“Nó mất rồi, về làm gì nữa”
Những ngày giáp Tết Ất Mùi, tôi có cơ hội cùng Nhà sách Đông Tây (đơn vị xuất bản tập thơ của chị) về Châu Sơn (Ba Vì) gửi gia đình chị Nguyễn Châu Loan nhuận bút cùng những tập thơ Hoa đời vừa được xuất bản.
Mẹ chị Loan chống gậy nhấc từng bước đi lại trong nhà chậm rãi, thấy chúng tôi đến nói chuyện về tập thơ, bà nói : “Em nó mất rồi các cháu về làm gì nữa”.
Nói đến đây mắt bà lại chảy nước mắt, bà khóc nấc lên gọi tên con gái:
“Loan ơi, mẹ nhớ con lắm! Trước lúc chết nó còn bảo tôi: Mẹ ơi, con khổ quá!”.
Mẹ chị Loan khóc nhớ gọi tên con.
Dòng ký ức về cô con gái thân thương ùa về. Bà kể: “Nó (chị Loan- PV) thông minh, học giỏi lắm! Ngày học đại học nó khỏe và nặng 45kg, ấy thế mà…
Còn thằng Vượng (chồng chị Loan –PV) đèo con Loan về thăm tôi suốt, giỗ Tết hai vợ chồng đều về. Nhưng giờ cả hai đứa nó đi rồi!”.
Anh Nguyễn Hải Châu (anh trai của chị Châu Loan) tâm sự rằng năm nay bà 75 tuổi, từ ngày Loan ra đi, mẹ anh yếu đi. Bà mắc căn bệnh nhồi máu não từ năm 2012, vừa qua bà bị tai biến nên lúc nhớ lúc quên.
“Nhưng mỗi lần nhắc đến tên Loan bà lại nhớ, lại khóc”, anh Châu nói.
Trong ký ức của người anh trai thì em gái Châu Loan là người nghị lực và tự lập – đó là điều mà anh Châu khâm phục nhất ở cô.
12 năm chị chống chọi với bệnh thận chị Loan luôn kiên cường, lạc quan. Mặc dù đau đớn trên giường bệnh nhưng chị vẫn làm việc.
Thậm chí ngày 28/11/2014 (2 tháng trước khi chị ra đi) chị vẫn bắt anh Châu bật máy tính để làm nốt báo cáo tài chính cho công ty.
“Sức khỏe lúc ấy của Loan kiệt quệ lắm rồi. Chúng tôi đều can không cho em làm việc nhưng Loan nói: “Em sẽ không làm việc khi nào không thể ngồi dậy được nữa. Nếu còn sống thì còn làm việc”.
Ngày 16/12/2014 vào lần điều trị cuối cùng 11 ngày dưới Bệnh viện Xanh Pôn, Loan vẫn “đòi” làm việc nốt nhưng chưa xong thì Loan đã đi rồi…”, anh Châu nhớ lại.
Năm 2012, chị Loan bị ngã xe máy ngoài ngõ khi tránh ô tô lùi, chân chị yếu do loãng xương nên khi chống xuống, đầu gối của chị vỡ đôi.
Theo lời kể của anh Châu thì chị rất kiên cường, sau khi làm phẫu thuật khoan đưa dây thép buộc vào đầu gối bác sỹ nói phải sau 1 năm mới đi lại được.
“Nhưng Loan chỉ sau 3 tháng đã đứng dậy đi lại. 1 tháng tôi trông nom Loan dưới bệnh viện Bạch Mai nhưng thấy hàng ngày nó tập tự co, bó gối duỗi ra.
Và sau 3 tháng Loan đòi tôi đưa nạng để tập đi mà không cần ai dìu”, anh Châu nhớ lại.
Trong mắt của anh Châu thì Loan còn là người có tính cách mạnh mẽ. Hồi ức về cô em gái nhỏ bé khóc liền 2 tháng cương quyết “đòi” bố cho đi ôn thi đại học không thể nào quên.
Anh nói, năm đầu tiên Loan thi đại học nhưng không đủ điểm, còn trung cấp sư phạm thì đỗ thủ khoa. Vì bố mẹ đều là giáo viên nên khuyên bảo Loan học tạm trường này nhưng nó nằng nặc không chịu.
“Loan cương quyết không đi học và khóc liền hai tháng để xin bố tôi ôn thi đại học để năm sau thi tiếp”, anh Châu nhắc lại.
Tâm nguyện cuối cùng đã thực hiện được
Nhìn lên bàn thờ của em, anh Châu buồn rầu tâm sự rằng cả gia đình và bản thân Loan đã xác định Loan sống được ngày nào hay ngày ấy.
