>> Các bài trước: Lương y Phùng Tuấn Giang: "Tôi đã chữa hơn 5.000 người ung thư"
>> Bệnh viện trả về chờ chết, bệnh nhân ung thư phục hồi khó tin?
>> "Đề nghị trao giải Nobel cho lương y chữa 5.000 ca ung thư"
>> Lương y chữa hơn 5.000 ca ung thư: Chủ tịch Hội Đông y lên tiếng
Mục đích của lương y Giang là kéo dài sự sống cho người bệnh
Liên quan tới câu chuyện lương y Phùng Tuấn Giang đã chữa hơn 5.000 người ung thư, nhiều người thắc mắc, liệu cơ sở của vị lương y này được cấp phép hành nghề hay chưa và có được cấp chữa bệnh ung thư hay không?
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, cơ sở Thọ Xuân Đường của Lương y Phùng Tuấn Giang đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động vào ngày 15/8/2012.
Cụ thể, bà Hà nói: “Cơ sở này đã được Sở Y tế tổ chức thẩm định và cấp phép theo quy định của Thông tư 41 của Bộ Y tế. Phạm vi hoạt động chuyên môn là xem mạch, kê đơn bốc thuốc, bấm huyệt”.
Hiện nay, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Thọ Xuân Đường có hai cơ sở, đó là ở Thường Tín (Hà Nội) và đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội).
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, Sở đã giao cho Phòng Y tế quận Thanh Xuân kiểm tra cơ sở hành nghề của lương y Giang và có báo cáo kết quả lên Sở.
Theo đó, sáng 6/5, bác sỹ Vũ Thị Kim Thu – Trưởng phòng Y tế quận Thanh xuân đã gửi báo cáo lên Sở Y tế Hà Nội về kết quả kiểm tra tại cơ sở Thọ Xuân Đường cũng như biên bản làm việc sau khi mời lương y Giang trực tiếp lên làm việc tại Phòng Y tế quận.
Giấy phép hoạt động của cơ sở y tế Thọ Xuân Đường.
Chia sẻ với phóng viên, bà Thu nói:
“Lương y Phùng Tuấn Giang cũng giải thích cơ sở của ông ấy là Đông y gia truyền lâu đời và ông ấy đã từng chữa cho 5.000 – 6.000 người các loại bệnh và trong đó có bệnh ung thư.
Thực tế, mục đích của họ là hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe để kéo dài sự sống cho bệnh nhân chứ không phải khỏi hoàn toàn.
Mọi giải thích của ông Giang chúng tôi đều viết hết lên văn bản và gửi Sở Y tế. Chúng tôi cũng cho phô tô lại sổ sách lưu bệnh nhân tại đây”.
Cũng theo bà Thu, hoạt động của cơ sở Thọ Xuân Đường rất đúng quy định và đúng phạm vi cho phép.
Bản thân ông Giang mới chuyển về đây hành nghề được khoảng 4 – 5 năm và rất được lòng người dân xung quanh, thậm chí vị lương y này còn có nhiều việc làm thiết thực giúp dân nên ai cũng quý.
“Người bệnh thường có tâm lý, chữa chán khắp nơi mới quay lại “nơi mình không nhìn đến”.
Có nhiều khi bệnh nhân bị bệnh viện trả về, người nhà “còn nước còn tát” đưa tới chỗ thầy lang lại có hiệu quả kéo dài sự sống thêm vài tháng thậm chí là vài ba năm.
Đó là cũng tùy từng trường hợp chứ không phải chữa khỏi hoàn toàn” – bà Thu chia sẻ thêm.
Không ai cấp giấy phép hành nghề chữa bệnh ung thư
Cùng trao đổi câu chuyện chữa bệnh ung thư của lương y Phùng Tuấn Giang, Th.S Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết:
Trong ngày hôm nay (6/5), Cục sẽ có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở Thọ Xuân Đường để có kết quả gửi Bộ Y tế.
Đồng thời phía Th.S Sơn cũng đã trao đổi với Hội Đông Y TP. Hà Nội kiểm tra và khẳng định lương y Giang có chứng chỉ hành nghề.
“Không có ai cấp giấy phép hành nghề chữa bệnh ung thư mà là khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Chỉ có phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư có tác dụng nâng cao thể trạng tăng cường miễn dịch, giải độc để hạn chế tác dụng của xạ và hóa trị liệu chứ chưa có bài thuốc nào là điều trị ung thư” – Th.S Sơn nói.
Cũng theo vị Phó Cục trưởng này, những thông tin vừa qua về lương y Giang có định hướng xã hội, ảnh hưởng tới người dân.
Bởi lẽ, các bệnh nhân bị ung thư đang điều trị các nơi giờ họ lại quay về điều trị tại cơ sở của lương y Giang. Nhưng thực tế hiệu quả có được như thế không?
“Chưa có công trình nào nghiên cứu để chứng minh các bài thuốc đó có thể chữa được ung thư.
Trong quá trình chữa bệnh, chúng tôi cũng khuyên người bệnh nên tới các cơ sở y tế và có thể kết hợp với Đông y để tăng cường miễn dịch” – Th.S Sơn khẳng định.
Quy định của Thông tư 41 của Bộ Y tế
Theo Điều 26 quy định các điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền của Thông tư 41 của Bộ Y tế:
Phạm vi hoạt động chuyên môn:
a) Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (dùng thuốc và không dùng thuốc);
b) Được sử dụng các thành phẩm thuốc y học cổ truyền do các cơ sở khác sản xuất đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành để phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh;
c) Bào chế thuốc sống thành thuốc chín (thuốc phiến), cân thuốc thang cho người bệnh;
d) Người hành nghề bằng bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền chỉ được khám, chữa bệnh bằng chính bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp gia truyền đó;
đ) Trong trường hợp có sản xuất một số dạng đóng gói sẵn để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị (cao, đơn, hoàn, tán hoặc các dạng khác) thì phải đăng ký với Sở Y tế tỉnh về công thức bài thuốc, quy trình sản xuất (kèm theo bản giải trình về cơ sở vật chất, thiết bị), công dụng, liều dùng, chống chỉ định và mẫu nhãn thuốc.
Sở Y tế tỉnh sẽ xem xét thẩm định và công nhận đủ điều kiện thì mới được sản xuất. Thuốc chỉ để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị, không lưu hành trên thị trường theo đúng quy định của Luật Dược.
>> Đoàn Chữ thập đỏ ở động đất Nepal: Anh hùng và công dân hạng ba
>> Tiết lộ về đại gia "dát" vàng đầy người gây náo loạn Vincom