Mỏ vàng Đồng Giá và chuyện trùng hợp đáng sợ của những cái chết

Đào Thanh Tuy |

Nhiều người dân ở xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam) đến mỏ vàng Đồng Giá để nuôi giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, hành trình may rủi ấy đã hóa ác mộng khi cả trăm người dính bệnh lạ.

Mỏ vàng Đồng Giá (xã Bình Trị) cách Phật viện Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, trung tâm Phật giáo của vương quốc Champa xưa chỉ vài cây số và đã “ngủ quên” trong suốt nhiều năm.

Khi nhiều người đến đây tìm vàng và vướng vào chứng bệnh kỳ quái và chết một cách thảm thương, nhiều người đã cho rằng bởi động đến “kho của” của người xưa nên những người ôm mộng đổi đời đó đã bị trừng phạt.

Mỏ vàng “hắc ám”

Ông Lê Khắc Nga vừa rời chức trưởng thôn Vinh Đông được vài tháng. Thôn là nơi có mỏ vàng Đồng Giá và có nhiều người chết về bệnh lạ nhất. Ông Nga bảo, ông được dân giao việc “vác tù và hàng tổng” từ năm 1993, đúng thời điểm người người đổ xô đi tìm vàng.

“Trước đây, cũng như mọi người, tôi cũng vào Đồng Giá tìm vàng. Khi người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn thì tôi không làm vàng nữa. May mà tôi dừng lại chứ không thì giờ cũng chẳng biết thế nào”, ông Nga nói về sự may mắn của mình.

Dù từng “sống trên vàng” nhưng đến giờ thôn Vinh Đông vẫn có tới 40 hộ nghèo trong tổng số hơn 300 hộ dân. 

“Đấy, các anh xem, bệnh tật, chết chóc như thế thì làm sao dân thôn tôi thoát nghèo được”, ông Nga chua xót khi nhắc đến nỗi đau mà rất nhiều hộ dân thôn ông đang nặng gánh.


Bây giờ, bất chấp bệnh tật nguy hiểm một số người dân vẫn đến Đồng Giá để tìm vàng.

Bây giờ, bất chấp bệnh tật nguy hiểm một số người dân vẫn đến Đồng Giá để tìm vàng.

Mỏ vàng Đồng Giá được khai lộ khi nào thì đến giờ ở Vinh Đông không ai biết rõ. Ông Nga bảo, người Pháp cũng đã từng tìm vàng ở đây. Những hầm sâu vài trăm mét là dấu tích của cuộc “khai phá thuộc địa” của chế độ thực dân để lại.

Khi người Pháp rút đi, mỏ vàng thành nơi hành quyết tù nhân của chính quyền ngụy. Theo đó, ở Bình Trị, chính quyền ngụy có xây dựng một căn cứ bí mật chuyên biệt giam những chiến sĩ hoạt động cách mạng. Nhiều người khi bị đưa về đây đã mất tích bí ẩn.

Ông Nga bảo, những người già trong thôn đã tận mắt chứng kiến lính ngụy giải 4 chiến sĩ cách mạng đến mỏ vàng rồi thả thẳng họ xuống những hầm sâu tối đen như hũ lút. Lần hành quyết dã man ấy đã có 3 chiến sĩ thiệt mạng.

Sau giải phóng, người nhà những chiến sĩ quả cảm đó đã tìm đến đây rồi xây bia để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của thân nhân mình.

Tuy mỏ vàng cách thôn có vài trăm mét nhưng ông Nga bảo trước đây chẳng mấy ai dám lai vãng. Dư âm của những cuộc hành quyết dã man ngày trước khiến bất cứ ai cũng run rẩy sợ hãi khi đến gần.

Ôm mộng đổi đời

Ngày còn thanh niên, ông Nga cũng đã vài lần theo đám bạn cùng trang lứa thám hiểm những hang tối sâu hoắm đó. Những lần ấy, bởi muốn cải thiện bữa ăn, ông cùng đám bạn đốt đuốc vào bắt dơi. Ở đó, dơi nhiều vô kể, toàn loại khủng, bu đen đặc trên những nóc hầm.

