LTS: Tạo hóa cho con người quyền sống và khi chết đi được yên nghỉ theo những cách tôn kính nhất. Thế nhưng, với những hài nhi bị tước quyền sống ngay từ trong bụng mẹ thì còn có số phận không thể phũ phàng hơn.
Nhiều người đặt câu hỏi, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân thì sau khi tước bỏ quyền sống, cả ngàn hài nhi ấy sẽ được chuyển đi đâu, an táng thế nào?
Trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã tận thấy một sự thật kinh hoàng, phần lớn những hài nhi đó được người ta chuyển thẳng vào… bãi rác.
Chúng tôi bắt đầu loạt phóng sự này bằng việc làm khó tin của một nhóm thiện nguyện ở Bắc Ninh. Tuy có tên tự đặt là nhóm "Bảo vệ sự sống" nhưng mọi người trong nhóm tự nhận mình là… những tên "đạo chích".
Đêm nào cũng vậy, cứ chờ khi cả khu phố chìm mình trong giấc ngủ thì “nhóm đạo chích” ấy lại bịt mặt lên đường. Mục tiêu của nhóm là những thùng rác ở gần các cơ sở nạo phá thai.
Thứ mà họ muốn lấy chính là những thi thể hài nhi bị người ta vứt "lẫn" vào... thùng rác.
Hành tung bí ẩn của những kẻ đánh cắp hài nhi
Yên Phong (Bắc Ninh) nhiều năm nay thay da đổi thịt nhờ sự xuất hiện của các khu công nghiệp. Công nhân ở khắp nơi kéo về đây thuê nhà ở trọ vô khối. Đương nhiên, sự thay đổi nào cũng kéo theo nhiều hệ lụy, ở đây mọi sự vui ít, buồn nhiều.
Công nhân sống xa nhà, đa phần là người trẻ, thiếu thốn tình cảm nên dễ lao vào những cuộc tình chóng vánh. Vội yêu, vội trao thân nên nhiều nữ công nhân đã phải nếm trái đắng, ôm khối hận tình.
Vài năm trở lại đây, quanh các khu trọ của công nhân thì ngoài những cửa hàng phục vụ ăn uống, giải trí còn có cả những phòng khám phụ khoa và đa phần chỉ làm mỗi công việc… nạo hút thai.
Việc nữ công nhân đi phá “khối hận tình” ấy thường diễn ra một cách bí mật, bởi vậy không ai có thể biết mỗi ngày có bao nhiêu sinh linh bé bỏng đã phải lìa đời ngay từ trong bụng mẹ.
Và, con số hãi hùng này chỉ được hé lộ một phần khi ở khu công nghiệp này có sự xuất hiện của một nhóm “đạo chích” chuyên đi ăn trộm hài nhi.
Công việc của nhóm “trộm đêm” này tuy chỉ phản ánh phần nào mảng tối trong đời sống của công nhân nhưng cũng quá đủ để khiến mọi người kinh hoàng, ám ảnh.
Những hài nhi được nhóm của Sơn lượm nhặt trong thùng rác.
Phải vất vả lắm chúng tôi mới lần ra được tung tích của “nhóm trộm” này. Họ là những thanh niên tuổi đôi mươi, là công nhân, đang ẩn mình tại một nhà trọ ngay gần thị trấn Chờ.
Công việc của họ làm là thầm lặng, chính quyền không biết và ngay cả những người dân ở gần đó cũng chẳng hay. Chúng tôi biết được công việc kinh dị của nhóm sau chuyến viếng thăm một nghĩa trang chuyên chôn cất hài nhi ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Liên lạc với người đứng đầu của nhóm, ngay lập tức chúng tôi nhận được sự từ chối khéo.
“Đây là công việc thiện nguyện, chúng em không muốn mọi người biết đâu. Thêm nữa, bây giờ nhiều người cũng không hiểu hết ý nghĩa công việc của bọn em nên bọn em sợ bị làm khó”, người đứng đầu nhóm trả lời qua điện thoại.
Sau nhiều ngày thuyết phục với điều kiện là tuyệt đối bảo đảm bí mật thì trưởng nhóm này đã đồng ý tiếp xúc với chúng tôi. Tuy đồng ý vậy nhưng hôm làm việc, ban đầu các thành viên của nhóm đều hết sức đề phòng, cảnh giác.
“Cũng nhiều người muốn tìm chúng em lắm. Mỗi người một lý do nhưng phần lớn là không có ý tốt”, một thành viên của nhóm nói.
Nơi “nhóm đạo chích” này đặt đại bản doanh là ngôi nhà cấp 4 của một thanh niên giàu lòng nhân ái.
Thanh niên này có cái tâm hướng Phật. Trước đây, khi biết được trên địa bàn mình ở có nhóm chuyên đi lục lọi thùng rác của các cơ sở nạo hút thai thì sinh nghi, nghĩ là những kẻ trộm đêm ấy có ý đồ xấu.
Cất công theo dõi, thấy việc làm của nhóm đầy nghĩa cử thiêng liêng thì sinh lòng cảm kích, cậu đã ngỏ ý mời nhóm về nhà mình tá túc.
Buổi trưa "định mệnh"
Ý tưởng thành lập nhóm thiện nguyện trên khởi nguồn từ Nguyễn Văn Sơn, quê ở Nghệ An. Sơn là kỹ sư công nghệ thông tin, năm nay mới 26 tuổi.
Sơn bảo, như số phận sắp đặt, như “ma xui quỷ khiến” nên nhiều năm qua Sơn thấy mình như có “căn duyên” với những hài nhi xấu số.
Theo Sơn thì người đời quan niệm, đứa trẻ chỉ đủ chín tháng mười ngày, lọt lòng mẹ thì mới được coi là người. Tuy nhiên, là người theo đạo, Sơn không nghĩ vậy.
