Nói là trắng tinh thì không phải vì thời gian và khói bụi ven đường đã làm cho nó bị luống màu, trở nên tối tối đượm chút với màu cháo lòng.
Nhưng người ta còn chú ý ông bởi tính tình ông khá vui vẻ, thấy ai ông cũng chào, nhất là mấy anh chị Tây balô.
Có người nhìn ông, ngoảnh mặt đi nghi ngờ bởi giữa cái trung tâm đô thị lớn nhất Việt Nam này, người đông đúc thế này thì tốt xấu biết đâu mà lần.
Nhưng ông vẫn vui, vẫn chào. Đã bao năm nay ông vẫn làm nghề xe ôm và vui vẻ như thế. Có mấy ông Tây tò mò làm quen, rồi thân khi thấy ông không phải dạng kiếm cớ lừa đảo mà là người đàng hoàng tử tế.
Về nước, tây giới thiệu cho nhau về ông rồi chụp ảnh, post lên mạng. Dân Việt online thấy thế, gọi ông là Bạch Công tử Sài Gòn hay là Bạch Công tử thời acòng.
Trích ngang Bạch Công tử
“Tôi tên là Phạm Đình Hiền năm nay 64 tuổi. Tôi làm nghề chạy xe ôm đã hơn hai chục năm” - Bạch Công tử thổ lộ khi vừa gặp. Sinh tại Sài Gòn, lớn lên trong thời loạn lạc nên tuổi thơ của công tử là một chuỗi dài gian khó.
12 tuổi đã phải đi làm, 18 tuổi trốn lính mãi không được đành đi làm lính địa phương quân.
“May có ngày giải phóng chớ không có khi tôi phải ôm súng ra trận rồi. Giải phóng về, tôi có việc làm ổn định. Lái xe buýt đàng hoàng nghe” - Bạch Công tử kể tiếp.
Đó là những ngày rất đáng nhớ với cuộc đời Bạch Công tử. Đời sống khó khăn, nghề lái xe buýt sống bằng lương tuy tạm ổn nhưng vất vả.
Xe thì cũ, phụ tùng thì thiếu thốn, những người tài xế phải kiêm luôn cả nghề sửa xe, sáng tạo ra nhiều cách chế tạo phụ tùng mà tới bây giờ, những tài xế xe đời mới có nghĩ cũng không ra.
Từ chuyện chỉnh con heo dầu, chế má phanh cho tới làm nhíp, tài xế làm được tất. Nghề tài xế xe buýt ngày đó vất vả, nhưng rất vui.
Bạch Công tử được tiếp xúc với những người dân buôn thúng bán bưng, tuy họ nghèo nhưng rất có tình cảm. Quý mến tài xế, khi thì họ cho ông cái bánh, khi thì gói xôi nho nhỏ.
Và những câu chuyện buôn thúng bán bưng, những tâm sự của những người dân nghèo đã dần thấm vào ông, giúp ông trở thành người đồng hành cùng sẻ chia với họ.
“Tôi chỉ giống Bạch Công tử Bạc Liêu ở chỗ thích bận đồ trắng. Nhưng tôi khác ông ta à nghen. Ông ta giàu, đốt tiền để chơi chứ tôi thì nếu có tiền, tôi sẽ đi làm từ thiện hết. Vì tôi là người Sài Gòn mà” - Bạch Công tử Sài Gòn tự sự.
Nghỉ hưu năm 1990, nhớ nghề tài xế nhưng không có điều kiện, sẵn chiếc xe máy cà tàng trong nhà, Bạch Công tử nhào ra đường làm xe ôm, chủ yếu là để được gặp gỡ, được trò chuyện với mọi người.
Tính tình vui vẻ, xởi lởi, hào phóng nên dù chạy xe thuộc hàng… có thâm niên trong làng xe ôm thành phố nhưng Bạch Công tử vẫn không giàu có gì.
Bữa nhiều thì cũng bỏ túi hơn trăm bạc, bữa ít thì cũng bảy tám chục. Bạch Công tử làm chỉ đủ ăn.
Bạch Công tử bảo: “Số tôi không giàu được. Cách đây 16 năm, tôi đã trúng số 1 lần. Đó là giải độc đắc với số tiền lãnh được tương đương 10 cây vàng.
Tôi đã bỏ hẳn ra 7,7 cây để mua chiếc xe Dream II- Lọai sang nhất ngày đó. Còn lại hơn 2 cây, tôi cất ở tủ. Sau một thời gian cần xài tôi hỏi thì vợ tôi bảo đã cho người nọ người kia mượn hết.
Nhưng người mượn làm ăn thất bát, không trả được nên cuối cùng cũng mất hết. Vì thế tôi nghĩ mình nên làm cái gì mình thích chứ đừng ham làm giàu nhiều. Không giữ được tiền đâu!”.
Bạch Công tử quan niệm, cứ sống tốt, sống vui với mọi người là đủ. Còn làm giàu thì… ôm tiền cũng chả biết làm gì (?)
Bắt đầu làm nghề xe ôm khi đất nước đổi mới, hằng ngày ngoài gặp những người dân thường thì Bạch Công tử còn gặp khá nhiều du khách, trong đó có những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống như những người dân bình thường ở Việt Nam nên chọn xe ôm để đi thăm thú.
Có đôi chút tiếng Anh, Bạch Công tử thường có rất nhiều khách tây. Nhưng không như một số tài xế ôm tranh thủ khách ngoại để nâng giá thì Bạch Công tử vẫn giữ giá y như với… người Việt.
