Lý do Bí thư Đinh La Thăng gợi ý mời "bầu" Đức dạy trường cán bộ?

Nguyễn Cường |

Ngày 4/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Học viện cán bộ TP.HCM. Điều khiến nhiều người bất ngờ là trước khi đi vào hội trường ông Thăng đã đến thẳng các lớp học và trò chuyện với một số học viên tại đây.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nhấn mạnh với lãnh đạo Học viện rằng đây phải là nơi đào tạo cán bộ để tham gia quản lý TP chứ không nên sa đà vào những ngành nghề mà các trường khác cũng đào tạo được.

“Như anh Ngân (ông Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện) nói thì cử nhân chính trị những trường khác cũng đào tạo được hết….

Vậy nếu chúng ta lại đi vào đào tạo chính trị, đào tạo sau đại học của các ngành nghề khác thì có phải là học viện cán bộ không?” – ông Thăng đặt câu hỏi.

Ông Thăng cho rằng Học viện cán bộ TP.HCM đã tham gia vào chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho 7 chương trình đột phá của TP thì “không thể không tham gia đào tạo đội ngũ doanh nhân giỏi, lớn mạnh, đặc biệt về khả năng dự báo, đánh giá thị trường, quản trị doanh nghiệp.

Theo ông Thăng, nếu Học viện đào tạo được những lãnh đạo giỏi, cá nhân xuất sắc thì sẽ mặc nhiên xây dựng được thương hiệu cho trường và từ đó cả nước sẽ tìm đến để học chứ không phải chỉ có TP.HCM.

Tuy nhiên ông Thăng cũng cảnh báo hiện nay có tình trạng học không phải xuất phát từ nhu cầu quản lý, nâng cao trình độ mà vì còn thiếu bằng cấp nên phải bổ sung.

Do vậy Học viện phải xem lại nếu không sẽ thành xu hướng học cho đầy đủ bằng cấp.

“Tôi cần là phải đánh giá được ông này có năng lực gì, ưu điểm gì, có bổ nhiệm được không, tại sao bổ nhiệm…” – ông Thăng đưa ra một loạt tiêu chuẩn “sát sườn” và cho biết không quan tâm đến bằng cấp.

Tiếp tục đề cập đến năng lực của người cán bộ, ông Thăng nhấn mạnh rằng Học viện phải đào tạo ra những cán bộ “dám xả thân vì công việc, tận hiến vì nhân dân”.

“Bây giờ phải đào tạo những lớp cán bộ kỹ trị và những lớp cán bộ này ngày càng phải đưa vào hệ thống lãnh đạo chính quyền từ cấp phường, xã trở lên.

Kỹ trị là không có lý luận xa vời gì cả, đi vào thực tế, đưa ra quyết định bằng các giải pháp công nghệ, các chứng cứ khoa học chứ không phải bằng ý chí chính trị” – ông Thăng cho hay.

Để làm được điều này, theo ông Thăng phải đưa được đội ngũ trí thức có kiến thức rộng, có kinh nghiệm thực tế kể cả ở nước ngoài về giảng dạy.

“Những cán bộ đang quản lý hiện nay cũng đưa vào giảng dạy, có thể kiến thức không chuẩn lắm, không giỏi như các thầy nhưng lại mang hơi thở thực tế của cuộc sống vào bài giảng và học sinh sẽ thích hơn, từ đó đào tạo ra một lớp cán bộ hết sức thực tiễn, không lý luận xa vời” – ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng còn đề nghị Học viện phải đổi mới giáo trình gắn với thực tế của TP.HCM và mời các doanh nhân giỏi đến dạy.

Đó có thể là bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (ông Đoàn Nguyên Đức), ông Võ Quốc Thắng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm)... chứ không nhất thiết phải giáo sư, tiến sĩ siêu phàm.

- "Một người biết lo bằng cả kho người biết làm, một cán bộ giỏi được đưa vào hệ thống quản lý sẽ có hiệu quả rất nhiều so với đào tạo một anh cử nhân chính trị để đưa vào làm”.

- “Tại sao TP này có công nghệ, có đội ngũ trí thức như vậy mà mỗi lần đánh giá các chỉ số về công nghệ, chỉ số cải cách hành chính chúng ta lại thua các tỉnh khác? Những chỉ số này thua là do cán bộ chứ không thể là dân được”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại