Một hiệu trưởng thấy "bị oan" sau phóng sự về thầy Đỗ Việt Khoa

Hà Khê |

“Tôi dũng cảm nhận Khoa về trường trong giai đoạn khó khăn, thế nhưng bây giờ qua phóng sự đó, người ta lại nghĩ rằng chính tôi với nhà trường đang trù dập thầy Khoa…”.

Thầy giáo Nguyễn Như Ý - Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín rất buồn khi nhắc đến “nỗi oan” mà mình và nhà trường đang vô tình phải gánh chịu.

Bi kịch của một bi kịch

Trong dịp 20/11 vừa qua, Kênh VTC1 của Đài truyền hình KTS VTC đã thực hiện một phóng sự khá công phu về thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng về những vụ đấu tranh chống tiêu cực của ngành giáo dục.

Phóng sự có tựa đề: “Bi kịch thầy giáo Đỗ Việt Khoa sau 10 năm chống tiêu cực”. Mặc dù cái tên Đỗ Việt Khoa không còn hot như 10 năm về trước, nhưng cũng thu hút sự quan tâm từ dư luận.

Ngay sau khi phóng sự này được phát sóng, trên các trang mạng cũng và một số tờ báo điện tử đã đăng tải, chia sẻ.

Dư luận khá sửng sốt sau khi xem phóng sự xúc động này, bởi người ta không thể ngờ rằng, sau 10 năm “người đương thời” Đỗ Việt Khoa vẫn khổ như xưa.

Trong phóng sự có đoạn ghi lại tiếng khóc nức nở của cô con gái thầy giáo Khoa, khi nói về khó khăn sau việc bố đấu tranh chống tiêu cực.

“Đã có những kẻ đến đập phá nhà, đánh con Khoa, đánh vợ Khoa…”, ông Đỗ Văn Ngải, bố thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ trong phóng sự.

Trong đoạn phóng sự đó, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã kể lại những khó khăn, nỗi khổ về việc mình bị trù dập vì đấu tranh chống tiêu cực như thế nào.

“Có thầy giáo dạy toán ngồi uống nước với tôi đã bị hiệu trưởng gọi lên văn phòng đe dọa: "Ngồi với Đỗ Việt Khoa để chống đối tôi đấy à?”", thầy Khoa nói trong phóng sự.

Ngoài ra, rất nhiều chiêu trò khác của lãnh đạo nhà trường khi “cách ly” thầy Khoa ra khỏi hội đồng giáo viên và học sinh, những cách trù dập giáo viên cũng được thầy Khoa đề cập đến.

Những câu chuyện buồn của ngành giáo dục, của ngôi trường mà thầy Khoa đã công tác lần lượt được tái hiện bằng hình ảnh và lời nói của thầy giáo chống tiêu cực này.

Sau khi một tờ báo điện tử đăng tải phóng sự này, đã có hàng trăm bình luận của độc giả thể hiện sự phẫn nộ về ngôi trường đã đối xử với thầy Khoa như vậy. Có người còn đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo vào cuộc để làm rõ.


Trong phóng sự, con gái thầy Đỗ Việt Khoa đã khóc và nói về nỗi khổ khi bố chống tiêu cực

Trong phóng sự, con gái thầy Đỗ Việt Khoa đã khóc và nói về nỗi khổ khi bố chống tiêu cực

Sau khi phóng sự này được phát sóng vài ngày, thầy giáo Nguyễn Như Ý – Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín – nơi thầy Khoa đang công tác đã lên tiếng về sự việc này.

Theo ý thầy hiệu trưởng này viết trên Facebook thì những thông tin trong phóng sự là không chính xác và dẫn đến hiểu lầm.

Tôi thấy một số thông tin mà VTC1 đưa tin chưa chính xác và chưa đầy đủ, làm người nghe hiểu sai lệch thông tin về cuộc sống hiện tại của thầy Đỗ Việt Khoa, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của trường THPT Thường Tín, nơi thầy Khoa hiện đang công tác giảng dạy.

Những thông tin đó chỉ đúng tại thời điểm trước năm 2011 - khi thầy Khoa đang công tác tại trường THPT Vân Tảo”, thầy Như Ý viết trên Facebook.

“Nhiều người khuyên tôi đừng nhận thầy Khoa”

Liên quan đến sự việc đang gây bão dư luận này, PV Báo điện tử Trí Thức trẻ đã phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Như Ý - Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín.

