Cụ thể, vào sáng mai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trình Quốc hội Tờ trình về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Sau đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, các đại biểu sẽ trở về thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến, sáng 7/4, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Thủ tướng.
Trước đó, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng đã giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu làm Thủ tướng.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Dương Trung Quốc đã bày tỏ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nỗ lực liên tục trong gần 2 nhiệm kỳ.
Đó là bước chuyển quan trọng, trên lĩnh vực kinh tế, ta nhập WTO, thực sự bước vào câu chuyện gắn đổi mới với hội nhập, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức.
"Nếu chứng kiến những gì Thủ tướng làm, thì đó là con người rất năng động", ông Quốc nói.
Còn ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho hay, bước đầu vào nhiệm kỳ, Chính phủ và các thành viên Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành với những nguy cơ bất ổn về kinh tế vĩ mô, nguồn thu suy giảm mạnh.
Nhưng được sự ủng hộ cũng như sự tăng cường giám sát của Quốc hội sau kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã có sự bứt phá ngoạn mục, nâng hạng tín nhiệm rất ấn tượng.