Yêu cầu Trung Quốc sớm rút giàn khoan về nước để cưới vợ cho con

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Luôn động viên con phải bình tĩnh, kiên cường thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng điều mong nhất của bố mẹ thuyền phó tàu CSB 2012 là con sớm lấy vợ.

Trong căn nhà nhỏ tại thôn Bắc Khu (Minh Châu, Yên Mỹ, Hưng Yên), hai ông bà Nguyễn Chí Nhâm và Phạm Thị An (bố mẹ trung úy Nguyễn Chí Hà) đang nói chuyện với nhau những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông. Trung úy Nguyễn Chí Hà, sinh năm 1985, hiện đang là Phó thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 2012.

Ông bà Nhâm - An cũng là bố mẹ vợ của đại úy Phạm Văn Doanh, hiện cũng đang công tác tại Vùng cảnh sát biển 2. Trong câu chuyện về các con, ông bà luôn tỏ rõ niềm tự hào, vinh dự về người con trai và con rể của mình.

Theo ông Nhâm, ngày anh Hà, con trai út của ông bà nhận nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cũng như ngày tàu của các anh bị tàu Trung Quốc đâm va, gia đình không hề hay biết tin gì. Gia đình chỉ biết tin sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải và gọi được điện thoại trực tiếp để hỏi thăm anh.

"Sau hàng tháng trời thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, đến ngày 29/4 thì Hà mới cùng tàu CSB 2012 về cảng Đà Nẵng.

Hà về được 1 ngày thì có đoàn tham quan của xã Minh Châu chúng tôi vào Đà Nẵng và muốn được gặp cháu. Hà xuống đón đồng hương, chưa kịp ăn bữa cơm hội ngộ thì đã nhận được mệnh lệnh tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ.

Nghe mọi người báo tin, chúng tôi vẫn cứ nghĩ là cháu nhận nhiệm vụ trên biển như mọi lần. Đến khi biết được con mình đang tham gia thực thi pháp luật tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và tàu của cháu bị tàu Trung Quốc đâm, chúng tôi đã rất lo lắng.

Chúng tôi càng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi biết tin Hà mới đi làm nhiệm vụ được vài ngày mà tàu của cháu đã lại phải quay trở về Đà Nẵng. Đây là sự bất thường so với những lần cháu ra biển dài ngày làm nhiệm vụ trước đây. Chúng tôi chỉ sợ con mình và đồng đội bị thương hay gặp chuyện chẳng lành.

Sau đó, nhờ mọi người động viên, theo dõi các thông tin cập nhật thường xuyên trên tivi và nhất là khi gọi được điện thoại cho cháu, biết được con mình cùng đồng đội trên tàu vẫn bình yên, không bị sao cả thì lúc đó chúng tôi mới yên tâm.

Giờ mỗi lần xem chương trình thời sự trên tivi, chúng tôi đều cố gắng theo dõi thật kỹ để mong có thể nhìn thấy con trai cũng như các đồng đội đang làm nhiệm vụ trên biển. Tuy nhiên, việc này cũng rất hiếm khi gặp được", ông Nhâm chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Chí Hà, phó thuyền trưởng tàu CSB 2012.
Trung úy Nguyễn Chí Hà, Phó thuyền trưởng tàu CSB 2012.

Còn trong mắt bà An, con trai bà đã trưởng thành hơn rất nhiều sau những năm tháng được rèn luyện trong quân đội.

"Hồi còn đi học, Hà rất chăm chỉ, tính ít nói và nhiều khi cứ bị trêu là giống con gái. Nhưng sau 5 năm học trong trường Hải quân rồi ra nhận nhiệm vụ trên tàu cảnh sát biển 2012 và nhất là sau khi được kết nạp Đảng thì cháu đã trưởng thành, chín chắn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, với sự cẩn trọng của người bố, người mẹ, khi gọi được điện thoại cho con, vợ chồng tôi đều nhắc nhở cháu là phải hết sức bình tĩnh, khéo léo, kiên cường để thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời cũng phải chú ý giữ gìn sức khỏe cho mình, cho đồng đội. Hà cũng động viên chúng tôi cứ yên tâm, giữ gìn sức khỏe, chúng con ngoài này vẫn bình an và sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ...", bà An nói.

Cũng theo bà An, trong các lần về phép cũng như qua nói chuyện điện thoại, ngoài những lời nhắc nhở, động viên con trong công tác thì điều mong mỏi lớn nhất của ông bà là sau lần thực hiện nhiệm vụ này, trung úy Hà có thể xin đơn vị về phép để tính chuyện hôn nhân.

"Hà cũng gần 30 tuổi rồi nhưng vẫn chưa lập gia đình nên mỗi lần về phép hay nói chuyện qua điện thoại, hai vợ chồng tôi đều nhắc con ngoài kiên cường, thực hiện tốt nhiệm vụ với Tổ quốc, với đất nước thì cũng phải thực hiện nhiệm vụ với bản thân, với gia đình là sớm lấy vợ.

Tuy nhiên, mỗi lần nhắc đến là mỗi lần Hà lại lảng sang vấn đề khác, hỏi có bạn gái hay chưa cũng không nói. Nhiều lần, có hai mẹ con, tôi cũng bảo con bận thì cứ tìm hiểu bạn gái qua điện thoại thôi cũng được, rồi nếu hợp, đưa về bố mẹ tổ chức cho, có cháu bố mẹ chăm sóc cho nhưng cháu không nói gì.

Chúng tôi chỉ mong cháu sớm lấy vợ để yên tâm hơn trong công tác...", bà An tâm sự.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, ông Nhâm có thử liên lạc với anh Hà qua điện thoại nhưng cuộc gọi không thực hiện được. Có lẽ, tàu của các anh đang ra khơi, làm nhiệm vụ tại vùng không có sóng điện thoại.

"Vừa qua Thủ tướng đã có những phát biểu khẳng định chúng ta không thể đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc. Chúng tôi luôn coi đó là một lời hiệu triệu và càng tin tưởng vào đối sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tôi tin rằng chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa nên càng yên tâm tin tưởng gửi gắm con em mình nơi biển đảo của Tổ quốc.

Ở nơi đất liền này, chúng tôi cũng mong các chiến sĩ ngoài đó hãy luôn tin tưởng, luôn bình tĩnh, khôn khéo để đấu tranh, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của Trung Quốc. Vợ chồng tôi chỉ mong rằng, Trung Quốc sớm rút giàn khoan trái phép về nước để con trai chúng tôi còn yên bề gia thất", ông Nhâm nhấn mạnh khi chia tay chúng tôi.

Trung Quốc tiếp tục tấn công bằng vòi rồng vào tàu Việt Nam. Nguồn VTV

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại