Khi cánh cửa phòng 510 ở khu chung cư phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội mở ra, trước mắt tôi là người phụ nữ ngoài 60 tuổi, mái tóc pha sương. Một mình bà sống trong căn hộ ấy, căn phòng mà mở cửa sổ nhìn ra là có thể thấy được phòng của vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Nghĩa và chị Lê Thị Mùi, nơi có 4 người đầu trọc đang sinh sống. Đó là bà Minh, mẹ của anh Nghĩa. Chồng bà đã mất gần hai tháng nay.
Cũng như rất nhiều người mẹ khác, khi nhắc tới đứa con mình đứt ruột đẻ ra nhưng lại chịu những “trò đùa” của số phận khiến nửa tỉnh, nửa mê, bà cũng chỉ biết dùng hai từ “bất lực” kèm theo những cái lắc đầu và tiếng thở dài. Bà đã khóc khi nhắc tới cuộc sống không theo nguyên tắc của gia đình con trai. Và cảnh hai đứa trẻ vô tình bị tách biệt khỏi chúng bạn cũng chỉ bởi nguyên tắc sống “dị” và cái đầu trọc ấy của bố mẹ chúng.
Bà Minh, mẹ của anh Nguyễn Tuấn Nghĩa.
Mặc dù Trần Văn Phả không phải là cháu ruột của mình nhưng bà vẫn dành cho Phả tình thương của “bà nội". Việc đi học của Phả và bé Đức Hạnh đã khiến bà Minh mệt mỏi. Bởi lẽ, bà sẽ là người đứng ra lo toan việc học cho các cháu, còn vợ chồng anh Nghĩa, chị Mùi chỉ đưa con đi học và đón con về.
“Có hôm, gia đình nó đi suốt đêm ra cầu Long Biên, 5h sáng mới về rồi ngủ cả ngày. Có lúc 10h sáng mới thức dậy… Giờ giấc sinh hoạt không theo quy chuẩn nào, mà nói vợ chồng nó lại không nghe thì sao tôi có thể can thiệp được. Mới sáng nay, cái Mùi sang xin gạo về nấu ăn, vẫn quần cộc và áo ngắn mặc dù trời se lạnh”, bà Minh buồn rầu.
Rồi bà đưa mắt nhìn nhanh ra phía cửa sổ khi thấy căn phòng của con trai vẫn tối đèn, bà cúi đầu để mặc những giọt nước mắt cứ rơi: “Giờ này chúng nó cũng đã về đâu. “Dao sắc không gọt được chuôi”, thằng Nghĩa không phá phách gì, nó theo Phật tĩnh tâm là tốt nhưng nó luôn nghĩ nó đúng nên tôi và cả ông Sự - tổ trưởng tổ dân phố hay các em của nó cũng góp ý nhiều rồi mà không được. Quan trọng là nếp sống của vợ chồng nó không như người bình thường”.
Hai cái "đầu trọc" đang lúi húi lấy giầy dép từ trong giá ra.
Rồi, bà Minh kể tôi nghe câu chuyện về đứa con trai duy nhất của mình từ những ngày anh Nghĩa còn thơ bé. Từ năm 11 tuổi là lúc bị tai nạn cho tới khi 20, anh Nghĩa không có biểu hiện gì bất thường. Chỉ tới sau này, trong một lần bị ngã anh đã bị ảnh hưởng tới não. Gia đình cũng đã từng cho anh đi bệnh viện tâm thần, rồi chuyển nhà xuống dưới Hà Đông cũng vì muốn tách anh khỏi chị Mùi. Nhưng dường như, hai số phận ấy sinh ra là để gắn bó với nhau nên sau khi trở lại cuộc sống “hoang dã” nơi cầu Long Biên cùng đứa con trai, chị Mùi vẫn tìm thấy anh Nghĩa. Họ lại về với nhau dưới cùng một mái nhà để tạo lập cuộc sống rất riêng của bốn người… "đầu trọc". Và có lẽ, anh Nghĩa là người duy nhất mà chị Mùi nghe lời.
Bà Minh không nhớ nổi đã bao lần bà nuốt nước mắt vào trong khi nhìn thấy con cháu mình cứ lang thang ngoài đường xin ăn, rồi đi tới đâu mọi người cũng bàn tán… Bà chấp nhận cuộc sống hiện tại của con trai bởi lẽ bà “bất lực” trước cuộc sống không có kỉ luật ấy.
Bé Đức Hạnh năm nay đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa một ngày được tới trường. Bé rất hiếu động.
Trong câu chuyện của mình, bà Minh không quên kể tôi nghe những tính tốt của con trai. Nghĩa sống rất có tâm và là công dân ngoan của khu phố. Quần áo mọi người cho không mặc tới, anh cũng mang cho người khác. Nghĩa còn dặn chị Mùi mỗi ngày dành ra 8.000 đồng để cuối tháng cho một người bạn hiện đang trải qua những tháng ngày sống nghèo khó. Đi ra ngoài là Nghĩa khóa trái cửa, khóa bình ga lại rất cẩn thận để tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.
Trước khi chia tay tôi, bà Minh khẽ cười và nói: “Tôi giờ không chuyển hóa nổi con nữa vì nó cũng 40 tuổi rồi không còn là đứa trẻ thơ. Tôi cũng không lo các con của nó đói khát hay mù chữ mà chỉ lo chúng nó khó hòa đồng vì chính bởi cái đầu trọc và không có được trình độ kiến thức cao. Bởi, Phả cũng được cho sách vở để tự học ở nhà nhưng cũng chỉ là tự học và bố nó dạy. Tôi mong mọi người có thể từ từ khuyên bảo, tác động để vợ chồng nó thay đổi cách nghĩ, nghĩ về tương lai các con”.
Trở lại câu chuyện của vợ chồng anh Nghĩa, chị Mùi và hai đứa con, cái ước mơ của chị Mùi khiến câu chuyện về những bức ảnh mà Justin Maxon (còn gọi là Max Điên, sinh viên khoa Nhiếp ảnh ĐH San Francisco, California, Hoa Kỳ) thực hiện năm 2007 về mẹ con chị Mùi như được tái hiện lại: Mong muốn có được chỗ dựa như anh Nghĩa – một người chồng trẻ, khỏe.
Ba bố con anh Nghĩa trong căn nhà đầy rẫy tranh ảnh, đồ phế thải anh sưu tầm.
Và, anh Nghĩa cũng ước, ước vợ mình được bình thường trong suy nghĩ như bao người khác. Nhưng rồi anh chỉ cười: “Điều ấy khó lắm vì Mùi giờ sức khỏe yếu lại mắc chứng bệnh hoang tưởng”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ rằng mình cũng có lỗi với đấng sinh thành và khiến mẹ phải buồn lòng. Anh biết mẹ anh cũng mong muốn con mình sẽ không hư hỏng, sống phóng khoáng như một lớp thanh niên hiện nay. Nhưng rồi, anh cho đó là cái "nghiệp" nên khó tránh được. Còn tương lai các con, anh Nghĩa cũng không muốn con sẽ giống như mình nhưng anh sẽ dạy con theo cách của riêng.
Chia tay ngôi nhà với bừa bộn giấy, rác, cây cảnh… nơi có 4 người đầu trọc đang sinh sống, tôi chợt nghĩ: “Cuộc sống không lấy đi của ai bất kì điều gì” và hi vọng, bé Phả và Đức Hạnh sẽ được tới trường, được trải qua tuổi thơ với những tháng ngày đầy ắp kỉ niệm vui.