“Tạo hoá ban sự sống cho đứa bé ngay từ khi phôi thai trong bụng mẹ. Bởi thế, dù chưa cất tiếng khóc chào đời thì hài nhi ấy đã có quyền sống rồi, đã có quyền làm người rồi.
Thế mà người ta lỡ nhẫn tâm tước bỏ sự sống ấy, người ta coi hài nhi chẳng khác gì phần thừa thãi đáng ghét của mình”, Sơn nói giọng đầy bức xúc.
Sơn bảo, Sơn gắn đời mình với những hài nhi bất hạnh cách đây đúng chục năm và đến giờ, Sơn vẫn nghĩ đó là phần việc mà tự duyên nó gắn bó với mình.
Quê Sơn là nơi cũng có nhiều nhà máy, xí nghiệp và cũng có đông đúc công nhân từ nơi khác tìm về kiếm kế sinh nhai. Ngay gần nhà Sơn có bãi chứa rác thải của cả huyện.
Một buổi, sau giờ tan học, Sơn thấy người bứt dứt không yên. Đi ngang qua bãi rác, Sơn thấy mấy con chó đang lao vào cắn xé nhau dữ dội. Sau khi đuổi được mấy con vật đi Sơn bàng hoàng, thảng thốt trước hình hài của một hài nhi.
“Ban đầu em nghĩ đó là con búp bê cơ. Nhưng thấy mùi nặng quá, ngó lại gần thì hãi hùng khi biết đó là người thật”, Sơn kể lại bằng ánh mắt hãi hùng.
Những hài nhi mà Sơn cùng mọi người lượm nhặt được đưa đi chôn cất tại một nghĩa trang ở Sóc Sơn, Hà Nội
Tận thấy cảnh tượng hãi hùng trên, cậu học sinh 16 tuổi vội vã lên xe bỏ chạy. Tuy nhiên, hổn hển đạp ra ngoài đường thì Sơn lại nghĩ, đứa bé ấy cũng là người, để nó nằm ở bãi rác sao đành. Thêm nữa, bầy chó thấy cậu đi thì lại sấn sổ tìm tới.
Vào lại bãi rác, Sơn xé vở, kiếm cái túi bóng sạch gói ghém lại hài nhi tội nghiệp ấy. Khi việc ấy vừa xong thì Sơn lại phát hiện một túi khác cũng bị ruồi nhặng bu đầy.
“Có lẽ hôm đó bệnh viện hay cơ sở nạo phá thai nào tập kết “rác thải” của mình ra đó. Em bới cả trưa, tìm được 67 "em" liền”, Sơn nhớ lại.
Theo Sơn thì trong số 67 bọc em tìm được thì có bọc chỉ có cục máu, có bọc thì hài nhi đã nguyên vẹn hình hài, trông rất thương tâm.
Trưa đó, cả nhà Sơn được phen hú vía. Chờ mãi không thấy con trai về ăn cơm, bố mẹ Sơn ra đứng vào trông.
Nhác thấy bóng con, chưa kịp chất vấn tại sao về trễ thì Sơn đã ôm cái hộp cát tông to tướng chạy ra sau vườn. Tưởng con lấy trộm cái gì của người ta nên vội vàng ra vườn cất giấu bố mẹ Sơn đã chạy đến tìm hiểu.
“Em không dám nói cho bố mẹ biết trong đó có gì nhưng bố mẹ em cứ nhất quyết đòi xem”, Sơn kể. Khi mở hộp cát tông ra, thấy những hài nhi nằm gọn gàng trong đó, bố mẹ Sơn đã vô cùng choáng váng.
Sau khi trấn tĩnh, họ gặng hỏi Sơn lấy thứ “của nợ” đó ở đâu, tại sao lại rước về nhà. Tuy nhiên, sau khi nghe Sơn giải thích, cảm kích tấm lòng nhân ái của con, họ đã cùng Sơn an táng những hài nhi xấu số đó ngay trong vườn nhà mình.
Cứ ra bãi rác thải là thấy có… xác người
Tốt nghiệp cấp 3, Sơn xuống Vinh học. Tại chốn phồn hoa ấy, khi các bạn cùng trang lứa còn mải mê với những cám dỗ thị thành thì một mình, Sơn lặng lẽ tìm đến các phòng khám thai sản để… xin hài nhi mà người ta đã dứt ruột bỏ đi.
Sơn bảo, ở nhiều bãi rác, cứ bới là thấy thi thể hài nhi.
Việc này khó tựa lên trời bởi chẳng ai hiểu ý nghĩa việc làm của Sơn. Họ sợ Sơn dùng những hài nhi ấy vào mục đích xấu, phần nhiều thì những phòng khám ấy nạo phá thai chui nên không ai chấp nhận.
“Họ không cho thì em tự đi tìm thôi”, Sơn nhớ lại. Sau mỗi buổi học, Sơn cứ tha thẩn ở bãi rác, rìa sông để tìm kiếm những sinh linh bé nhỏ.
Ở Vinh, Sơn chẳng thể nhớ hết là mình đã an táng cho bao nhiêu hài nhi nữa. Chỉ biết rằng chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ hộc chứa rác trong thành phố đến những bãi rác khổng lồ ven đô.
Bằng kinh nghiệm của mình, chỉ cần liếc qua là Sơn biết bọc, túi nào chứa những hài nhi xấu số. Không chỉ vứt “khối hận tình” trên cạn mà người ta còn tống thẳng xuống sông. Nhiều bận Sơn và các bạn vớt được cả những hài nhi cá đã rỉa một phần thi thể.
(Tên nhân vật trong bài đã được đổi theo yêu cầu)
(Còn nữa)