Hơn nữa, Bạch Công tử còn hướng dẫn cho du khách từ việc tới thăm cảnh đẹp, mua chỗ nào cho rẻ nên khách tây rất khoái. Khách tây mến, về nước tây lại chỉ kinh nghiệm cho nhau về Bạch công tử. Bởi vậy Bạch Công tử lắm mối.
Bạch Thiện tâm
Nói Bạch Công tử không ham làm tiền là có bằng chứng. Mỗi ngày chạy chừng đủ tiền chợ cho vợ, Bạch Công tử lại lo đi làm việc thiện.
Đi mua cơm giúp những người bảo vệ, đi mua trà đá giúp mấy người sửa xe hay là chở miễn phí mấy em bé bán vé số.
Ngày nào cũng như ngày nào, đã mấy chục năm nay nhiều bảo vệ các tòa nhà, nhiều anh sửa xe hay các em bé bán vé số đều nhờ tới Bạch Công tử giúp.
Không chỉ giúp không công, mỗi khi khách tây cho đồ thừa, Bạch Công tử chia lại cho mọi người. Khi thì mấy bộ quần áo cũ, khi thì thức ăn trong tủ lạnh, Bạch Công tử chỉ lấy về nhà một chút gọi là.
Người nghèo mến Bạch Công tử là thế, nhiều người khá giả, giàu có cũng tin tưởng ông khi sẵn sàng nhờ ông làm những việc quan trọng như giao những món hàng quý hiếm hay tiền bạc.
Lần nào được giao, Bạch Công tử cũng hoàn thành mỹ mãn.
Bạch Công tử khoe mới đây có một bà giàu có còn nhờ đem mấy chục triệu đến ủng hộ cho một bệnh nhân mắc bệnh nan y ở Chợ Rẫy, ông không lấy tiền công.
Rồi có đại gia nhờ ông mua mấy thùng quà để đi làm từ thiện, ông cũng bỏ mấy ngày ra đi mua đồ, đi tặng.
“Người ta làm từ thiện thì mình sao nỡ lấy công”- ông vui vẻ nói.
Nguyên do thích đồ trắng
Chuyện thích đồ trắng với Bạch Công tử thì đã từ rất lâu. Theo Bạch Công tử, màu trắng thể hiện cho sự tinh khiết, thánh thiện.
Những ai mặc đồ trắng, thích đồ trắng sẽ biết giữ gìn để không bị vấy bẩn. Vì thế ông thích mặc đồ trắng, dùng đồ trắng.
Mỗi khi đi làm, người ông trắng từ đầu đến chân, từ mũ, áo quần cho tới tất giày đều trắng. Chiếc xe máy của ông cũng được sơn lại màu trắng, thậm chí cặp kính ông đeo cũng có màu trắng.
Màu trắng của Bạch Công tử gây sự chú ý, giúp ông khác với mọi ông xe ôm bình thường khác.
“Thì tính tôi thích như thế. Tôi còn thích nghe nhạc, thích hát karaoke nữa cơ! Khi rảnh rỗi, tôi cũng hay vào nhà mấy người quen, hát vài bài cho vui.
Hay là khi có tiền dư, tôi mua vài lon bia về ngồi cùng mấy người bạn nghèo của mình. Chỉ thế là vui rồi, là tôi thích rồi”- Bạch Công tử cười, khoe hàm răng trắng đã hơi xỉn màu như bộ đồ của ông.
Bạch Công tử bảo tới giờ ông vẫn là người nghèo và có giấy chứng nhận của địa phương đàng hoàng. Căn nhà - tài sản đáng giá nhất của ông nằm trong hẻm nhỏ cũng chỉ rộng hơn 10m2.
Ngoài chiếc xe máy làm phương tiện sinh nhai thì trong nhà cũng chỉ có chiếc tivi cũ là có thể bán.. ve chai. Nhưng điều đó không làm Bạch Công tử buồn bởi khám bệnh thì ông có thẻ miễn phí.
Hàng năm phường cũng có những trợ cấp cho gia đình ông như gạo, tiền, quà bánh. 2 con đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định.
Bạch Công tử bảo: “Tôi có cuộc sống ổn định, cố làm nhiều tiền thì lại mất sức khỏe. Giờ tà tà làm đủ ăn, giúp cho xã hội thì chính là giúp mình”.
“Tôi chỉ giống Bạch Công tử Bạc Liêu ở chỗ thích bận đồ trắng. Nhưng tôi khác ông ta à nghen. Ông ta giàu, đốt tiền để chơi chứ tôi thì nếu có tiền, tôi sẽ đi làm từ thiện hết. Vì tôi là người Sài Gòn mà”.
Theo ông, người Sài Gòn có thể nghèo, có thể giàu nhưng về cái chất nghĩa khí, hào phóng và vui hết mình thì mới đúng là… chất Sài Gòn. Và ông tự hào là người Sài Gòn chính hiệu… con Nai vàng.
Rồi Bạch Công tử ngâm nga ngay giữa đường phố đông người: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”.
Đang hát, chợt ông giật mình: “Thôi chết chiều nay tôi có hẹn với mấy đứa du học sinh về nước để chở chúng đi chơi.
Tôi chở chúng từ ngày chúng còn học trung học, giờ đi nước ngoài học chúng vẫn nhớ tôi, về là gọi…”. Ông dắt xe, cười và tạo dáng rất… teen trước khi chia tay.