Người ta bảo, rét Hà Nội sắc lịm hơn dao, buốt đến tận tâm can xương tủy. Bởi thế, tận thấy chuyện luyện võ khó tin trên, ai đó đã bảo người đàn ông kia công phu thượng thừa đã đạt tới trình độ "mình đồng da sắt".
"Mình đồng da sắt"
Cao nhân võ công thâm hậu ấy không ai khác chính là võ sư Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia, người đã nổi tiếng trên võ đàn từ nhiều năm nay.
Võ sư Băng Sơn (tên thật là Bùi Quốc Sơn) chính là đệ tử chân truyền của Chưởng môn đời thứ 44, môn phái Thiếu Lâm Phật Gia do đại sư người Trung Quốc Lý Chấn Hòa sáng lập.
Võ lâm giang hồ còn biết đến ông với tư cách là đệ tử cuối cùng trong nhóm Thập nhị đại đồ đệ (pháp danh Bắc Phong Chân Nhân) của đại sư, Chưởng môn phái Võ lâm Côn Luân, Thanh Hư Chân Nhân Đoàn Tâm Ảnh.
Sinh năm 1958, năm nay tuổi đã xấp xỉ lục tuần nhưng thân thể võ sư Băng Sơn vẫn còn rất tráng kiện. Ông bảo, để giữ được “phom” chuẩn ấy, phần nhiều là nhờ tinh hoa võ học khí công, và chính khí công khiến ông có thể "phong phanh" giữa cái rét cắt da cắt thịt.
Buổi sáng tôi ghé thăm võ sư, đúng ngày cả Hà Nội đang run bần bật trong đợt lạnh kỷ lục chưa từng thấy trong suốt 30 năm qua. Và may mắn tại cuộc viếng thăm bất ngờ này, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến cảnh võ sư "đày" thân mình trong giá lạnh.
Nhà võ sư Băng Sơn ở ngay sát hồ Thanh Nhàn. Nhà quay hướng bắc, nếu không cửa đóng then cài kín mít thì dù trốn ở đâu, gió rét vẫn ào ào thổi vào nhà. Võ sư Băng Sơn bảo, những ngày rét khủng khiếp vừa qua, ai đó thấy sợ chứ ông thì không.
“Trời càng lạnh thì càng có cơ hội rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể”, trò chuyện với PV, vị võ sư nổi tiếng này cho biết.
Hồ Thanh Nhàn vắng hoe vì trời quá lạnh.
Tuyệt kỹ công phu
Theo võ sư Băng Sơn, võ học gọi môn “giữa trời giá lạnh mà coi sống áo là thứ dư thừa” là Nhiệt thân công. Những người luyện khí công, nội công chân chính thì đều có thể thực hiện tuyệt chiêu này.
“Môn này cũng không cao siêu gì đâu, ngay cả người bình thường nếu được chỉ bảo đúng cách thì cũng có thể chống chọi được giá lạnh trong một thời gian nhất định”, võ sư Băng Sơn chia sẻ.
Tuy bất cứ ai cũng có thể luyện tập nhưng chịu lạnh được đến ngưỡng nào thì tùy vào cơ địa của từng người và sự kiên trì trong luyện tập.
Theo nghiệp võ từ tấm bé, được nhiều cao thủ nổi tiếng nhận làm đệ tử chân truyền nên võ sư Băng Sơn đã sớm được tiếp cận với tuyệt chiêu võ học này.
“Nhiệt thân công là bộ môn mà bất cứ những người luyện võ chân chính nào cũng đều phải hướng tới nếu muốn vươn tới đỉnh cao của võ thuật.
Nó đơn giản là nâng cao khả năng chịu đựng của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt thôi”, cao thủ này chia sẻ.
Cũng theo ông, Nhiệt thân công cũng đã nhiều lần xuất hiện trên phim ảnh và phổ biến nhất vẫn là những phim kiếm hiệp của Trung Quốc.
Theo đó, để khắc họa nhân vật có võ công thâm hậu, phim ảnh đại lục thường sử dụng mô típ nhân vật chính không may bị rớt xuống vực, hay lạc đến vùng đất băng giá.
Và, trong hang động tứ phía là băng lạnh hay ngoài hoang đảo bốn bề tuyết phủ, nhân vật chính ấy vẫn ung dung chắp tay luyện khí mặc cho cái lạnh khiến cỏ úa cây tàn.
“Chiến thắng được cả tự nhiên thì đương nhiên nhân vật ấy sức mạnh, võ công siêu phàm rồi”, võ sư Băng Sơn nhận định.
Không chỉ được khắc họa rõ nét trên phim ảnh, Nhiệt thân công cũng được nhiều môn phái nổi tiếng trên thế giới áp dụng khi muốn đào tạo những chiến binh có sức mạnh vô song.