Ngày ấy, lần mò xuống những đường hâm hun hút ấy ông Nga thấy có nhiều than đá. Công cụ khai thác của người Pháp thì chẳng còn gì.

Từ năm 1989 thì người ta bắt đầu tìm đến mỏ vàng để khai thác lại. Toàn dân nơi khác thôi chứ không có dân địa phương”, ông Nga nhớ lại. Theo ông Nga thì mãi đến năm 1994 thì dân thôn ông mới đổ xô vào mỏ vàng ấy.

Khi đó, tìm đến mỏ những bưởng vàng ở nơi khác đã đem máy móc đến. Họ cần nhân công và nhiều người dân ở Bình Trị đã làm thuê cho các bưởng ấy. Ông Nga kể, ngày ấy, theo phong trào dân thôn ông cũng bỏ bê ruộng vườn mà đổ xô đến mỏ vàng.

Người muốn ăn chắc thì làm thuê cho bưởng, người muốn thử sự may rủi thì tự chui hầm đục đẽo đất đá.

“Cũng có nhiều người trúng vàng lắm. Các bưởng được bao nhiêu thì tôi không biết nhưng người dân ở đây thì cũng có người xây được nhà to, mua được xe máy đắt tiền”, ông Nga nhớ lại.

Cuộc khai phá mỏ vàng Đồng Giá cứ thế sôi sục cho đến đầu những năm 2000 dù chính quyền đã nhiều lần ngăn cấm. “Xã, huyện, rồi cả tỉnh nữa đã cấm nhiều lần nhưng người ta vẫn lén lút khai thác, vì mưu sinh cả thôi”, ông Nga chia sẻ.

Chết thảm vì bạo bệnh

Theo ông Nga, mỏ vàng Đồng Giá chỉ thực sự thưa vắng bóng người khi những người tham gia tìm vàng vướng vào một căn bệnh lạ. Bệnh ấy khiến nhiều người tiều tụy rồi chết thảm thương.

“Chết nhiều lắm! Bây giờ vẫn có người nhiễm bệnh, vẫn có người chết! Người dân thôn tôi thực sự hoang mang, không hiểu chuyện gì xảy ra”, ông Nga thảng thốt.

Ông Nga cho biết, bệnh lạ ấy xuất hiện ở thôn từ năm 2005. Khi ấy, nhiều người trong xã có biểu hiện vàng da, khó thở, mệt mỏi và tức ngực. Triệu chứng ấy đến cả với những thanh niên khỏe mạnh.

“Khi ấy, nhiều người nghĩ xã mình bị dịch bệnh gì đó. Sau thì mọi người nghĩ mình bị bệnh lao. Tuy nhiên, đi khám thì không thấy vi trùng lao”, ông kể.


Ông Nga bấm ngón tay để tính người bị bệnh ở thôn mình.

Ông Nga bấm ngón tay để tính người bị bệnh ở thôn mình.

Cũng theo ông Nga, có một điều lạ là những triệu chứng trên chỉ xuất hiện ở những người từng vào mỏ Đồng Giá tìm vàng. Ở Bình Trị cũng có nhiều người đi làm vàng ở nơi khác nhưng họ không mắc chứng bệnh kỳ quặc này.

Cả trăm người bỗng nhiên dính bệnh khiến người dân Bình Trị thực sự hoang mang, lo sợ. Trước thực trạng khủng khiếp trên, các cơ quan y tế ở Quảng Nam đã vội vã vào cuộc.

Những người có biểu hiện lạ lùng trên được “triệu tập” đi khám. Và, khi đó, các bác sĩ đã kết luận bệnh lạ ở Bình Trị là bệnh phổi tắc nghẽn hay còn gọi là bệnh bụi phổi silic. Bệnh này không lây như lao phổi nhưng khả năng tử vong cao hơn.

Đúng như kết luận trên, tính tới thời điểm hiện tại, ở Bình Trị đã có hơn 20 người chết vì căn bệnh kinh hãi này. Những cái chết cứ đến một cách từ từ, theo một quy trình không thay đổi.

Theo ông Nga, ở Vinh Đông, nhiều người đang khỏe mạnh nhưng khi phát bệnh thì sống lâu nhất cũng chỉ được ngót chục năm. Còn thường thì cứ sau 5- 6 năm là về bên kia thế giới.

