LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.
Bài 1: Flappy Bird khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông
Bài 2: Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?
Bài 3: Ông Nguyễn Tử Quảng: Nguyễn Hà Đông đã “trúng số độc đắc”
Năm 2013 khép lại với vụ bê bối báo chí về nữ đại gia bí ẩn xâm hại tình dục hàng chục tài xế lái xe taxi tại phía Bắc. Nhiều thông tin được đăng tải cùng với các chi tiết tường tận như hình ảnh ngôi nhà, hình ảnh nạn nhân. Cuối cùng, tất cả hóa ra là sự lừa dối vô trách nhiệm. Hơn thế nữa, tòa báo và các phóng viên liên quan đều lẩn tránh quanh co khi phải đối diện sự thật.
Năm 2014 mở ra cùng với sự kiện chú chim non Flappy Bird tội nghiệp chết yểu sau chưa đầy một tháng nổi tiếng. “Không mất bò cũng lo làm chuồng” khi các nhà báo “đầy lòng hảo tâm” đứng ra bảo vệ bản quyền cho công ty Game ở tít trời xa nước Nhật. “Lấy lại công bằng” khi phân tích game đạo ý tưởng của người đi trước. Cuối cùng, mức cao nhất là thông tin thất thiệt liên quan tới cả tính mạng của nhân vật chính Nguyễn Hà Đông.
Đứng trước các sự kiện, nhà báo và tòa báo cần có cái nhìn khách quan để lựa chọn cho mình các phản ứng thích hợp. Sự kiện Flappy Bird không phải như một cô người mẫu hở hang hay một anh ca sĩ tạo scandal. Thế giới showbiz thích ồn ào và các scandal để nối tiếng. Trong sự kiện Flappy Bird đó là giới công nghệ thông tin. Họ cần sự bình yên và độc lập để toàn tâm toàn ý trong công việc tri thức. Nhìn nhận xa hơn, chú chim non Flappy Bird đem lại nhiều giá trị cho tác giả, giới công nghệ thông tin và toàn thể thương hiệu quốc gia Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên tác giả được chính phó thủ tướng Vũ Đức Đam mời lên gặp và trao đổi.
Trong thời đại cạnh tranh kinh tế gay gắt, việc các báo tranh đua nhau để có được những bài báo hay là điều tất nhiên. Tuy nhiên các bài báo cũng cần phải tuân theo những chuẩn mực như trung thực và chính xác.
Trong sự kiện Flappy Bird, có ý kiến “trách nhẹ” truyền thông rằng: các bài báo và nhà báo “hôi tin” không làm được gì tốt đẹp cho xã hội mà còn giết chết những điều tốt nhỏ nhoi. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng: Việc truyền thông quan tâm tới các sự kiện lớn như sự thành công, nổi tiếng của Flappy Bird là điều hiển nhiên và có tác động tích cực đến câu chuyện này. Các chuyên gia truyền thông đều nhận thấy: Báo chí trong nước đã tương đối công bằng với các ý kiến ủng hộ cũng như các ý kiến băn khoăn liên quan tới Flappy Bird.
“Theo quan điểm của tôi, việc Hà Đông “khai tử đứa con” của mình không hoàn toàn là do truyền thông mà là do những người chơi đã quá lạm dụng nó và tạo nên những hình ảnh không hay về game. Hà Đông, tôi nghĩ bạn ấy không “ngán” gì truyền thông nhưng chỉ vì mọi diễn biến đang xa dần chiều hướng mà bạn ấy hướng tới mà thôi!” - Ông Nguyễn Thế Khoa, Chuyên viên tư vấn tài chính khối doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc nhận xét.
Mặc dù vậy, qua câu chuyện “chú chim nhỏ”, giới truyền thông cũng rút ra nhiều bài học khi hành nghề. Như ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam đã từng nhắn nhủ: “Truyền thông Việt Nam đáng ra phải khai thác sâu hơn chủ đề này để tận dụng cơ hội quảng bá cho đất nước và con người Việt Nam như giới truyền thông Hàn Quốc đã làm với Gangnam Style thì lại tập trung vào các vấn đề cụ thể. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm”.
Chàng “hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Tử Quảng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Bkav) cũng tỏ ra nuối tiếc: “Tôi thấy rất đáng tiếc vì cơ hội không dễ dàng đến lần thứ 2 vì xác suất rất thấp. Tôi thường ví vui thành công của Nguyễn Hà Đông khi Flappy Bird lọt vào top những ứng dụng được tải nhiều nhất trên thế giới như “trúng số độc đắc” vì nó có sự may mắn đặc biệt. Lẽ ra truyền thông phải làm sao tận dụng nó, tận dụng thời cơ này để quảng bá hình ảnh tới thế giới để người dân trên toàn cầu biết đến Việt Nam nhiều hơn. Thậm chí các cơ quan chức năng phải hỗ trợ Nguyễn Hà Đông để tận dụng sự kiện hiếm hoi này”.