Công việc hàng ngày của anh Hải là nhặt đồng nát, ai thuê gì làm nấy ở chợ Đồng Xuân.
Phóng sự xoay quanh một ngày của đôi vợ chồng tên Hải (49 tuổi) - Mai (43 tuổi) làm nghề nhặt rác, cửu vạn ở chợ Đồng Xuân. Không nghề nghiệp, con cái hay người thân nương tựa, vợ chồng anh Hải kéo nhau từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh đến nay đã hơn 20 năm. Không đủ tiền thuê nhà, anh Hải và vợ ngủ tạm dưới mái hiên phía sau chợ Đồng Xuân.
Hàng ngày, "người đàn ông trong gia đình" dậy từ sáng sớm, ai thuê gì làm nấy, hết bốc vác đến phân loại túi bóng, nhặt nhạnh sắt vụn, vợ chồng anh vẫn không đủ ăn. Sức khỏe yếu nên mùa đông, chị Mai ở nhà cơm nước đợi chồng đi kiếm tiền về.
Ngày làm việc của người đàn ông này bắt đầu từ 6h30 sáng. Anh ra chợ nhận việc rồi đội trên đầu bao tải chất đầy thùng xốp bên trong. Bước chân vội vã, khuôn mặt như cố gồng lên để chịu sức nặng của bao tải đang được giữ thăng bằng trên đầu, anh chạy bộ. Có ít tiền, ngang qua những hàng quà sáng, anh trả bớt tiền nợ lần trước. Đến chỗ vợ, anh đưa cho chị vài nghìn lẻ để mua gì ăn lót dạ.
Hôm ít việc, anh đành chợp mắt ở nơi vợ chồng anh vẫn tá túc. Chiều đến, anh cùng vợ phân loại đống phế liệu, túi bóng thu gom được mang đi bán. Trung bình mỗi ngày, anh kiếm được 50.000 đồng từ đồng nát. Những hôm không kiếm được, vợ chồng anh Hải đành nhịn đói đi ngủ.
Nói đến Tết, đôi vợ chồng không nhà cửa này chia sẻ, họ hy vọng đủ tiền mua vài kg gạo, ít thịt, nước, chiếc bếp lò để "ngồi đâu thì nấu ăn đấy" và không về quê.
Theo Nguyễn Hoàng Thảo, trưởng nhóm Ấm, đoạn phóng sự về đôi vợ chồng không nhà cửa này nằm trong dự án giúp đỡ người vô gia cư của nhóm.
Gồm các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên ở Hà Nội, nhóm Ấm đi tặng quần áo và đồ ăn vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần cho người lao động "màn trời chiếu đất" suốt hai năm qua. Trong đêm đông giá rét, món quà họ mang tới cho những con người nghèo khổ là nắm xôi, chiếc bánh mỳ, đôi giày, chiếc mũ, áo khoác hay chăn ấm. Đồ ăn, chăn, quần áo tặng người nghèo được nhóm quyên góp từ các thành viên trên Facebook.
Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh kiếm được 50.000 đồng từ đống giấy, túi, sắt, nhựa nhặt được.
"Một ngày của họ" được thực hiện sau khi nhóm kết thúc tối đi tặng đồ vào lúc gần 2h sáng. Sau một tiếng thuyết phục, Ấm mới được vợ chồng anh Hải đồng ý cho quay và theo chân.
"Ban đầu vợ chồng anh chị không đồng ý và cảm thấy bị làm phiền nhưng sau khi biết nhóm làm vì mục đích từ thiện, họ mới cho phép. Trong lúc quay, nhóm bị những người xung quanh gây khó dễ và đe dọa. Cả nhóm 4 người ai cũng sợ nên nhiều cảnh ở ngoài chợ phải quay lén", Hoàng Thảo chia sẻ.
Để không ảnh hưởng tới công việc của nhân vật, cô và các bạn phải đứng cách anh Hải tầm 50 m. Trước khi bắt tay vào làm phóng sự, Ấm không có kịch bản sẵn bởi chưa biết trước cuộc sống họ thế nào. Sau khi hoàn thành, Thảo lại cùng các bạn thức vài đêm để dựng và chỉnh sửa.
Theo Thảo, mục đích của phóng sự này nhằm giúp mọi người hiểu hơn về người vô gia cư để "biết đâu đấy, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống cho ai đó đang cần đến sự giúp đỡ".
"Nếu chỉ gặp những người vô gia cư trên đường, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được một ngày của họ thế nào.
Bởi vậy, 'Một ngày của họ' mong muốn đem lại cái nhìn chân thực nhất về những người đang sống mảnh đời rất khác chúng ta. Họ có thể là người nhặt rác, bà cụ, ông cụ không con cháu hay những đứa trẻ mưu sinh", Thảo nói.
Trưởng nhóm tình nguyện vì người vô gia cư cho biết thêm, mỗi tuần, nhóm sẽ thực hiện một phóng sự khác nhau về các nhân vật. Hiện tại, đã có hai trường tiểu học ở Hà Nội đồng ý kết hợp với nhóm để chiếu phóng sự vào giờ sinh hoạt cuối tuần cho học sinh xem.
"Phóng sự này mang tính giáo dục văn hóa và giáo dục cộng đồng nên Ấm hy vọng sẽ có nhiều trường hơn nữa phối hợp với nhóm để giúp các em nhỏ học cách yêu thương và chia sẻ", Thảo tâm sự.
Clip "Một ngày của họ":