Mù một mắt, cụt một tay vẫn lặn bám biển Hoàng Sa

“Chết ai mà chẳng sợ. Nhưng sống như người tàn phế, không làm được gì đàng hoàng còn đáng sợ hơn”.

Đó là tâm tình của ngư dân Bùi Văn Chung (28 tuổi), thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cụt một tay, mù một mắt vẫn bám biển Hoàng Sa. Chung là một trong 16 ngư dân trên tàu QNg 96084 bị cháy ngày 9-6. Giữa biển cả mênh mông khi sống chết chỉ còn lại một giới hạn mỏng manh, nhìn anh vật lộn với sóng gió chúng tôi thật sự khâm phục bản lĩnh cũng như kỹ năng vượt nạn có nghề của người được mệnh danh là “rái cá Lý Sơn”.

Dang dở một ước mơ

Sáng tinh mơ tìm đến nhà, chúng tôi được bà Liên - mẹ Chung - chỉ ra hướng ghềnh đá ngoài biển, nơi anh cùng mấy ngư dân đang lặn tìm hải sản. Dường như tai nạn kinh hoàng vừa xảy ra trên biển không làm Chung mảy may sợ hãi. “Cái thằng chi lạ, vừa thoát chết trở về, làng xóm còn chưa kịp hỏi thăm, vài ngày sau đã thấy hắn hì hụp ngụp lặn ngoài biển” - bà Liên thở dài nói giọng nửa trách nửa thương.

“Rái cá” Bùi Văn Chung giây phút được tàu HP17 vớt lên từ biển - Ảnh: Chu Văn Túc

"Chung là một tấm gương sáng trong nghiệp đoàn. Lúc bị nạn tôi cứ nghĩ Chung chấp nhận cuộc đời tàn phế, không ngờ Chung vẫn trở lại vùng biển Hoàng Sa đánh bắt. Thật đáng khâm phục cho sự can trường của ngư dân trẻ này"

Ông Nguyễn Quốc Chinh (chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, Lý Sơn)

Giữa ghềnh đá sóng xô bọt trắng xóa, Chung thoăn thoắt lặn những hơi dài tận đáy. Dăm bảy phút lại ngoi lên mặt nước mang theo mớ ốc, cá lộn lạo. Mặc sức quẫy đạp đến lúc mặt trời đứng bóng anh mới chịu lên bờ. Cởi bộ quần áo lặn sũng nước, “rái cá” cười xòa tâm sự 13 năm ăn sóng nằm gió, gặp nạn trên biển quá nhiều nên Chung cũng lấy làm bình thường. Tàu cháy, chưa xin được tàu khác đi Chung đứng ngồi không yên. Ra khơi hay trong bờ không quan trọng, miễn ai rủ đi làm là đi cho khuây khỏa. “Đi biển quen rồi, ngày nào không lặn là ngày đó thấy người uể oải chán lắm” - Chung bộc bạch.

Ham làm như vậy nhưng đến giờ số phận vẫn đang “giỡn cợt” với nghị lực của anh. Ba lần vay mượn, gom góp tiền đóng tàu đi biển thì cả ba lần đều mất trắng. Hết bị bắt tịch thu tàu ở Malaysia, Trung Quốc giờ đến lượt tàu cháy. Tai họa ào ào ập đến như muốn thử thách ý chí của con người này. Mỗi lần như vậy, anh vẫn tự nói “thua keo này bày keo khác, còn trẻ sợ gì”.

Không phải đến khi xảy ra tai nạn, Chung mới tìm một lý do an ủi để lạc quan sống giữa đời như vậy. Mà những suy nghĩ đó đã có từ thời Chung còn là học sinh. Ngược dòng hồi ức, Chung nhớ về quãng thời gian như bao người bạn cùng lứa tràn trề những hoài bão, dự tính tương lai.

Chung kể: hồi nhỏ cả gia đình anh đều theo nghề biển. Nhìn cha mẹ, các anh quẩn quanh với nghèo túng, trong Chung đã khao khát làm một điều gì đó để cuộc sống khấm khá hơn. Anh nghĩ không cách nào khác ngoài theo đuổi con đường học vấn. Chung mơ một ngày trở thành kỹ sư cầu đường. Anh say sưa học và vươn lên không thua kém bạn bè. Năm nào Chung cũng đạt học sinh khá giỏi. Từng lớp học trôi qua chật vật đối với cậu học trò gia cảnh túng nghèo.

Hết lớp 9, nhận kết quả tốt nghiệp THCS, chưa kịp mừng thì đường học của Chung gãy gánh. Năm ấy biển mất mùa, gia đình chìm trong cảnh thiếu đói triền miên. Vay mượn ăn lâu cũng cạn, chủ nợ đến réo từng ngày. Nhìn cảnh tượng ấy Chung đành ngậm ngùi dứt đường học, rẽ cuộc đời thành một ngư dân kiếm tiền trả nợ giúp gia đình. “Đó là thời gian buồn bã nhất cuộc đời” - Chung nhìn về phía biển trầm ngâm. Giấc mơ con chữ gác lại, 15 tuổi người thanh niên trẻ bắt đầu cuộc đời bám biển Hoàng Sa. Biết mình phải gắn đời với biển, Chung quay sang ước một ngày sẽ làm chủ một vài con tàu lớn băng sóng vươn khơi. Để mơ ước không viển vông, Chung cần mẫn lao động, gom góp, chắt chiu từng đồng tiền làm được. Nhưng số phận đâu chỉ đùa cợt anh chừng ấy...