Vốn là đồng nghiệp với thầy Khoa từ hơn 20 năm trước, thầy Ý tỏ ra rất buồn khi nhắc đến nội dung phóng sự “Bi kịch của thầy giáo Đỗ Việt Khoa sau 10 năm chống tiêu cực”.

Ông cho hay, qua những câu chuyện thầy Khoa kể thì thấy rằng cuộc sống của thầy bị đảo lộn, thậm chí là mất việc, cuộc sống đang bị đe dọa bởi nhiều thứ.

Nhưng những điều thầy Khoa nói đó là tại thời điểm thầy đang công tác tại trường Vân Tảo, nghĩa là 5 năm về trước.

Tiếc thay, phóng sự đó không nói rõ điều này nên khiến người ta hiểu sai rằng, thầy Khoa đang bị trường THPT Thường Tín trù dập. Bởi vì thầy Khoa giới thiệu là hiện đang công tác tại trường THPT Thường Tín.

“Khi nhận thầy Khoa, trường THPT Thường Tín đang thừa giáo viên, nhưng khi Sở đặt vấn đề đưa thầy Khoa về tôi đã nhận ngay. Thời điểm đó là tháng 1/2011”, thầy Ý nói.

Theo chia sẻ của thầy Ý, sau khi phóng sự đó được phát, rất nhiều người gọi điện đến hỏi thăm anh Đỗ Việt Khoa, tại sao nhà trường lại đối xử với thầy Khoa như thế?

“Chúng tôi không biết trả lời sao cho mọi người hiểu…”, Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín giãi bày.


Thầy Ý cho biết, chính thầy đã dũng cảm nhận thầy Khoa về trường, nhưng giờ đang bị dư luận hiểu nhầm vì phóng sự cắt gọt

Thầy Ý cho biết, chính thầy đã dũng cảm nhận thầy Khoa về trường, nhưng giờ đang bị dư luận hiểu nhầm vì phóng sự "cắt gọt"

“Mình đã dũng cảm nhận thầy Khoa về trường trong giai đoạn Khoa khó khăn nhất, thế nhưng bây giờ không khéo người ta lại nhìn tôi với nhà trường bằng ánh mắt khác như là nơi trù dập anh ấy”, thầy Ý buồn rầu.

Sở dĩ trường THPT Thường Tín bị "oan", bởi phóng sự nói rõ là sau 10 năm thầy Khoa chống tiêu cực. Đúng với thời điểm hiện nay, thầy Khoa đang công tác ở trường Thường Tín.

Trao đổi với PV, thầy Ý chia sẻ, năm 2010, thấy cuộc sống của đồng nghiệp cũ như vậy và có nguy cơ ra khỏi ngành, thầy đã đứng ra nhận thầy Khoa về trường.

“Lúc đó, rất nhiều người khuyên tôi đừng nhận thầy Khoa. Họ gàn, vì biết đâu tính "gàn dở" của ông ấy về đây sẽ như này như kia, nhưng mình không quan tâm đến chuyện đó”, vị hiệu trưởng này nói tiếp.

Theo chia sẻ của thầy Ý, khi nhận thầy Khoa về, chính thầy Khoa đã nói: “Rất cảm ơn anh đã nhận em. Em bây giờ chẳng ma nào dám nhận”.

Sau khi phóng sự được phát, thầy Ý đã gặp thầy Khoa nói chuyện. Tại buổi nói chuyện này, thầy Khoa cũng khẳng định là nói rõ ràng những bi kịch đó xảy ra ở trường Vân Tảo chứ không phải ở Thường Tín. Tuy nhiên, khi phát sóng, ê kíp chương trình đã cắt bớt đi.

“Phóng viên của VTC1 cũng khẳng định với tôi việc anh Khoa lên đó không nói điều gì không tốt về trường Thường Tín, thậm chí là ca ngợi nhà trường", thầy Nguyễn Như Ý nói thêm.

 
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Tôi kể theo đúng trình tự thời gian, nhưng do thời gian phát sóng ngắn quá nên buộc họ phải cắt. Quay hơn 2 tiếng nhưng phát sóng khoảng 9 phút. Tuy nhiên, khi họ cắt thiếu mất đoạn đuôi, là từ sau vụ trường THPT Vân Tảo trù dập mình. Mình về trường THPT Thường Tín từ đầu 2011, cuộc sống của tôi cũng ổn. Thời gian qua, tôi tập trung vào chuyên môn là chính, thỉnh thoảng có giúp đỡ một số vụ chống tiêu cực của anh em giáo viên ở một số nơi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại