Sáng 23/11, BS Tăng Xuân Hải - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa Nghệ An) cho biết, sau hơn 10 ngày nhập viện cấp cứu và phẫu thuật ổ áp xe thực quản do hóc xương cá, hiện sức khỏe chị Nguyễn Thị Tiến (39 tuổi, trú tại TX Cửa Lò) đã hồi phục tốt.
Theo chị Tiến cho biết, trước đó vào trưa 5/11, trong bữa cơm chị không may nuốt phải một chiếc xương cá chình và mắc ở họng.
Nghĩ mẩu xương nhỏ, chị Tiến đã không đi đến bệnh viện để lấy ra mà chỉ ở nhà chữa theo các cách dân gian như: xoay tròn mâm, vuốt ngực, quay đũa rồi uống nhiều nước để đẩy trôi chiếc xương. Sau nhiều lần làm mẹo thấy bình thường nên chị Tiến yên tâm ở nhà.
Tuy nhiên, 6 ngày sau, chị Tiến bất ngờ đau bụng dữ dội, ở cổ họng sưng tấy lên kèm theo đó là những cơn sốt cao liên tục. Ngay sau đó, chị Tiến đã được người nhà đưa đến Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An để được cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sỹ phát hiện thành thực quản của chị Tiến đã bị mẩu xương cá đâm thủng, gây nên ổ áp xe lớn.
“Chúng tôi chỉ định chị Tiến nhập viện khẩn cấp để tiến hành phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu ổ áp xe thực quản cổ. Nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời, ổ áp xe lan tỏa rộng sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trong ca phẫu thuật, chiếc xương cá 2cm nằm cạnh động mạch cảnh được chúng tôi lấy ra, đồng thời, 30 ml mủ đặc thối được hút, rửa sạch, dẫn lưu ổ áp xe”, bác sĩ Hải nói.
Vị bác sĩ này khuyến cáo, trong vòng từ 24-48h sau khi bị mắc xương, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì có thể dễ dàng lấy dị vật ra bằng cách nội soi và cũng không nên chữa mẹo theo vì khả năng thành công vô cùng thấp.
Riêng trường hợp của bệnh nhân Tiến, bác sỹ Hải cho biết chỉ cần chậm thêm 1,2 ngày nữa, ổ mủ sẽ lan xuống trung thất, phổi, làm bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn, nhiễm độc rất cao, tỷ lệ cứu sống chỉ 50-50.