“Hai, ba năm cuối thì chẳng làm được gì nữa, chỉ nằm một chỗ chờ chết thôi”, ông Nga trao đổi.

Quá đỗi hoang mang

Tuy các bác sĩ đã kết luận rõ ràng về tình trạng bệnh tật nhưng người dân Bình Trị thì vẫn chưa hết hoang mang. Điều mà họ mong muốn vẫn chưa được giải đáp thuyết phục ấy là tại sao họ bị bệnh?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm ý tế huyện Thăng Bình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn là do người bệnh từng làm việc ở môi trường độc hại, tiếp xúc nhiều với khói bụi.

Tuy nhiên, người dân Bình Trị lại thấy lý giải này chưa thỏa đáng. Đành rằng họ từng làm việc trong hầm vàng ở mỏ Đồng Giá nhưng ở nhiều nơi khác người ta cũng nhiều năm làm vàng, khai thác đá trong lòng núi nhưng lại không mắc chứng bệnh kỳ quái trên.

Ông Lê Viết Mãnh, Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, trước đây, khi bệnh lạ vừa bùng phát, nhiều người đã nghĩ đến giả thuyết là những người tìm vàng bị “trúng độc” là hóa chất của người Pháp để lại.

Hóa chất đó là gì thì không ai rõ nhưng nó có sức hủy diệt vô cùng ghê gớm. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng nhanh chóng bị bác bỏ. Ông Mãnh bảo, mỏ vàng Đồng Giá nằm ngay cạnh khe nước. Trước đây, người dân vẫn dùng nguồn nước này để sinh hoạt.

“Nếu có độc thì chắc chắn sức khỏe người dân đã bị ảnh hưởng, bệnh tật đã phát từ lâu rồi chứ không chờ đến bây giờ”, ông Mãnh khẳng định.


Ông Mãnh bác bỏ tin đồn cho rằng mỏ vàng Đồng Giá có chất độc do Pháp để lại.

Ông Mãnh bác bỏ tin đồn cho rằng mỏ vàng Đồng Giá có chất độc do Pháp để lại.

Bởi chưa rõ căn bệnh quái ác kia từ đâu mà tới nên nhiều người cùng quẫn đã tin vào những chuyện tâm linh, mộng mị đầy mầu sắc mê tín dị đoan.

Theo đó, họ cho rằng, Đồng Giá là mỏ vàng của người Hời, ai xâm phạm thì sẽ bị “người xưa” trừng phạt. Nhẹ thì ốm đau bệnh tật, gia sản tiêu tán. Nặng thì phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Đất Quảng- Đà vốn tồn tại nhiều câu chuyện liêu trai liên quan đến “vàng Hời”, “kho báu của người Hời”. Thực tế thì nhiều người đã có cái kết bi thảm khi vô tình hay cố ý động chạm đến của cải của tiền nhân.

Mỏ vàng của người Hời?

Sở dĩ nhiều người cho rằng Đồng Giá là mỏ vàng của người Hời (người Chăm) xưa là bởi có những chỉ dẫn cho thấy làng Đồng Dương từng là một “xưởng” sản xuất vàng quy mô lớn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, nơi có Phật viện Đồng Dương, trung tâm phật giáo của người Chăm xưa chia sẻ, ở xã ông đào bất kỳ con suối, lạch nước nào cũng thấy vàng.

Có một điều khác thường là vàng ở đây không phải là vàng cám, vàng sa khoáng như những nơi khác.

“Vàng ở đây có hình dạng và kích cỡ khác lạ. Có thể đó là những mẩu vụn do người xưa chế tác vàng Hời thải ra”, ông Túc nhận định.

“Nếu người xưa từng sản xuất vàng, những đồ vật bằng vàng ở Đồng Dương thì chắc chắn Đồng Giá là mỏ vàng mà người Hời xưa từng tìm đến khai thác bởi đó là nơi gần nhất”, cụ Trà Gặp, người cao tuổi nhất làng Đồng Dương đưa giả thuyết.

(Còn nữa)

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại