1, có thành phần ho gà vô bào và đang tiêm thử nghiệm ở Thái Bình với 354 cháu từ 61 - 91 ngày tuổi.

 Hết vắc xin không đủ cung cấp thì cần phải chấp nhận tiêm đợt sau

Phát biểu ngay trước đó, theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay, chương trình tiêm chủng ở nước ta đang tiêm khoảng 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là các loại vắc xin dịch vụ.

Muốn thanh toán được bệnh thì phải tiêm chủng và chỉ có vắc xin mới làm được vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, việc tiêm vắc xin vẫn còn nhiều vấn đề, chính là việc so sánh vắc xin dịch vụ và vắc xin miễn phí.

Trên thế giới cũng có 2 loại hình như như vậy mà tiêm loại nào thì cũng có quyền lợi như nhau. Vừa qua, có việc khan hiếm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 là vắc xin có chứa thành phần vô bào, các loại vắc xin còn lại tương đối ổn định.

Ông Trần Đắc Phu
Ông Trần Đắc Phu

Điều này chỉ có ở nước ta, ở nước ngoài không có trường hợp như vậy.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng có vắc xin 5 trong 1 có thành phần tương đương với vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và đảm bảo cung cấp đủ. Mỗi năm, chúng ta mỗi năm tiêm khoảng 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem.

Những năm gần đây, với việc thiếu vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các điểm tiêm chủng dịch vụ tiêm vắc xin Quinva xem, đặc biệt là TP Hà Nội và HCM.

Các lãnh đạo Bộ Y tế
Các lãnh đạo Bộ Y tế

Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam luôn đạt trên 90%, nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn bùng phát bệnh. Ví dụ điển hình nhất đó chính là bệnh bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội..

"Điểm tiêm chủng lộn xộn ở Lương Thế Vinh là không được. Ngay sau đó, chúng tôi đã có công văn yêu cầu thực hiện tốt việc triển khai tiêm chủng.

Chúng tôi quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và đảm bảo tính an toàn khi tiêm chủng.

Chúng tôi nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoạc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài.

Bộ Y tế không nghiêm cấm hình thức tiêm nào, nhưng tôi cũng phải khằng định tiêm chủng mở rộng là rất quan trọng. Cần truyền thông để người dân không hoang mang, bỏ tiêm chủng mở rộng", ông nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, sự việc lộn xộn ngày 25/12 ở Lương Thế Vinh là do đăng ký, ngay như bây giờ nếu điểm tiêm chủng nào tổ chức đăng ký không tốt thì sẽ xảy ra lộn xộn ngay.

Ông nói: "Chúng tôi quán triệt rõ ràng, dù đăng ký dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo an toàn công bằng cho người dân. Đặc biệt, không nhờ, không thuê, không nhờ cò xếp hàng…

Khi đi xếp hàng tiêm chủng, đặc biệt không đưa trẻ đi cùng. Bởi với thời tiết hiện nay, nếu đưa trẻ ra điểm tiêm chủng xếp hàng có lẽ chưa đăng ký được thì trẻ đã mắc các bệnh khác.

Ngoài ra, các điểm tiêm chủng cần phải hẹn lịch tiêm đối với từng người đã đăng ký. Đồng thời yêu cầu các điểm đăng ký bố trí lực lượng, thậm trí là công an để đảm bảo an ninh.

Nếu trong trường hợp hết vắc xin không đủ cung cấp thì cần phải chấp nhận tiêm đợt sau. Trong trường hợp khan hiếm vắc xin thì phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh của trẻ.

Trong khi thực hành tiêm chủng cần phải thực hiện đúng quy trình cùa bộ y tế về: khám sàng lọc, theo dõi khi tiêm…".


Đông đảo phóng viên có mặt.

Đông đảo phóng viên có mặt.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm xách tay, cán bộ y tế mang vắc xin đến tận nhà tiêm để trục lợi, tăng giá trái phép….

"Nếu phát hiện ra hãy báo cho chúng tôi. Mong muốn của chúng tôi là trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, định kỳ để miễn dịch được tăng cao", ông Phu cho hay.

Trước đó, dự kiến 10h30 cuộc họp sẽ diễn ra nhưng từ hơn 10 giờ, đã rất đông phóng viên của các cơ quan báo chí đã có mặt để tham gia đưa tin.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại