Ngày 16/4, đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến của các cơ quan ban ngành về dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, luật hiện hành có quá nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống. Nói như ĐBQH Võ Thị Dung, việc sửa luật lần này cần tăng cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí.
Có khi nói dối để mua xe công
Thẳng thắn nhìn nhận hiện nay còn quá nhiều vấn đề gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong chi tiêu công, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng, luật hiện hành không có nhiều ý nghĩa vì mới chỉ mang tính kêu gọi chứ chưa có chế tài xử lý, không có biện pháp gì để buộc người ta phải tiết kiệm.
Cụ thể, trong vấn đề sử dụng xe công, ông Lịch cho rằng, cán bộ sử dụng xe nhà nước vào việc riêng rất nhiều. “Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa”, ông Lịch nói.
Ông đưa ra ví dụ, lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần. Đó là những chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm…
Trong khi đó, một lần ông Lịch đi công tác ở Bắc Âu, thấy một nữ nghị sĩ rất nổi tiếng đạp xe đạp đi họp. “Ở các nước này, người ta đưa tiền lương để họ tự chi hết. Ở ta, chi phí cho xe công trừ vào tiền lương được không?”, ông đặt vấn đề.
“Tất cả những cái này đều giải quyết được nếu hy sinh lợi ích cá nhân. Như Văn phòng QH cũng có vị đề nghị phát 7,5 triệu đồng mỗi tháng thì không lấy xe, tự đi đến nơi làm việc bằng phương tiện của mình. Rõ ràng, ngân sách tiết kiệm được”, ông Lịch nói.
Đồng quan điểm với ĐB Lịch, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan cho biết, có khi phải nói dối để mua xe công, đó là một việc gây lãng phí vì luật quy định định mức đã lạc hậu.
“Gần đây, có chuyện mua một cái xe công tác với định mức qui định là 720 triệu đồng. Nhưng thực tế, không thể mua được cái xe nào có giá 720 triệu, xe 4 chỗ đời thấp nhất cũng không có xe nào có giá rẻ thế. Định mức như thế buộc người ta phải nói dối để mua được xe”, bà Lan nói.
Theo bà, quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ là căn cứ để thực hiện chống lãng phí. Nhưng hiện nay, định mức của mình rất lạc hậu, có những cái chậm sửa đổi. “Không phải chỉ chuyện cái xe mà nhiều vấn đề buộc người ta phải nói dối.
Ví dụ, hội nghị có 50 người, người ta phải kê lên là 80 người, có như thế mới đủ định mức kinh phí. Phải sửa đổi, bổ sung kịp thời chứ không tự mình kéo nhau nói dóc với nhau rồi cũng quyết toán được. Bất hợp lý quá”, bà Lan đề nghị.
Do đó, vị Giám đốc Sở Tài chính kiến nghị, cần sửa đổi luật theo hướng cụ thể hơn, thực tế và thực chất hơn.
Lên sếp, sửa phòng làm việc theo phong thủy
Các đại biểu cho rằng, để xảy ra lãng phí do lỗi của người đứng đầu. Do đó, lần sửa đổi này, luật cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí xử lý hình sự.
Ông Trần Sỹ Quang - phòng Pháp chế Công an TP. HCM đề nghị, thêm quy định “công khai kết quả xử lý” người đứng đầu do để xảy ra lãng phí vào khoản 2 điều 10.
“Vì trong thực tế, nhiều trường hợp một số cơ quan phát hiện lãng phí trong quản lý tài sản nhưng người đứng đầu chỉ bị xử lý nội bộ một cách nhẹ nhàng để bảo vệ thành tích của đơn vị. Thậm chí, có những trường hợp có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nên chỉ xử lý qua loa, đại khái không đủ sức răn đe, không thu hồi được tài sản bị thất thoát”, ông Quang khẳng định.
Tại khoản 1 điều 21, ông cũng đề nghị bổ sung trường hợp “sửa chữa trụ sở, phòng làm việc”. “Vì trong thực tế đã xảy ra, khi một giám đốc được đề bạt lại có chuyện sửa chữa phòng làm việc, xây lại cổng cơ quan theo phong thủy tuổi của ông ta. Điều này gây ra rất nhiều lãng phí tiền bạc của Nhà nước”, ông nói.
Một số đại biểu khác thì kiến nghị đưa qui định trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng lãng phí vào một chương riêng để có chế tài xử lý đủ mạnh.