>>>Cụ bà 82 bị con dâu, cháu nội để nằm co quắp giữa trời mưa
Liên quan đến sự việc, cụ Trần Thị T. (82 tuổi, ở Phúc Xá, Hà Nội) phải nằm co quắp ngoài trời mưa nhiều tiếng đồng hồ vì con dâu, cháu nội khóa trái cửa không cho vào nhà, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Như là con gái thứ hai của cụ.
Theo lời chị Như kể, cụ T. có hai người con trai thì một người sống cùng tại số nhà 44, ngõ 2 Phúc Xá, Hà Nội nhưng đã qua đời từ lâu nên hiện cụ sống với con dâu, hai cháu nội. Thời gian vừa qua, do cụ ốm, trong khi con dâu lại bận nhiều việc không thể chăm sóc nên các con đã đưa cụ lên nhà con trai ở gần khu vực chợ hoa Nghi Tàm để chăm sóc.
"Đợt vừa rồi bà bị ngã gãy xương đùi, phải nằm điều trị ở viện Hòe Nhai, tuy nhiên, do bà bị sốt cao nên các bác sỹ bảo phải đưa bà về để chăm sóc. Tối hôm 29/6, chúng tôi đã thông báo với mẹ con chị Bảo (con dâu của cụ T.) về việc sẽ đưa bà về đây để chăm sóc nhưng chị ấy không nói gì.
Đến sáng 30/6, chị gái tôi lại tiếp tục gọi điện báo cho mẹ con chị Bảo là bà đang trên đường về, chuẩn bị dọn dẹp để đón thì ba mẹ con chị ấy khóa cửa, đi luôn và không cho vào, bắt bà phải nằm ở ngoài trời như thế.
Khi đại diện chính quyền xuống làm việc, chúng tôi đề nghị gọi điện cho mẹ con chị Bảo để về mở cửa đưa bà vào thì có nghe máy nhưng bảo là đi vắng, không có nhà. Gọi lúc sáng thì mẹ con chị ấy hẹn chiều rồi chiều gọi thì lại bảo đến lúc nào về họp với chính quyền thì mới cho bà vào.
Thấy bà như thế, một người hàng xóm bên cạnh mới đưa nhà nằm nhưng lúc đấy bà yếu quá mà lại đi vệ sinh liên tục ra hết nhà người ta rồi chúng tôi cũng lo bà có mệnh hệ gì, ảnh hưởng đến gia đình người ta thì không được. Vì thấy, tôi phải mượn tạm chiếc giường gấp để đưa bà ra chỗ nhà nằm và yêu cầu chị Bảo cùng con phải về mở cửa đưa bà vào nhưng không ai chịu về.
Đến chiều tối, khi ba mẹ con chị dâu tôi cố tình không chịu về mở cửa thì đại diện chính quyền đã đến lập biên bản và cùng chúng tôi đập khóa cửa để đưa mẹ tôi vào nhà nghỉ ngơi. Đến 20 giờ tối, các con chị Bảo mới chịu về và ra trụ sở chính quyền để làm việc...", chị Như cho hay.
Khi được hỏi, tại sao, không đưa cụ T. về nhà các con khác ở mà lại để cụ phải chịu cảnh đau xót như vậy, chị Như nghẹn ngào chia sẻ:
"Thực sự là con, ai lại mong muốn mẹ mình phải chịu cảnh như thế này nhưng mảnh đất này là của ông bà đã sử dụng từ năm 1960 đến giờ và vẫn đứng tên chủ sở hữu là mẹ tôi. Thế nên chúng tôi phải đưa bà về đây để chăm sóc và ở đây cũng gần nhà con gái nên có gì có thể chạy qua chạy lại chăm cho mẹ.
Còn anh trai tôi ở chỗ chợ hoa Tứ Liên thì nhà đã khó khăn, giờ vợ đau yếu, con thì nhỏ, lại là lao động chính, phải đi làm suốt ngày nên không có khả năng chăm sóc cho bà được. Con gái như chúng tôi thì còn phụ thuộc nhà chồng mà nhà tôi thì cũng cách đây xa nên chẳng thế làm thế nào hơn.
