Dậy từ 3 giờ sáng, mỗi ngày 5 phút ăn trưa 15 năm nay, chị Thái Thị Thanh Huyền (phụ xe trên tuyến buýt14 Bờ Hồ - Cổ Nhuế) bắt đầu ngày mới của mình từ 3 giờ 30 sáng. Bất kể hè hay đông, mưa hay tạnh ráo, cứ giờ đó là chị thức dậy, chuẩn bị đồng phục, buộc gọn gàng mái tóc chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Khoảng 4 giờ sáng, chị rời căn phòng nhỏ trong khu tập thể thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) để đến bãi xe của xí nghiệp xe buýt Thăng Long (thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội - Transerco Hanoibus) ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai) nhận xe rồi cùng bác tài ngược lên bến (ở bãi đỗ xe Bờ Hồ hoặc Cổ Nhuế) để 5 giờ sáng, chiếc xe bắt đầu đón những hành khách đầu tiên và bắt đầu lộ trình hơn 15 km/lượt của mình.
Công việc của một phụ xe buýt, mới nghe có vẻ rất đơn giản: bán vé xe, kiểm soát vé tháng, điều phối chỗ ngồi, chỗ đứng trên xe; nhưng có đi cùng họ một ngày, cùng trải nghiệm công việc của họ mới hiểu hết nỗi nhọc nhằn.
Chị Thanh Huyền chia sẻ: "Hồi mình mới vào làm, chưa quen, sáng nào cũng gục gặc, đến khi về nhà thấy người vẫn lâng lâng, ngộ lắm! Được vài ngày, một tuần thì thấy bình thường rồi!". Chị tiết lộ thêm: "Mình còn thuộc dạng khỏe mạnh, không say xe đấy. Mình biết có cô bé làm phụ xe tuyến khác bị say, cả tuần liền bị nôn, xe dừng lúc nào nôn lúc ấy, thế rồi đi mãi cũng quen, bây giờ hết cả say xe luôn!".
Mỗi ngày, nếu không phải chạy chuyến tăng cường, người phụ xe buýt nhỏ nhắn với nụ cười tươi rói, thân thiện này phải đi cùng xe khoảng 9 lượt đi về. Khoảng cách giữa mỗi lượt xe chạy là 5 - 10 phút, mỗi lượt kéo dài khoảng hơn 1 giờ, nhưng hôm đông khách, tắc đường hoặc ngập lụt, lộ trình có thể kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ, đồng nghĩa với chuyện, giờ làm việc của tài xế và phụ xe sẽ kéo dài hơn và không còn thời gian nghỉ giữa chừng.
"Thường chúng tôi có thời gian ăn sáng, vì chuyến đầu tiên trong ngày bao giờ cũng được ưu tiên giãn 20 phút; nhưng buổi trưa, mỗi chuyến chỉ được giãn 10 phút, cộng thêm 'định mức' 3 phút về bến sớm và 3 phút rời bến muộn nữa, chúng tôi có thể có 16 phút để ăn trưa.
Đó là trong điều kiện lý tưởng, nhưng thường chỉ có 5 phút để ăn trưa thôi. Có những hôm không còn thừa một phút nào, chúng tôi đành để hết ca, tầm 3, 4 giờ chiều về ăn cơm nhà." – chị Huyền tâm sự.
Làm phụ xe buýt là phải "mắt tinh, chân khỏe, nói ít hiểu nhiều"
Công việc phụ xe, bán vé, với những đồng nghiệp nam đã là vất vả, với các chị còn khó khăn hơn nhiều, bởi áp lực và đòi hỏi về sức khỏe. Có một châm ngôn nghề nghiệp mà những phụ xe bus, đặc biệt là những "bóng hồng" như chị Huyền thuộc nằm lòng: "mắt tinh, chân khỏe, nói ít hiểu nhiều", bắt nguồn từ thử thách quản lý số lượng khách.
Khi xe vắng, việc bán vé, quản lý số lượng người lên xuống khá đơn giản, nhưng lúc xe đông, khách ùa lên từ hai cửa, người đứng người ngồi lố nhố, vé lượt vé tháng lao xao, người phụ xe mà không nhanh chân nhanh mắt thì hỏng hết việc.
Có trường hợp đã thu tiền, xé vé rồi, khách đãng trí vứt đi đâu mất; cũng có những khách mượn vé tháng của người khác hoặc dùng vé tháng cũ hoặc khách "lẩn" vào đám đông để trốn vé… Những chuyện bi hài gắn với cái vé xe buýt như thế, trong bao năm làm phụ xe chị đã gặp chẳng ít lần.
Những trường hợp ấy, nếu bị thanh tra của xí nghiệp hay thanh tra của Sở Giao thông bắt được, phụ xe sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì thế, đã thành phản xạ, mỗi khi xe dừng ở trạm, chị Huyền lại xuống cuối xe, quan sát bao quát toàn bộ hành khách, nhẩm tính số lượng rồi mới lần lượt bán vé. Chị Huyền hóm hỉnh bảo, nghề này đã luyện cho chị mắt tinh, chân khỏe để có thể "soi" những hành khách mới.