Ở Nhật Bản, môn phái Cực Chân Phái của võ sư Matsutasu Oyama, người được mệnh danh là mạnh nhất hành tinh có thể tay không chặt gẫy sừng bò cũng lấy Nhiệt thân công để rèn luyện võ sinh của mình.
Theo đó, cứ đến mùa đông, chọn những ngày lạnh nhất, những võ sinh của môn phái này phải bước qua kỳ khổ luyện khủng khiếp nhất.
Họ được phân thành từng nhóm và tản vào rừng, chọn những nơi có thác nước để dầm mình luyện võ. Đây là kỳ luyện bắt buộc, nếu ai không thể vượt qua thì chỉ có đường khăn áo rời khỏi môn phái mà bản thân đã nhiều năm theo đuổi.
Với tuyệt kỹ Nhiệt thân công, võ sư Băng Sơn ung dung luyện công giữa cái lạnh 7 độ c.
Không có gì là… bí hiểm
Theo võ sư Băng Sơn, Nhiệt thân công giúp người tập có thể chống chọi thậm chí “miễn dịch” với những chứng bệnh thông thường do sự thay đổi bất ngờ của khí hậu.
Không những thế, với những người luyện ở cảnh giới cao thì Nhiệt thân công còn sinh công năng để chữa bệnh. “Những người có khả năng chữa bệnh bằng khí công chính là những bậc thầy về Nhiệt thân công”, võ sư Băng Sơn cho biết.
Ai cũng có thể tập Nhiệt thân công nhưng muốn thành cao thủ thì không dễ chút nào. Nhiệt thân công đòi hỏi người tập phải có ý chí, quyết tâm sắt đá.
“Không có gì huyền bí đâu, tất cả đều là bắt cơ thể mình dần thích nghi với giá lạnh thôi”, Chưởng môn Võ lâm Phật gia chia sẻ.
Cũng theo đại cao thủ võ lâm này, giống như nhiều môn võ khác "dục tốc bất đạt", người tập Nhiệt thân công nếu nóng vội thì cũng rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”.
“Bắt cơ thể mình chịu lạnh một cách đột ngột thì đương nhiên rước họa rồi, nhẹ thì viêm xoang, đổ máu mũi, nặng thì sưng phổi chứ không đùa.
Trong làng võ, Nhiệt thân công là môn cơ bản của những người tu luyện theo trường phái tiên gia, đạo gia.
Với những người mới tập, điều tối kỵ là ở trần. Luyện khí kỵ gió như kỵ giặc. Tập luyện mồ hôi ra, lỗ chân lông mở, gió vào thì rất dễ… đi”, võ sư Băng Sơn khẳng định.
Các võ sinh luyện Nhiệt thân công ở Nhật đang ngâm mình dưới dòng nước lạnh. Ảnh: Internet.
Những ngày cực rét này, hồ Thanh Nhàn vắng hoe. Ai đó có việc qua hồ cũng đi vội vã bởi khí lạnh cộng với gió hồ hất lên cóng buốt.
Tuy nhiên, với Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia, cái lạnh tím da tím thịt ấy lại khiến ông thích thú bởi được thử thách sức chịu đựng của bản thân.
“Ngày nào tôi cũng tập vài giờ. Màn khởi động thì phải tập ở trong nhà, sau 5-10 phút vận khí, thấy người nóng lên thì mới ra ngoài”, võ sư Băng Sơn kể.
Võ sư Băng Sơn gọi màn khởi động là “án ma”. Theo đó, trước khi cởi dần quần áo rét thì người tập phải làm tự chà xát để làm nóng những phần cơ thể lộ ra đặc biệt là đầu, gáy, mặt, chân, tay.
“Đây là biện pháp cân bằng nhiệt bởi những bộ phận này thường lạnh hơn vì tiếp xúc trực tiếp với không khí.
Sau vài phút vận công, nhiệt trong cơ thể tỏa ra và cân bằng với những bộ phận được làm nóng đó rồi thì có thể mặc áo mỏng, thậm chí ở trần để ra ngoài đối diện với gió rét”, võ sư Băng Sơn giải thích.
Cao thủ Nhiệt thân công có thể chịu lạnh ở mức âm bao nhiêu độ?
Võ sư Băng Sơn không trả lời trực tiếp câu hỏi này, nhưng ông kể, trước đây, khi còn trong quân ngũ, đơn vị ông đóng quân ở biên giới, nhiều mùa đông giá, những ngày băng tuyết bậu trên cây, dùng tuyệt chiêu này, ông vẫn ung dung tắm suối.
Võ sư Băng Sơn ở trần, luyện công giữa cái rét thấu da