Sau 39 năm ôm đứa con 2 tuổi bỏ làng trốn vào rừng sâu, vào sáng ngày 7/8, hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở thôn Trà Kẽm, xã Trà Xinh đã được đưa về trung tâm huyện Tây Trà.
Sự trở về của hai bố con "người rừng" đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy bút, thu hút sự quan tâm của bao con người bấy lâu nay may mắn được sống trong bầu không khí văn minh của nhân loại với ánh sáng đèn điện, với trăm nghìn loại máy móc hiện đại và sự kết nối vô cùng vô tận của internet...
Nhưng liệu những đủ đầy về vật chất ở thế giới hiện đại có thể khiến hai cha con ông Thanh hạnh phúc? Sự an toàn ở thế giới của chúng ta có đem lại tự do cho hai con người đã mấy chục năm nay sống giữa rừng thẳm? Ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong bài viết "LÝ LẼ CỦA MỘT TÂM HỒN ĐA CẢM" rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Cha con ông Hồ Văn Thanh được đưa về nhà sau gần 40 năm
Bây giờ mình mới lên tiếng nhân sự kiện hai cha con Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang - được dư luận gọi là "người rừng"- mình coi đây là lý lẽ của một tâm hồn đa cảm.
Thưa các bác.
Việc cộng đồng phát hiện ra hai cha con cựu chiến binh Hồ Văn Thanh sống với nhau trong rừng sâu 40 năm là việc làm rất cảm động.
Nhưng ngay sau đó thì vây, thì ráp, thì còng, thì bắt, thì ép, giải ngay về quê và được gói trong hai chữ "giải cứu" thì bắt đầu có vấn đề.
Không thể nói là cha con ông Thanh không mừng vui khi gặp được người làng mình, đến như con sói hoang cũng sung sướng khi tìm thấy bầy đàn nữa là con người.
Nhưng như thế không có nghĩa là xông tới, tìm đủ cách lôi tuột cha con họ với cuộc sống ổn định và quen thuộc trong rừng sâu ngót 40 năm để về ngay làng, về ngay nhà, ăn cơm ngay, mang áo ngay, rồi đi, rồi đứng, rồi tiếp xúc... cứ như hai người mới xa làng đâu đó vài ba năm... làm chính họ bất an, chính họ hoảng sợ, chính họ xa lạ...
Xoay 180 độ như thế đối với hai con người này sẽ làm đảo lộn một cách không có lợi cả về tâm sinh lý, thói quen, cả về sinh học, đôi khi còn nguy hai đến tính mạng của họ.
Con người ta, khao khát cháy bỏng nhất là tìm được môi trường sống tốt, ít nhất là phù hợp với chính bản thân mình. Do hoàn cảnh chiến tranh, ông Hồ Văn Thanh đã mang thằng con trai 2 tuổi là Hồ Văn Lang vào rừng sâu, rồi hai cha con sống như thế 40 năm, không thể nói là sung sướng, bình an theo cách nhìn của chúng ta, nhưng với họ là yên ổn, là tự chủ, là quen, và không thể biết được họ mất bao nhiêu năm để làm quen được với môi trường rừng sâu núi thẳm này. Giờ ụp cái, họ lại phải tiếp tục một môi trường sống khác, có thể vật chất đầy đủ hơn, có thể mạng sống ít đe dọa hơn, nhưng thói quen, không gian sống, miếng ăn, giấc ngủ, cách sinh hoạt đã chắc gì tốt hơn khi họ ở trong rừng. Hồ Văn Lang còn trẻ mà chới với, ngơ ngác, còn với ông Hồ Văn Thanh, quỹ thời gian không còn cho ông kịp làm quen với môi trường mới này.
Đáng ra, khi phát hiện ra họ, người ta cần từ từ, cử người vào nói chuyện, gợi nhớ kỉ niệm, giúp đỡ miếng cơm, manh áo, che chắn chỗ ở, cứ từ từ như thế, bình an như thế, rồi nếu giả sử sau đó, hai cha con họ dù đã liên hệ rất chặt với làng quê nhưng vẫn muốn sống ở rừng sâu, cũng được, chẳng sao hết. Còn hơn là ào ào tấn công, mang họ về, suốt ngày nhốn nháo người vào người ra, làm mồi cho báo chí khai thác, ghi âm, chụp ảnh, bịa đặt ra cả bức ảnh đưa cho họ cầm máy di động rồi chú thích họ đang làm quen với cuộc sống mới, rất bỉ ổi.
Hàng ngày, ông Hồ Văn Lang vẫn tha thiết bật kêu lên: "Tra xú mờ gót" bằng tiếng Cor, nghĩa là muốn về lại rừng, ai nghe mà không ứa nước mắt.
Đôi mắt hai cha con vẫn nhìn qua cửa sổ, đau đáu với rừng xanh.
Hãy ở trong bản thân họ để lặng nghe nỗi thèm khát tiếng thác chảy, tiếng gió rừng, tiếng nai tác... Hãy ở trong bản thân họ để hiểu được cái không gian tĩnh lặng thanh cao mênh mông của núi rừng, cái trong vắt của một nẻo sống không bon chen, không hoen tạp, không ồn ào, không máy ảnh, không chữ nghĩa. Hãy ở trong bản thân họ để đêm đêm thèm lắm tiếng lá rừng rơi xuống, tiếng gió hùn hụt thổi bên người, mùi sắn nướng, mùi thịt nướng, hương vị rau rừng...
Cộng đồng không bỏ rơi họ nhưng trước hết phải tôn trọng cuộc sống tự do của họ. Rồi từng bước một, nếu được, đưa họ về với làng mình, quê hương mình.
Lòng tốt đôi khi có hại - đối với trường hợp này.
- "Tra xú mờ gót"...
- "Tra xú mờ gót"...
- "Tra xú mờ gót"...
Tôi đang nghe tiếng gọi rừng của ông chói xót bên tai mình, và tôi đã khóc.
Những suy ngẫm của nhà văn Nguyễn Văn Vinh về cuộc trở về của hai cha con ông Thanh đã nhận được khá nhiều sự đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp. Không ít người bày tỏ nỗi lo lắng, băn khoăn liệu phải mất bao nhiêu thời gian hai người đàn ông này mới dần "thích nghi" được với cuộc sống văn minh xa lạ này. "Xin hãy trả họ về lại vời rừng" - là lời khuyên, lời đề nghị của những tâm hồn còn nhiều đa cảm.
Quý độc giả có thể gửi bài viết hay chia sẻ với chúng tôi những suy ngẫm về cuộc trở về của hai cho con "người rừng" qua địa chỉ email [email protected]. Những bài viết hay sẽ được chúng tôi trích đăng và nhận được nhuận bút. Trân trọng!