Cụt tay, mù mắt vẫn ra khơi

Trên nền biển xanh, chiếc thúng chai chao đảo như chính cuộc đời của “rái cá Lý Sơn”. Thả một hơi thở thật mạnh, Chung nói về ngày kinh hãi nhất mà mình đối mặt trên biển. Đó là một chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa năm 2010. Tàu gặp nạn giữa biển, ngư dân sơ cứu rồi tăng hết tốc lực đưa Chung vào đất liền. Hai ngày rưỡi tàu mới cập bến, vết thương nhiễm trùng nặng.

Chung chết lặng khi nghe bác sĩ nói phải cắt bỏ một phần cánh tay phải và một con mắt - “cửa sổ tâm hồn” vĩnh viễn đóng sập. Mạng sống cứu được đã là kỳ tích. Từ lành lặn bỗng chốc trở thành người tàn phế, đau đớn tột cùng Chung muốn buông xuôi tất cả. Quãng thời gian đó Chung suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi cho tương lai mù mịt phía trước. “Tui đã nghĩ nếu từ bệnh viện về mà không đi biển được nữa, tôi sẽ chết cho quên đời”.

Ra viện, nhiều lần Chung năn nỉ các chủ tàu cho đi theo nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Ai cũng sợ mang theo “gánh nặng” khi ra khơi. “Nhìn anh em ngụp lặn mà thèm. Tui ngầm hứa phải quyết tâm trở lại biển cho bằng được” - Chung tâm sự. Bản năng sống trỗi dậy, anh lẳng lặng ra biển luyện tập đủ cách, từ đeo vợt, mang đèn pin đến đánh bắt cá bằng một tay... Có khi trời tối mịt Chung mới về nhà. Phải mất gần một năm cơ thể anh mới làm quen với biển, thành thạo kỹ năng của một thợ lặn thực thụ. Đến giữa năm 2011, Nguyễn Chí Thạnh - thuyền trưởng tàu QNg 96084 - là người đầu tiên mạnh dạn đánh cược cho Chung cơ hội trở lại biển sau hơn một năm chờ đợi. “Hồi đó tui chỉ nghĩ để Chung đi cùng cho vui. Ai ngờ lần lặn đầu cánh tay tàn phế đưa lên một vợt đầy cá khiến anh em ngỡ ngàng. Ngày lặn nào Chung cũng là người cuối cùng lên tàu. Thấy vậy anh em an lòng, rủ Chung cùng góp vốn đóng lại tàu bám biển” - anh Thạnh nhớ lại.

Giờ Chung trở thành một trong những thợ lặn cừ khôi nhất của nhóm. Mọi người lặn bao nhiêu mét anh lặn bấy nhiêu. Có nơi độ sâu 60-70m Chung cũng không ngán. Dân lặn biển sợ nhất khi gặp dòng hải lưu chảy xiết. Người bình thường còn dùng hai tay bám vào đáy biển cầm trụ, như Chung chỉ còn một tay nên phải dùng đến hai chân trụ, mất rất nhiều sức. Mỗi đợt lặn như vậy anh chỉ làm bằng phân nửa thời gian của anh em. Vì vậy Chung gắng sức lặn nhiều đợt hơn mọi người. Chung giãi bày: “Anh em lặn một thì mình lặn gấp đôi, gấp ba cho bằng công nhau. Chứ cùng đi một tàu mà làm ít hơn, ăn chia những đồng tiền mồ hôi của người khác thấy mình không xứng đáng”.

Mặc cho bao kiếp nạn đã qua, giấc mơ làm chủ tàu lớn vươn khơi trong Chung vẫn không bao giờ tắt. Mà như anh nói: “Chừng ấy ước mơ cũng đủ để tui thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống lắm rồi”.

Mong một mái ấm

Ngoài nỗi buồn bị tàn tật, Chung còn mang một nỗi buồn sâu kín khác mà mỗi lần ai đó gặng hỏi Chung vẫn hay né tránh. Chung tâm sự trước khi bị nạn, Chung có một tình yêu rất đẹp. Ai cũng chúc phúc cho cặp “trai tài gái sắc”.

Chung dự định sau một vài chuyến ra khơi sẽ gom góp để dựng xây một “gia đình và những đứa trẻ”. Nhưng tình yêu ấy đã vỡ đổ khi Chung bị nạn. Gia đình cô gái không muốn con mình lấy một người tàn tật dù đến giờ cô vẫn chưa tìm kiếm một mối tình nào khác. Hai người vẫn giữ liên lạc mà không thể cùng nhau tìm lối thoát.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại