Bộ trưởng Tiến cũng không ngại mổ xẻ tình trạng này. "Nhận phong bì, đối với y tế, dù là nhân viên hành chính vẫn là khó chấp nhận. Tôi đi tiếp xúc cử tri nhiều người phàn nàn, không có phong bì, mặt lạnh như tiền", bà Tiến nói.
Bà Bộ trưởng cho biết, chính bà cũng thử xếp hàng nộp sổ khám bệnh, ghi nhận tình trạng, bệnh nhân nào có phong bì 50.000 thì được vào trước, không có phong bì thì phải chờ đợi rất lâu. Phong bì đi liền với thái độ, có phong bì thì tiêm nhẹ tay, không có thì tiêm thật đau.
Nhưng theo bà Tiến, thái độ cáu gắt, thậm chí quát mắng người bệnh của nhân viên hành chính, người hướng dẫn tiêm ngừa, thay băng… đến y, bác sĩ là quen trong thời kỳ bao cấp.
Bộ trưởng Tiến thừa nhận có tình trạng "Không có phong bì, mặt lạnh như tiền"
Ngoài nhận phong bì trực tiếp, bà Tiến cũng nêu tình trạng "thầy thuốc nhận tiền các hãng dược kê toa thuốc không cần thiết, thuốc biệt dược".
Theo bà Tiến, nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là những khó khăn về vật chất, lương y, bác sĩ quá thấp. Nhiều y, bác sĩ các bệnh viện tuyến huyện, xã, vừa làm bác sĩ vừa phải về làm ruộng. Có nơi cơ sở rất chật chội, phòng có mấy m2 mà tất cả y, bác sĩ phải ở chung, muốn tách phòng bác sĩ nam bác sĩ nữ cũng không đủ điều kiện.
Bà Tiến lấy minh chứng, bệnh viện Việt - Pháp và bệnh viện Bạch Mai chỉ cách nhau một bức tường, nhưng bệnh viện Việt - Pháp thì không bao giờ có chuyện nhận, đưa phong bì, trong khi bệnh viện Bạch Mai thì tốn không biết bao nhiêu công sức để chống.
Tuy nhiên, theo bà Tiến, những hiện tượng này chỉ là những "con sầu làm rầu nồi canh", còn nhiều những gương tốt, hy sinh vì công việc nhưng không được phản ánh kịp thời.
Theo bà Tiến, để chống lại nạn phong bì trong ngành y, Bộ Y tế đã phát động nhiều phong trào, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để ngăn ngừa. Nhiều biện pháp hành chính mạnh cũng đã được áp dụng như ở bệnh viện Việt - Đức nếu y, bác sĩ bị phát hiện nhận phong bì thì có thể đuổi việc. Nhưng biện pháp căn cơ hơn, theo bà Tiến là cần giảm tải bệnh viện, đưa cơ cấu giá thành dịch vụ vào tiền lương, phụ cấp để giải quyết vấn đề y đức.
Về tai biến về sản khoa là tình trạng phổ biến, kể cả ở những nước phát triển có trang thiết bị tốt, đội ngũ trang thiết bị tốt. Riêng ở Việt Nam, năm qua số thai phụ tử vong năm qua tăng lên tăng hơn năm trước. Theo Bộ trưởng Tiến là do số lượng sinh đã tăng hơn 15%, tương đương 100.000 ca, do tâm lý nhiều người thích sinh con vào năm Nhâm Thìn.
Ngoài ra còn có nguyên nhân gián tiếp như thai phụ chửa cửa mả, bị bệnh tim, viêm gan… nên khi vào sinh bình thường cũng có thể xảy ra tai biến. Còn các nguyên nhân trực tiếp như vỡ tử cung thì có phần sai sót chuyên môn. Tất cả các trường hợp tai biến đều được chỉ đạo thành lập hội đồng xử lý đúng quy trình, quy định.