Công việc của chị đầy áp lực, xe thường xuyên trong tình trạng quá tải, ngột ngạt, chen chúc, phải căng mắt quan sát, luôn chân luôn tay kiểm soát khách, mệt mỏi, đói bụng, rồi cả nỗi lo… bị phạt nữa, tất cả những điều ấy đôi khi cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của người làm phụ xe bus.
"Bập bênh" cả ngày cùng chị Huyền trên tuyến xe buýt 14, chúng tôi thực sự "choáng" khi thấy chị gần như luôn mỉm cười, thi thoảng còn nói chuyện phiếm với tài xế hoặc hành khách. Chị tủm tỉm: "Buổi sáng líu lo nói cười thế thôi, chứ đến trưa là ỉu rồi! Lúc ấy mình nói ít hiểu nhiều, ra hiệu với khách là chính, chẳng còn hơi mà cười nữa, không nhăn nhó là được rồi".
Thấy chúng tôi nhíu mày khó chịu trước một hành khách vô ý, bực dọc vì bị xô đẩy, bác tài cười bảo: "Đi nhiều, va chạm nhiều với cuộc sống, được tiếp xúc với nhiều kiểu người, kể cả những hành khách khó tính nhất, cái nghề đã rèn luyện chúng tôi điềm đạm và kiên nhẫn. Không thể nóng nảy với khách được, chỉ còn cách cố gắng làm tốt công việc của mình và nhắc nhở những hành khách vô ý thôi. Thế mà lắm người còn phàn nàn, gọi điện 'mách tội' chúng tôi nữa đấy!”
Vất vả trăm bề, lương không đủ sống, vẫn yêu nghề Nghề phụ xe quả thực rất vất vả đối với nữ giới. Đi đêm về hôm, ăn uống thất thường, ca kíp chẳng kém cánh đàn ông, lắm khi những phụ xe buýt như chị Huyền còn quên cả ngày nghỉ.
Với chị, có lẽ những khoảnh khắc buồn nhất là những ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10, khi hai bên đường tràn ngập hoa tươi, những nữ hành khách đem lên xe tiếng cười, những bó hoa và quà cáp, còn mình vẫn rong ruổi với chiếc bus. Còn những ngày Tết mà dính vào lịch trực, chuyện ăn Tết sớm, đón giao thừa trên xe cũng không có gì lạ.
Nếu không có sự tận tâm và lòng yêu nghề, có lẽ những người nữ làm phụ xe bus như chị Huyền không thể trụ lại cùng với những chuyến xe lâu như thế. Chị Huyền đã gắn bó với nghề phụ xe buýt từ năm 1998, một tháng làm 20 công, vậy mà lương tháng (nếu không bị phạt gì) cũng chỉ vỏn vẹn 3,5 triệu đồng. So với các đồng nghiệp nam, các nữ phụ xe như chị cũng không có thêm phụ cấp.
Đồng lương như vậy, khó có thể nói là dư dả. Buổi tối, chị Huyền phải tranh thủ bán thêm ốc luộc, cuộc sống mới "dễ thở" hơn. Vất vả là thế, nhưng chị cũng cho biết sẽ bám trụ với nghề. Với những phụ nữ gắn bó với nghề phụ xe buýt lâu năm như chị Huyền, còn một vấn đề nữa không thể không nói đến, đó là chuyện gia đình.
Nếu không có sự chia sẻ, thông cảm của chồng con, gia đình thì họ khó có thể hoàn thành công việc. Mặc dù có 2 ca làm việc (từ 5 giờ - 13 giờ và từ 13 giờ đến 21 giờ), tức là mỗi người có nửa ngày ở bên gia đình, nhưng thời gian để chăm sóc gia đình của những phụ nữ này cũng bị hạn hẹp. Có lẽ vì thế mà những người gắn bó được với nghề lâu thường không nhiều, nhưng ai đã ở lại đều "say" nghề cả.
Chị Huyền cho biết, hồi chị vào làm ở xí nghiệp, có tất cả 10 nữ được tuyển, giờ rơi rụng phân nửa, chỉ còn chị và 3, 4 người nữa còn làm nghề. Chẳng biết có phải cái nghề phụ buýt luôn dịch chuyển và bận rộn đã "vận" vào người hay không mà cho tới giờ, đã "trôi" xuống cuối tuổi 30, chị Huyền vẫn chưa lập gia đình.
Hỏi đến chuyện ấy, chị chỉ cười mà bảo: "Thôi, nghĩ làm gì đến chuyện đó nữa! Mình vẫn sống vui vẻ, có một công việc ổn định và có ích, có lẽ thế là đủ rồi…".