Giữa trưa nắng gắt, người phụ nữ gầy còm da đen sạm chạy theo ông chồng say xỉn đang nhảy múa loạn xạ, hát hò ầm ĩ giữa đường. Theo sau là hai cô con gái thân hình nhỏ bé, quần áo luộm thuộm vừa cười vừa vỗ tay hưởng ứng. Người đàn bà bất lực nhìn chồng con, nước mắt giàn giụa.
Đó là cảnh tượng quen thuộc đối với người dân trong thôn La Chàng, xã Cẩm Ninh, Ân Thi, Hưng Yên. Ai cũng xót thương cho số phận người phụ nữ phải gánh trên vai cả một “thế hệ dở”.
Người mẹ đi “cướp cơm” cho con biết nói
Tôi gặp được bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1956) khi bà mới ra viện vì bệnh viêm đầu thống ở mắt. Vừa tiếp đón chúng tôi, bà vừa quơ vội đống quần áo trên nền nhà, nói ngượng nghịu “Cô thông cảm, tôi đi viện có vài ngày mà nhà cửa bẩn quá, không kịp dọn dẹp”.
Ngồi khép lép ở đầu giường là hai cô con gái bà: Nguyễn Thị Lụa (1996) và Nguyễn Thị Liễu (1986) đang ôm đứa bé chừng gần 2 tuổi, đôi mắt sợ sệt nhìn người lạ. Liễu và Lụa bị bệnh ngờ nghệch, “dở dở ương ương”. Không những thế, Lụa 19 tuổi mà vẫn không nói được, chỉ ú ớ trong cổ họng.
Bà Hoa kể lại “Hồi tước nghe ở đâu có mẹo hay tôi đều làm thử. Nghe người ta nói ra chợ cướp cơm cho con sẽ nói được, tôi cũng đi cướp. Có người hiểu và thông cảm chẳng lỡ mắng, nhưng cũng nhiều người chửi tôi là “đồ ăn cướp” rồi đuổi đánh cho một trận. Làm đủ mọi cách mà con bé Lụa vẫn không nói được”
Con người có lúc sướng lúc khổ, nhưng cuộc đời bà Hoa là một chuỗi bất hạnh nối tiếp nhau. Bà sinh ra trong gia đình có 6 anh em, 5 anh trai, bà là em út. Bố mất từ năm bà mới lên 7 tuổi, một mình mẹ già tần tảo nuôi mấy anh em. Bà Hoa vốn là người con gái kém sắc, gần 30 tuổi, nhờ mai mối mới lấy được chồng. Bà cũng không ưng lắm nhưng vì thương mẹ già mang tiếng có con gái ế nên bà đành chấp thuận.
Chồng bà Hoa là ông Nguyễn Văn Tuần (1960) một người nông dân chân chất, hiền lành, nhưng từ ngày bị bạn bè rủ rê rượu chè, ông đâm ra “dở dở” cả ngày chìm đắm trong cơn say, không biết gì. Lấy nhau được hơn 1 năm, bà sinh người con đầu lòng, nhưng cháu bé qua đời ngay khi vừa sinh ra ra vì ốm yếu, còi cọc.
Nén nỗi đau mất con lại, bà sinh tiếp 3 cô con gái và 1 người con trai, nhưng người con trai chỉ sống được 1 năm thì qua đời. Cả nhà chỉ có cô Nguyễn Thị Phượng (1984) là bình thường, cô Liễu và Lụa bị ngờ nghệch ngay từ nhỏ. Bà Hoa một mình làm thuê làm mướn nuôi cả nhà, không có thời gian chăm sóc cho hai người con gái bị dở.
Bất kể mùa đông cũng như hè, hai cô con gái đều mặc cả đống quần áo trên người. Chỉ đợi lúc bà Hoa không có nhà là chạy đi chơi khắp xã. Có lần, bà đi tìm chồng con cả đêm mà không thấy, sáng ra nghe dân làng bảo mới biết ông Tuần say rượu ngủ lăn lóc ngoài bờ sông, hai cô con gái đi theo bố cũng ra đấy… “ngủ cho mát”.
Bà Hoa làm bất cứ việc gì để có tiền nuôi cả nhà 4 miệng ăn với cô con gái cả đang học Đông y. Từ mò cua bắt ốc, gồng gánh thuê đến buôn đồng nát sắt gỉ. Mỗi ngày bà chỉ kiếm được chừng vài chục nghìn đồng, lại phải canh chừng vì sợ ông chồng lấy trộm đi mua rượu uống. Bà Hoa kể, có lần bà phải ôm cả bao thóc còn lại duy nhất đi ngủ vì sợ ông Tuần súc trộm mang đi bán uống rượu.
