Một ngày làm phu hàng lậu ở cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (kỳ 1)

Vương Hải |

(Soha.vn) - Như đã hẹn, chúng tôi một ngày theo chân những người buôn lậu ở vùng biên...

Không giống như những người làm phu khuân vác ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh… Những người cửu vạn nơi đây phần lớn đều là nữ.

Họ đến từ mọi miền của tổ quốc, đến bằng nhiều con đường và nhiều lý do khác nhau. Nhưng chung quy lại ở họ vẫn là miếng cơm, manh áo hàng ngày mà họ phải đối mặt, phải dấn thân vào những chỗ nguy hiểm, đôi khi  bất chấp cả luật pháp để làm, để sống...

Mất khoảng 3h đồng hồ từ Hà Nội lên thành phố Lạng Sơn, rồi hơn nửa tiếng từ thành phố Lạng Sơn lên Đồng Đăng, chúng tôi đã có mặt ở điểm hẹn.

Được anh bạn giới thiệu, chúng tôi vào làm phu cho ông chủ tên Quân. Quân quê gốc ở Hải Dương, năm 1991 lên đây làm cửu vạn rồi từ đó phất lên.

Căn nhà cấp bốn của Quân thuê được nằm kế gần khu vực hang Dơi, chắn ngay trước muôn vàn con đường tiểu ngạch sang vùng Vạn Tường (Quảng Tây – Trung Quốc).

Quân quan sát chúng tôi bằng ánh mắt khá “soi mói”, ông chủ kiệm lời ra giá: “Mỗi chuyến được bốn mươi ngàn, nếu để mất hàng phải đền. Hôm nay chạy hàng quần áo, găng tay, tất…”.

Sau khi đã giao việc xong, Quân gọi một bà tên Thi dẫn chúng tôi ra phía sau của căn nhà rồi đưa cho chúng tôi một cuộn dây thừng để buộc và dùng để vác hàng.

Cuộn chiếc dây do bà Thi đưa cho vào người, chúng tôi theo chân dòng người đang tấp nập ngược xuôi của những người làm dân phu.

Con đường rừng của dân làm phu

Con đường chúng tôi phải vượt là một quãng đường dài chừng non hai cây số, qua một quả đồi dốc, cây cối thưa thớt.

Thỉnh thoảng, trên đường đi lại xuất hiện một vài người làm nhiệm vụ cảnh giới, giám sát những người cửu vạn và đặc biệt là các cơ quan chức năng đi tuần. Nếu thấy có hiện tượng lạ sẽ vào cuộc can thiệp hoặc thông qua hệ thống bộ đàm thông báo cho dân phu biết để mà tránh dân phòng.

Ngoài cánh “chim lợn” cảnh giới này ra, trên quãng đường đồi này còn có rất nhiều người đứng chắn thu tiền “lộ phí đi qua đất nhà họ”.

Mỗi lần đi qua, cánh cửu vạn chúng tôi lại phải “mua vé” là 2.000 đồng. Theo nhẩm tính, chúng tôi đếm được trên quãng đường non hai cây số này có tới tám người đứng ra “thu thế đất”.

Theo lời kể của Bân - một cửu vạn có thâm niên làm cho ông chủ Quân đã gần mười năm cho biết: “Chủ yếu bọn thu thuế đất ở đây đều được các ông chủ thuê luôn làm chân “chim lợn”.

Một công đôi ba việc, mỗi tháng chúng ngồi chơi cũng thu về hàng vài triệu đồng. Chẳng như dân cửu đâu, nếu chẳng may gặp dân tuần, không chạy kịp, bị bắt mất hàng thì coi như mất đứt vài ngày công”.

Chỉ cách cửa khẩu Vạn Tường chừng gần 100m là điểm tập kết hàng. Hàng hoá được tập kết nơi đây khá phong phú và đa dạng như: hàng điện tử điện lạnh, quần áo, chăn màn và đôi khi còn có cả tiền giả…

Ở đây, dân cửu vạn có hai dạng, một là nhóm người mang hàng từ Trung Quốc về qua những con đường tiểu ngạch đến điểm tập kết hàng rồi chuyển cho nhóm thứ hai mang về.

Con đường mang hàng về cũng khá gian nan và vất vả, phần lớn người mang vác hàng đều là phụ nữ, trẻ em. Chỉ rất ít những người đàn ông như Bân làm cái nghề này.

Bân kể: “Người như Bân đi làm phu khuân vác ở đây rất ít bởi phần lớn là họ đi chạy xe chở hàng về thành phố. Phần lớn công việc vận chuyển hàng từ bên kia về đây đều là do cánh phụ nữ đảm nhiệm, một phần do không có vốn, một phần công việc chở hàng cũng khá vất vả và nguy hiểm. Nếu gặp lúc “thông đường” thì không sao, nhưng đường “tắc” thì phải chạy thật nhanh để khỏi mất hàng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại