Chợ Bà Rén được thành lập năm 1970, đây được xem là chợ heo lớn nhất Việt Nam. Chợ heo ở đây thường bắt đầu nhộn nhịp từ 4 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 9 - 9 giờ 30.
Từ sáng sớm, thương lái khắp nơi đã chở lợn về tập trung tại khu chợ để bán. Từ đó, nghề mưu sinh từ việc bồng heo cũng bắt đầu xuất hiện.
Không ngại bẩn, khó nhọc, họ vẫn cần mẫn mưu sinh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khiêng và bồng heo lên bàn cân, đó là công việc của những người phụ nữ này.
“Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo là một lần khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian”- bà Nguyễn Thị Nga - một thương lái cho hay.
Chính vì thế, chỉ có cách thuê người "bồng heo" để cân và khiêng heo cho khách là dễ dàng và thuận lợi nhất. Từ đó, cái nghề bồng heo thuê tại đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi.
Người bế lợn thuê ở chợ heo Bà Rén đa phần là phụ nữ nghèo khó ở nông thôn.
Việc kiếm đồng tiền từ việc bế lợn thuê rất khó khăn. Họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, giọt nước mắt và công sức để kiếm tiền mưu sinh.
Để sống với nghề đòi hỏi phải có sự yêu nghề và nhẫn nại. Nghề đòi hỏi sự khéo léo, tính thận trọng, chịu khó vì suốt ngày phải tiếp xúc với heo.
Thương lái thường chuộng thuê những phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt chú trọng trong từng công đoạn.
Người làm nghề phải bồng heo lên cân. Sau khi có kết quả, họ trừ đi trọng lượng cơ thể của người, còn lại là trọng lượng thực tế của con heo.
Điều lo lắng nhất với người bồng heo là làm sao ôm thật chắc chắn vì chẳng may sơ suất, heo chạy mất thì tiền thu lao cả ngày không thể đền cho thương lái.
Khi cái nắng đã gay gắt, những giọt mồ hôi nhễ nhại đã thấm đẫm trên chiếc áo cũ sờn của những phu heo thì công việc của họ mới dừng lại.