Người con gái cả của bà may mắn được học hành đến nơi đến chốn, đi làm thuê trong một tiệm thuốc đông y. Đã đứng tuổi vẫn không lấy được chồng. Cũng có nhiều đám đến hỏi, nhưng khi thấy gia cảnh nhà bà Hoa họ đều bỏ đi. Mãi đến năm 28 tuổi, cô Phượng mới kết hôn với người bạn học cũ, người đàn ông nghèo nhưng tốt bụng bất chấp lời đàm tiếu để thương yêu cô. Bà Hoa mừng rơi nước mắt vì người con gái không gặp bất hạnh như bà, tìm được người tốt mà nương tựa cả đời.
Bà Nguyễn Thị Hậu (Cẩm Ninh, Ân Thi), bạn thuở nhỏ của bà Hoa xót xa cho bạn: “Cả đời Hoa làm lụng vất vả chưa có ngày nào nghỉ ngơi. Nhiều người khuyên đưa hai con gái ngờ nghệch vào trại mồ côi mà cô ấy không chịu. Nhìn hai đứa ngu ngơ không biết gì, chỉ khóc xin mẹ đừng bỏ con, Hoa lại không nỡ, chỉ biết ôm con ngồi khóc”.
Bà già gần 60 tuổi nuôi “con mọn”
Năm 2011, sau một đêm say xỉn múa hát ngoài đường, ông Tuần qua đời do trèo tường ngã chấn thương ở đầu. Khoảng một năm sau, cô Liễu có biểu hiện lạ, chán ăn, bà Hoa đưa đi khám mới tá hỏa phát hiện ra, cô đã mang thai được hai tháng.
Quá bàng hoàng, bà Hoa không thể ngờ rằng, cô con gái 26 tuổi ngờ nghệch của mình lại có chửa. Ai làm cho con bé có thai? Câu hỏi cứ quấn lấy bà. Bà gặng hỏi con nhưng cô gái chỉ cười ngô nghê nói không biết. Vừa đau xót thương con, bà vừa căm phẫn kẻ đã lợi dụng đứa con bệnh dở của mình mà làm trò đồi bại. Nuôi hai đứa bệnh dở đã khổ, mà giờ có thêm cháu nhỏ,mà nhỡ nó cũng bị di truyền của mẹ nó thì bà cũng không đủ sức để nuôi, rồi còn tai tiếng dân làng.
Hai người con gái bệnh “dở” và đứa cháu ngoại của bà Hoa
Người dân trong làng, trong xã đồn ầm lên tìm bố đứa bé là ai. Rồi họ nghi ngờ lẫn nhau, nghi ngờ của người trong họ nhà bà Hoa. Tình anh em họ hàng sứt mẻ mâu thuẫn, họ tuyên bố từ mặt bà. “Con dại cái mang”, bà Hoa nhất quyết giữ lại đứa cháu, mặc cho mọi người khuyên nhủ đi phá thai.
Với bà, dù sao nó cũng là cháu ngoại, một sinh linh bé bỏng vô tội. Bé Nguyễn Khôi Nguyên (2012) ra đời khỏe mạnh trong niềm vui của bà Hoa và gia đình. Thằng bé nhanh nhẹn, bụ bẫm, không có dấu hiệu gì của căn bệnh di truyền từ người mẹ.
Nhưng đứa bé ra đời cũng mang theo bao nỗi lo toan với bà Hoa. Bao nhiêu tiền dành dụm mấy năm trời, bà đều đổ vào mua sữa, thức ăn cho cháu. Thằng bé lớn lên nhờ sự giúp đỡ, quyên góp quần áo cũ của hàng xóm. Người này cho cân bột, người kia cho ít gạo. Các nhà sư trong chùa thôn La Chàng cũng thường xuyên đến cho tiền bạc, mua quần áo, thức ăn cho thằng bé.
Bà Hoa đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, lại bị bệnh về mắt, nhưng bà gắng sức làm việc nhiều hơn. Ngày nào bà cũng đi buôn đồng nát, chỉ mong đủ tiền mua sữa cho cháu. Bà ngậm ngùi kể lại “ Có đêm thằng bé đói khóc quá, nhưng tôi không còn tiền mua sữa, đành nhai ít cơm cho nó ăn. Nghĩ mà thương cháu, phải sinh ra trong gia đình nghèo như nhà mình”
Giờ ước mong lớn nhất của bà Hoa là nhận được sự trợ giúp của những nhà hảo tâm để nuôi lớn đứa cháu tội nghiệp của mình.