Chị Loan từng nói với anh Châu rằng: “Thực ra nếu so sánh với người bình thường là bất hạnh nhưng so sánh với người bệnh như vậy mình là người hạnh phúc”.
Nhìn em gái chống chọi với đau đớn hành hạ những ngày cuối đời, anh Châu biết cuộc sống của em mình không thể kéo dài thêm được nữa.
“Lục phủ ngũ tạng đã hỏng hết, trước 2 ngày Loan mất tôi có đưa Loan đi chạy thận nhưng chẳng cải thiện được vì Loan không còn sức.
Chạy khoảng 1 tiếng, tăng tốc độ lên 200 thì huyết áp của Loan tụt xuống còn 60,90 lại phải dừng máy.
Đến ngày thứ 3 bác sỹ nói với tôi rằng tình trạng của Loan đã suy kiệt rồi, chạy cũng không giải quyết được gì nữa. Nếu bệnh nhân có yếu đi thì không nên đưa xuống dưới này nữa”, anh Châu kể lại.
Hình ảnh chị Loan những ngày cuối cùng trong viện.
Dâng lên bàn thờ chị Loan những tập thơ đã được xuất bản, anh Đặng Thiên Sơn – người cầm bàn thảo từ tay chị Loan trong bệnh viện và biên tập bản thảo thơ Hoa đời nói:
“Chúng tôi đã rất cố gắng để xuất bản tập thơ trong 10 ngày sau khi nhận bản thảo nhưng có vài trục trặc việc xin giấy phép, khâu in ấn nên sau 3 tháng mới xong.
Đó là điều đáng tiếc! Chúng tôi còn dự định tổ chức buổi họp báo ra mắt tập thơ khi chị còn sống nhưng…”, anh Sơn nói.
Anh trai của chị Loan kể rằng, trong quá trình sáng tác thơ, chị có trao đổi bản thảo viết tay và đưa anh góp ý.
Trong hơn 100 bài của chị Loan, anh Châu thích nhất bài: “Nhớ bố” (tên đầu tiên là Vĩnh biệt bố) được viết tháng 6/2009 khi bố chị vừa mất.
Cách đây 1 tháng khi nhận được hợp đồng và bản thảo cuối cùng trước khi in, chị Loan vui lắm.
“Loan kêu mệt nên nhờ tôi đọc nội dung để nghe. Loan nói với tôi sau khi tập thơ được phát hành thì giúp Loan đem tặng cho những người bạn học của cô ấy.
Tập thơ Hoa đời phát hành là đã thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Loan. Đó là điều đáng trân trọng.
Còn số tiền nhuận bút 2 triệu đồng, chúng tôi sẽ dùng để khuyến khích việc học của các cháu trong dòng họ - đây là điều mà Loan đau đáu khi còn sống”, anh Châu chia sẻ.
Câu chuyện tình yêu trong đám cưới cổ tích của cô gái suy thận Nguyễn Châu Loan với anh Nguyễn Văn Vượng đã lấy đi nhiều nước mắt dư luận.
Tưởng chừng câu chuyện cổ tích sẽ còn mãi nhưng…anh Vượng (chồng chị) đã ra đi mãi vào tháng 11/2014. Còn lại một mình chị đau đớn về cả thể xác và mất mát về tinh thần.
Sau 3 tháng dài chiến đấu với bệnh tật, chị Loan đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 22h47 ngày 22/1/2015, hưởng dương 38 tuổi, đóng lại những ngày tháng khổ đau trên trần thế.
Một trong những bài thơ đậm chất “tình” của chị Nguyễn Châu Loan:
Ánh sáng đời em
Đi gần hết quãng đời tăm tối
Chợt lóe lên ánh sáng cuối đường hầm
Ánh sáng của tình yêu và hy vọng
Anh là ánh sáng của đời em
Lẫn lộn giữa cái trắng và đen
Dẫu có lúc em không nhìn thấy anh trong đó
Thì xin anh cũng đừng trách cứ
Bởi thực hư đâu có được rõ ràng
Trái tim băng giá của em đã tan ra
Khi ngọn lửa tình yêu anh dữ dội
Em hòa mình trong muôn trùng sóng vỗ
Mênh mông biển cả tình yêu
Những ngày này sẽ kéo dài bao nhiêu
Khi cuộc đời em sắp hết
Duy chỉ có một tình yêu không có hồi kết thúc
Như bao la trời đất khôn cùng
Viết cho anh trong một đêm đông
Mà ấm lòng khi xa cách
Ngủ nhé anh ơi đừng thức giấc
Mơ hồng những giấc mơ say.