Mà nhà này cũng là nhà của mẹ tôi, mẹ tôi có quyền ở và đưa bà về đây là đương nhiên, không ai có quyền ngăn cấm cả. Thế nhưng chị dâu tôi lại cho rằng bà muốn đi đâu phải xin phép và khi về phải được sự đồng ý của chị ấy. Chưa kể, mẹ tôi, ở đây với chị ấy nhưng đâu được sung sướng bữa nào, cơm tối thì nhiều hôm 7 giờ - 8 giờ, thậm chí đến 9 giờ mới được ăn. Thử hỏi, chăm nom người già như vậy, có được không...", chị Như chia sẻ.
Chị Như cũng thừa nhận, đây không phải là lần đầu chị dâu, cháu nội không cho cụ T. vào nhà và nguyên nhân một phần dẫn đến sự việc chính là do những mâu thuẫn liên quan đến đất đai trong gia đình.
"Mới năm ngoái đây thôi, chị dâu cùng cháu tôi cũng đã không cho mẹ tôi vào nhà và sau đó chính quyền địa phương cũng đã phải vào cuộc giải quyết. Cứ tưởng rằng, mọi thứ thế là yên ổn vậy mà mọi chuyện lại tiếp diễn như thế này đây.
Nguyên nhân thì đúng là do những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề đất đai nhưng đất này vẫn là tên của bà, vậy mà lại không cho bà vào nhà của bà thì có chấp nhận được không.
Không những thế, hôm qua, lúc ra trụ sở chính quyền họp, các con chị tôi còn nói rằng, nhà này là nhà của mẹ con chị dâu tôi nên chỉ có thể cho bà vào trong nhà còn các con khác đến cho bà ăn xong là phải đi về. Chúng tôi có ý kiến rằng, bà tôi đã già yếu quá rồi, giờ cần lúc nào cũng phải có người túc trực bên cạnh nên chúng tôi sẽ cắt cử người đến trông cả ngày đêm nhưng các con chị tôi không chịu.
Kể cả khi phường có ý kiến không đồng ý với ý kiến của các cháu tôi thì nó vẫn không chịu và nói rằng, không ai được đến ở, để rồi tranh chấp nhà cửa với mẹ con nó.
Ở đây, chúng tôi đâu có nói gì đến tranh chấp mà mẹ tôi ốm đau, gãy chân như thế này, hôm qua còn không mở nổi mắt thì cần phải có người túc trực cả ngày đêm để trông chứ nhỡ bà đi lúc nào mà không biết thì ân hận cả đời.
Thực sự mà nói, gia đình nào cũng có chuyện này, chuyện kia nên chúng tôi cũng không muốn làm to chuyện để mọi người bàn tán làm gì cả nhưng thử hỏi, mẹ con chị dâu tôi đối với bà, một người già cả, ốm yếu nnhư thế này thì mọi người nghĩ sao đây", chị Như bày tỏ.
Cũng theo chị Như, sau buổi họp hòa giải, với ý kiến của phường, đến sáng 1/7, mặc dù, chị dâu và các cháu vẫn tỏ thái độ không bằng lòng nhưng các chị đã cắt cử nhau cùng các con cháu đến chăm sóc, trông nom cụ T.
"Hiện sức khỏe của mẹ tôi đã đỡ hơn so với hôm 30/6 nhưng người già lại ngã gãy xương như thế này thì không ai dám nói trước điều gì cả. Giờ chúng tôi chỉ mong sao, các cấp chính quyền, mọi người có ý kiến để chị dâu cũng như các cháu tôi thay đổi suy nghĩ, chăm sóc, trông nom thật tốt cho bà, để bà sống được ngày nào thì vui vẻ, hạnh phúc ngày đấy..." chị Như tâm sự.
Ngay sau cuộc trò chuyện với chị Như, chúng tôi đã gặp anh Long (cháu nội của cụ T.), tuy nhiên, anh này cho biết, do đang phải suy nghĩ quá nhiều việc nên sẽ trao đổi sau về những gì đã diễn ra với bà nội mình trong ngày 30/6.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc đến bạn đọc...