Mẹ già quỳ lạy bác sĩ cứu sống con mình bị đâm thủng ruột

Thiên Di |

Người nhà cụ già 92 tuổi bị viêm phúc mạc mật xin về không đồng ý mổ; mẹ và vợ quỳ lạy, khóc lóc, van xin cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng 9 lỗ mạc treo ruột …là những câu chuyện bác sỹ Đào Tuấn còn nhớ mãi.

Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ của bác sỹ Ngoại khoa Đào Tuấn- Chuyên khoa cấp 2, Ngoại tiêu hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì.

Trước kia, ông từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đến năm 2014 mặc dù đã chuyển sang vị trí Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì nhưng nhiều ca mổ vẫn “nhờ” đến “bàn tay vàng” của ông.

Bác sỹ Đào Tuấn - Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì kể lại những câu chuyện hy hữu trong hơn 30 năm trong nghề.
Bác sỹ Đào Tuấn - Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì kể lại những câu chuyện hy hữu trong hơn 30 năm trong nghề.

Đối với bác sỹ Đào Tuấn, nghề y có vô vàn áp lực từ xã hội, trách nhiệm cứu chữa người bệnh đặt lên vai đội ngũ bác sỹ, y tá rất lớn. Tuy nhiên với quan điểm “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, mình đang làm việc tốt là động lực giúp cho ông vượt qua mọi khó khăn, vất vả của ngành y mà ông đã lựa chọn.

Để minh chứng điều này, ông kể cho tôi nghe hai câu chuyện thực tế đã gặp trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Bệnh nhân N.T.Xuân (92 tuổi) nằm khoa Hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền - trưởng khoa mời ông tới hội chẩn. Bác bác sỹ chẩn đoán là viêm phúc mạc mật, cần phải mổ cấp cứu ngay. Nhưng gia đình từ chối mổ vì người bệnh đã già, sức khỏe yếu.

Lúc đó, bác sỹ Đào Tuấn giải thích nếu không mổ bệnh nhân chắc chắn chết, tình trạng bệnh này nếu kéo dài sẽ gây sốc nhiễm trùng đường mật và khả năng cứu sống rất mong manh. Sau đó vì lương tâm thầy thuốc ông vẫn quyết tâm giải thích và thuyết phục người nhà của bà cụ.

“Khi mổ ra, nước mật thối, vẩn đục, lấy sỏi mật xong, khi bơm rửa đường mật, tôi phát hiện bệnh nhân bị hoại tử ống mật chủ phía trên, tôi tiến hành khâu đoạn đó, dẫn lưu Kerh, dẫn lưu dưới gan Douglas. Trong 2-3 ngày sau, bệnh nhân vẫn sốt cao, rồi dần ổn định. Ca mổ thành công nhưng đó là ca rất nặng, bản thân tôi thấy nhẹ nhõm khi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện” - bác sỹ Đào Tuấn chia sẻ.

Bác sỹ Đào Tuấn - Nguyên Trưởng khoa điều trị tự nguyện (thứ 2 từ trái sang).
Bác sỹ Đào Tuấn - Nguyên Trưởng khoa điều trị tự nguyện (thứ 2 từ trái sang).

Bác sỹ Đào Tuấn, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì: “Trong ngành y, giao tiếp của bác sỹ đối với bệnh nhân được đưa lên hàng đầu. Theo tôi 70% khiếu nại, kiện cáo của người bệnh, người nhà bệnh nhân là từ tinh thần thái độ của y bác sỹ. Vì vậy người thầy thuốc cần tôn trọng, thương yêu người bệnh. Tôn trọng người bệnh là tôn trọng chính mình, người có tiền hay không có, có người nhà đi cùng hay không mình phải đối xử công bằng”.

Trường hợp thứ 2 mà ông kể gần như chỉ có 10-20% sống sót là một trong những kỷ niệm đặc biệt.

Bệnh nhân Trần Văn H. 32 tuổi, ở Phương Mai, Hà Nội đi đòi nợ và bị đâm vào bụng. Anh H. được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, mạch không, huyết áp không, da trắng nhợt, bụng chướng có ruột lòi ra qua vết thương ở bụng.

Bác sỹ Đào Tuấn trực tiếp mổ kể lại, nếu lúc đó không mổ cấp cứu thì bệnh nhân chắc chắn chết trong thời gian rất ngắn do mất máu quá nhiều. Nhưng nếu mổ không biết liệu có cứu được không vì chưa xác định được tổn thương gì bên trong, nhóm máu và tất cả các xét nghiệm đều chưa tiến hành.

“Người phẫu thuật viên sợ nhất bệnh nhân chết trên bàn mổ. Lúc ấy quyết định mổ hay không rất khó khăn đối với bác sỹ. Mổ mà không tiên lượng được bệnh nhân sống hay chết là áp lực lớn đối với chúng tôi.

Lúc ấy, mẹ và vợ của bệnh nhân H. quỳ lạy, khóc lóc tha thiết xin cứu con, chồng họ. Sau vài phút giải thích cho gia đình, tôi quyết định chuyển ngay sang phòng mổ với hy vọng “còn nước còn tát”, lúc này là ở thế “cưỡi trên lưng hổ” dù chỉ là mong manh giữ cái sống với cái chết, may ra có 10-20% sống sót.

Khi đưa lên bàn mổ, đã có lúc ngừng tim, phải ép tim ngoài lồng ngực, Khi mở bụng chứa đầy máu, phải hút ra khoảng hơn 3 lít. Sau đó, tôi kiểm tra nhanh toàn bộ các tổn thương, rồi lấy pince kẹp tạm thời các mạch máu lại. Có khoảng 7 lỗ thủng mạc treo ruột non đang chảy máu, và 2 lỗ thủng ở ruột, rất may không có tổn thương mạch máu lớn. Chúng tôi chờ để truyền dịch, truyền máu cho bệnh nhân đến khi huyết áp lên mới tiến hành mổ tiếp”, bác sỹ Tuấn nhớ lại.

Ca mổ thành công, bệnh nhân khỏi ra viện, trước lúc mổ người nhà còn nói “nếu phải dùng tượng bằng vàng để cứu được con gia đình cũng làm” và vài tháng sau bệnh nhân đi lại được cứ nằng nặc xin địa chỉ đến chơi, cảm ơn nhưng bác sỹ Đào Tuấn từ chối.

Theo ông, trong quá trình mổ, người phẫu thuật viên phải hoàn toàn tập trung toàn bộ tinh thần dù có mệt mỏi, ốm nhưng chỉ được thở phào nhẹ nhõm sau khi ra khỏi phòng mổ. Đối với những trường hợp khẩn, bác sỹ rất ngại sự cố bệnh nhân chết trên bàn mổ vì lỗi kỹ thuật, xảy ra tai biến, biến chứng trong khi mổ, sau mổ. Vì vậy, áp lực đặt lên đôi tay của bác sỹ là quá lớn. Người thầy thuốc cần có cái đầu tỉnh táo, trái tim “hồng”, đôi chân vững vàng và bàn tay khéo léo.

"Gặp những tình huống khẩn cấp như vậy, người bác sỹ phải thật tỉnh táo tính toán, tiên lượng xem khả năng cứu sống bệnh nhân sau khi mổ là bao nhiêu phần trăm và làm cách nào tốt nhất. Trước lúc mổ, mặc dù người bệnh ít hy vọng, cơ hội sống không có nhiều nhưng khẩn cấp vẫn làm và còn dựa vào trao đổi nguyện vọng với người nhà", Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại