"Mổ xẻ" loại giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trên Biển Đông

Hoàng Ánh |

(Soha.vn) - TS. Trần Công Trục đã có những phân tích về loại giàn khoan HD-981 trong buổi giao lưu với Báo điện tử Trí thức trẻ.

- Ông đánh giá thế nào về hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển của phía Trung Quốc khi mang tàu quân sự hộ tống giàn khoan xâm phạm vào biển Việt Nam?

TS. Trần Công Trục: Tôi cho rằng đây là một bước tiến mới đầy toan tính và họ làm với rất nhiều mục đích khác nhau nhằm quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược của họ là độc chiếm, khống chế, làm chủ Biển Đông để phục vụ cho chiến lược của mình là xây dựng một nước Trung Quốc mạnh về biển trước khi trở thành một siêu cường quốc tế. Đây là hành động mà phía Việt Nam cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, nghiêm túc để tìm ra những biện pháp có hiệu quả nhất.

Động thái này của Trung Quốc là một hành động được tính toán từ trước, từng bước thực hiện từ lâu.

Như chúng ta biết, sau đại hội đảng lần 23 của Trung Quốc, chính sách của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên biển vẫn không hề thay đổi mà thể hiện rõ với những tính toán mưu mẹo hơn. Trung Quốc đã triển khai chính sách này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có sự phối hợp ăn ý: đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cố tình chứng minh cho yêu sách vô lý của họ.

Trung Quốc còn đẩy mạnh tuyên truyền quốc tế, khu vực một cách mạnh mẽ, thường xuyên. Việc làm này của Trung Quốc hiện tại được đánh giá là khá thành công.

Trên phương diện pháp lý, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp như việc hợp thức hóa đường lưỡi bò vô lý của mình trong 1 công hàm gửi tổ chức Liên hợp quốc, đưa đường lưỡi bò vào hộ chiếu cho công dân…

Trung Quốc ra những văn bản pháp lý để cho những lực lượng của họ có căn cứ pháp lý để triển khai tại những vùng biển họ có yêu sách: Ra lệnh cấm đánh bắt hải sản hàng năm, ra quyết định hành chính để kiểm soát các lực lượng tại Biển Đông…

Tiến sĩ luật Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Tiến sĩ luật Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông.

- Thưa TS Trục, ông có thể phân tích rõ hơn về những mưu đồ ẩn sau hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc lần này vào vùng biển chủ quyển của Việt Nam được không ạ?

TS. Trần Công Trục: Việc họ quyết điều giàn khoan cùng lực lượng rầm rộ vào vùng biển Việt Nam với nhiều mưa đồ khác nhau. Mưu đồ ẩn sau, theo tôi nghĩ nó thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò. Đây là một yêu sách đang bị quốc tế lên án, phê phán.

Họ đặt mũi khoan lần này đã đạt được nhiều mục đích trong đó có 2 mục đích chính:

Thứ nhất, họ muốn một lần nữa khẳng định việc sử dụng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa để mở rộng các vùng biển và thềm lục địa thuộc quần đảo này, tạo nên vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được công bố theo đúng Công ước luật biển quốc tế 1982.

Thứ hai, Trung Quốc quyết tâm trong việc tranh giành lợi ích về mặt tài nguyên của vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. Trước mắt họ tạo ra tranh chấp để thực hiện chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”. Điều đó nghĩa là họ muốn tranh giành tài nguyên của các nước, trong đó có Việt Nam.

- Mong ông phân tích 1 chút về loại giàn khoan và các tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam vừa qua?

TS. Trần Công Trục: Với những thông tin phía Trung Quốc đã công khai về vấn đề liên quan đến giàn khoan này trên các phương tiện thông tin của họ thì chúng ta biết đây là một giàn khoan khổng lồ, nửa nổi, nửa chìm, nó có thể vừa thăm dò, vừa khai thác, thậm chí là 1 trung tâm cho hoạt động chế biến biến sơ bộ dầu khí trên biển trong bất kỳ loại thời tiết nào. Ngoài ra, xung quanh còn có các tàu nhằm bảo vệ cho giàn khoan này. Điều này cho thấy phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc tiến hành cắm giàn khoan trên biển này.

Đây có thể nói là 1 đội hình, hạm đội để thực hiện cuộc xâm lược về mặt tài nguyên.

- Thưa ông, chính phủ Việt Nam đã có những động thái gì về hành động của Trung Quốc trong vụ tàu của họ đâm tàu Việt Nam? Việt Nam có những hành động, việc làm cụ thể thế nào để giữ lãnh thổ đất nước?

TS. Trần Công Trục: Khi Việt Nam nắm được thông tin này đã nhanh chóng lên tiếng phản đối: Phát ngôn của Bộ Ngoại giao, công hàm của Tập đoàn dầu khí gửi cho phía Trung Quốc để phản đối hành động này. Việt Nam đã có điện đàm trực tiếp của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Hồ Xuân Sơn với người đồng cấp phía Trung Quốc với những nội dung hết sức rõ ràng, mạnh mẽ nhưng đầy thiện chí của phía Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã gửi công hàm chính thức cho phía Trung Quốc.

Các phương tiện thông tin báo chí đã cập nhật liên tục thông tin, đăng tải các ý kiến, quan điểm của chuyên gia về sự kiện này một các cụ thể, mang tinh thần xây dựng.

Chiều 7/5, đã có họp báo quốc tế về sự kiện này. Theo ý kiến đánh giá của nhiều người thì đây là một cuộc họp báo lớn nhất từ 1992.

Ngoài ra, các lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam đã đem tàu ra để tiến hành các thủ tục pháp lý trong việc kiểm soát, bảo vệ quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mặc dù bị tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản, đe dọa, uy hiếp, đâm thẳng vào tàu của Việt Nam.

Theo nội dung của điện đàm trao đổi với Trung Quốc, phía Việt Nam thể hiện thiện chí sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, trong đó có cả việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế về luật biển.

Xin hỏi chúng ta sẽ sử dụng những biện pháp nào nếu Trung Quốc tiếp tục ngang ngược tấn công lực lượng của ta?

TS. Trần Công Trục: Việt Nam có quyền tự vệ và sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp thích hợp và cần thiết nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc sử dụng quân sự cũng là 1 biện pháp. Nhà nước trong điều kiện khó khăn vẫn thắt lưng buộc bụng mua sắm tàu ngầm, máy bay, phương tiện vũ khí không phải là để trưng bày mà nếu cần thiết, sẽ sử dụng đến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại