Mẹ viêm gan B, con tự kỷ và "bài thuốc" thần diệu của người cha

Nguyễn Huệ |

Với mong muốn, mỗi người là bác sĩ của chính mình để tự cứu mình, các thành viên của nhóm Tự chữa bệnh đã mang bộ môn khí công trị liệu tới mọi vùng quê mà không lấy tiền công.

Từ nỗi tuyệt vọng dẫn lối tới con đường tự cứu mình

Khi phát hiện ra cả gia đình bị mắc bệnh mãn tính: vợ bị viêm gan B từ năm 2004 đã chạy thầy, tìm thuốc ở nhiều nơi nhưng không khỏi; con trai lớn bị suy dinh dưỡng và mắc chứng tự kỉ; bản thân bị bệnh cột sống, thoát vị đĩa đệm, anh Nguyễn Đức Chung (SN 1971, Hà Đông, Hà Nội) thấy mất niềm tin vào tất cả. Anh hoàn toàn suy sụp tinh thần.

Là trụ cột của gia đình, trong hoàn cảnh éo le, anh đã tự hứa với bản thân không được bỏ cuộc hay lùi bước.

“Ở tuổi của tôi chưa phải là quá cao nhưng đã bị mắc chứng bệnh ấy. Nhiều lúc làm việc sai tư thế, tôi lại bị những cơn đau hành hạ. Đi đâu, hành trang cũng không thiếu được thuốc. Tôi biết có nhiều biện pháp để tự cứu mình mà mỗi người chưa tự tìm ra được. Suy nghĩ là làm, tôi chấp nhận khổ, chấp nhận hi sinh bản thân trong cuộc sống khó khăn để đầu tư xây dựng niềm tin cho mình và học cách tự cứu mình rồi cứu người” – anh Chung tâm sự.

Từ năm 2009, hàng ngày, hàng giờ, anh Chung ngoài thời gian xem các chương trình về sức khỏe, anh lại lướt qua các website hướng dẫn chữa bệnh cột sống, thoát vị đĩa đệm. Và con trỏ chuột của anh đặc biệt dừng lại thật lâu tại website về khí công trị liệu của thầy Đỗ Đức Ngọc.

Gia đình anh Nguyễn Đức Chung
Gia đình anh Nguyễn Đức Chung

Qua nhiều thời gian suy ngẫm, anh Chung hiểu, một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh của mình là do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không khoa học. Và vợ anh, một nhân viên bảo hiểm cũng phát bệnh từ chính nguyên nhân đó.

Từ đó, anh Chung quyết định tập từng bài khí công trị liệu của thầy Ngọc với niềm tin: “Muốn vợ con tin và cùng trải nghiệm để ứng phó với bệnh lý của bản thân thì mình phải trải nghiệm trước”.

Anh Chung đã luyện tập các bài tập khí công trị liệu của thầy Ngọc như cơm ăn, nước uống, như hơi thở của mình. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại tập. Sau gần 5 năm kiên trì, bản thân anh đã không còn bị những cơn đau hành hạ như trước. Đồng thời, vợ chồng anh đã thuyết phục không chỉ các thành viên trong gia đình mình mà hơn 1.000 người dân ở các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội), Thái Bình để giúp họ chữa các bệnh về thần kinh, tim mạch, gan, cột sống…

“Bệnh tật không loại trừ một ai. Mỗi người phải là thầy thuốc của chính bản thân mình và phải tự cứu mình trước khi có người khác tới cứu. Tôi đã trao cho họ chìa khóa để họ tự mở cánh cửa cuộc đời mình bằng các bài tập khí công trị liệu” – anh Chung chia sẻ.

Nhắc tới con trai của mình, anh Chung không khỏi tự hào về những nỗ lực mà bé đang bước qua: “Con trai tôi, Nguyễn Đức Tùng (SN 2008 – PV) bị suy dinh dưỡng và phát hiện mắc chứng tự kỉ từ năm 2010. Cháu có biểu hiện gọi thì không quay lại, thích những hoạt động mạnh, những tiếng động lớn và hay cắn bạn khi lên lớp.

Nhưng sau khi tôi thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con cũng như áp dụng một số phương pháp tập khí công trị liệu của thầy Ngọc như: chà gáy quay cổ, vuốt cổ quay cổ, chà tai, xoa mặt hình số 8… Tùng đã có những thay đổi rõ rệt, ăn tốt hơn và sống vui vẻ, năng động hơn. Tôi cho con học ở lớp học bình thường như nhiều đứa trẻ khác và chỉ có tôi biết cháu bị tự kỉ. Bản thân cô giáo cũng không nhận ra điều đó. Đó là thành công, là sự kì vọng rất lớn của tôi về tương lai con trai mình”.

Nhóm của anh gồm 6 người cùng chung hoài bão, đặc biệt ai cũng mang trong mình căn bệnh mãn tính đã cùng nhau tập luyện và mang phương pháp tập khí công trị liệu tới các vùng quê. Đi tới đâu, họ cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bởi từ phương pháp mà nhóm dậy cho họ tập hàng ngày, họ đã sống “vui, khỏe và có ích” hơn.

“Sứ mệnh” của những người có cùng niềm đam mê

Có mặt tại buổi tổng kết chương trình tập khí công trị liệu của thôn Tây Sơn, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội từ sớm, ông Phạm Văn Dân (SN 1949, cựu công nhân lái xe và đã về hưu hơn 10 năm nay) hồ hởi: "Từ năm 1986 tôi đã phải sống chung với bệnh trĩ, nay đã ở cấp độ 3. Vợ con cũng khuyên đi cắt trĩ nhưng tôi cứ khất hết lần này tới lần khác phần vì ngại, phần vì không muốn. Và bao nhiêu năm qua tôi vẫn sống chung với nỗi đau mà căn bệnh này mang tới. Nhiều hôm không ngồi được, cứ phải đi đi lại lại suốt trong nhà, đến việc đi vệ sinh cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuổi cao lại thêm chứng mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng lại hay thức giấc về đêm rồi huyết áp hành hạ. Bấy nhiêu bệnh đổ dồn khiến đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng. Mặc dù nhà có người làm trong ngành y, cũng có “thâm niên” dùng thuốc để trị bệnh nhưng bệnh tật với tôi như một bài toán khó giải.

Chị Tú Anh hướng dẫn người dân luyện tập khí công
Chị Tú Anh hướng dẫn người dân luyện tập khí công

Sau khi được ông Lĩnh là người cùng thôn giới thiệu có đoàn Tự chữa bệnh của anh Chung về hướng dẫn bộ môn khí công trị liệu miễn phí cho bà con, vì từ lâu đã yêu hai chữ “trị liệu” nên tôi tham gia. Chính những bài tập khí công mà nhóm hướng dẫn đã giúp tôi ngủ ngon, mỗi đêm sâu giấc được 4 – 5 tiếng. Ngay cả bệnh trĩ cũng thuyên giảm xuống còn độ 1, huyết áp ổn định hơn. Những ngày đầu tôi tập khoảng 20 phút/lần và lúc nào rảnh là tập nhưng sau tăng lên 30 phút/lần tập. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không gặp bộ môn này không biết bệnh trĩ sẽ hành hạ tôi như thế nào".

Còn với ông Lê Văn Thạch (79 tuổi) là cán bộ quân đội nghỉ hưu, ông Thạch luôn tâm niệm “có sức khỏe là có tất cả”. Vì vậy, gần 80 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn đều đặn ra sân tập cầu lông cùng một số “bạn già” khác. Thế nhưng bệnh viêm thượng vị, việm đại tràng khiến ông thường xuyên bị ợ chua, ăn không tiêu.

Thêm vào đó: “Tôi thường xuyên bị hắt hơi, có những lúc chảy nước mắt. Rồi những đêm mất ngủ, chân tay thường xuyên tê buốt khiến tôi nhiều khi thấy bực bội trong người. Nhưng sau gần 4 tuần tập bộ môn khí công trị liệu, tôi không còn hắt hơi, ngủ ngon và cũng không còn hiện tượng ợ chua. Tôi cũng chuyển từ đánh cầu lông sang tích cực tập bộ môn này.

Cứ sáng sáng, gần 50 người trong thôn lại tập trung ở nhà văn hóa để tập những bài tập khí công trị liệu thay vì những buổi đi bộ như trước. Không khí thôn xóm thay đổi rất nhiều. Hiện tại, một số thanh niên trong làng cũng xin “gia nhập” cùng các bô lão như chúng tôi” – ông Thạch nói.

Và với sứ mệnh “làm sao cho mỗi người có cuộc sống tốt hơn, cuộc sống không đau đớn, không bệnh tật, vợ chồng anh Chung và các thành viên trong nhóm Tự chữa bệnh tranh thủ thời gian để mang phương thức của mình tới với mọi vùng quê. Họ giúp người, giúp đời chỉ bằng đôi bàn tay mà không lấy một đồng tiền công nào.

Sau khi đã được truyền lửa, người dân thôn Tây Sơn tự cứu mình bằng bài tập khí công trị liệu
Sau khi đã được "truyền lửa", người dân thôn Tây Sơn tự "cứu mình" bằng bài tập khí công trị liệu

Sau khi hoàn thành “sứ mệnh” họ lại buông xả, có nhiều người họ chỉ nhớ mặt mà không nhớ tên nhưng ai đã từng gặp họ, được họ dậy bài tập khí công lại không bao giờ quên được sự ân cần cũng như những tên của từng thành viên trong nhóm.

Với anh Chung, thấy mỗi người khỏe hơn là anh lại thấy hạnh phúc. Anh có thể quên ăn, quên ngủ để mang mỗi bài tập ấy tới với từng người. Còn với chị Tú Anh: “Chúng tôi có tâm, có phương pháp, chúng tôi chỉ thiếu phương tiện để giúp nhiều người tự trở thành bác sĩ của chính mình”.

Số người biết tới bộ môn khí công trị liệu này sẽ không dừng lại ở con số 1.000 và cũng không chỉ ở Việt Nam, số thành viên của nhóm cũng không chỉ là 6 người mà sẽ là 500 – 1.000 người khi niềm đam mê trong những người như anh Chung, chị Tú Anh vẫn ngày ngày được thắp lửa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại