Phát biểu tại cuộc họp, nhiều Doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại bến Mỹ Đình tỏ ra bức xúc và không đồng tình với kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT. Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Cty Vận tải Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cho biết, là một trong những DN đầu tiên vào bến Mỹ Đình khi bến mới đi vào hoạt động, xe của ông mất từ 1 đến 2 năm chạy không.
Đến nay, hoạt động mới tạm ổn, bây giờ Sở GTVT Hà Nội bất ngờ đưa ra kế hoạch chuyển toàn bộ số xe của DN về bến Yên Nghĩa là dồn DN vào thế chân tường. “Ngoài ra, vào nội đô khó khăn, bến Yên Nghĩa đang có hàng chục tuyến xe chạy Hòa Bình, nếu chuyển đến DN đồng nghĩa với việc chạy chồng chéo, đổ vỡ”, ông lo lắng.
Ông Cường cũng cho hay, theo văn bản UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nạn bến cóc, xe dù và lộn xộn tại bến Mỹ Đình đã cơ bản được giải quyết, ngay cả những ngày thi ĐH-CĐ diễn ra, bến vẫn hoạt động ổn định. Do vậy, Sở GTVT cần xem lại kế hoạch điều chuyển.
Ông Trần Hữu Quảng, đại diện DN vận tải Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) cũng nêu ý kiến, trước mắt chưa mở rộng được bến, thay vì điều chuyển đề nghị giảm tải tất cả các đầu xe vào bến Mỹ Đình. Cụ thể, mỗi đầu xe nên hạ tần suất hoạt động trên tuyến, trong tháng. Ví dụ bến có 1.600 xe cần giảm đi 20% tất cả lượt tuyến. Với mỗi xe đang chạy 30 chuyến/ngày, bây giờ giảm xuống 26 lượt/ngày (tương đương 20%).
Bà Phùng Thị Thơm, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thanh Hoa đưa ra ý kiến, nếu Sở GTVT vẫn thực hiện kế hoạch trên thì ít nhất cho DN từ 1 đến 2 năm để có lộ trình chuẩn bị. Ông Đinh Quang Thắng. Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu - Du lịch Anh Thắng muốn việc điều chuyển này phải được UBND TP đứng ra tổ chức và lấy ý kiến rộng rãi DN rồi mới quyết định. Đến khi đó DN sẵn sàng thực hiện. Còn nếu Sở GTVT vẫn đơn phương đưa ra kế hoạch sắp xếp, điều chuyển trên, DN sẽ bỏ bến mới chạy dù để tránh phá sản.
Chỉ điều chuyển 181 lượt xe
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thay mặt lãnh đạo Sở ghi nhận các ý kiến và chia sẻ khó khăn với DN khi phải chuyển khỏi địa bàn đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, ông Tân cũng cho biết, đây là chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP.
Bối cảnh này không khác gì khi chuyển bến xe Kim Mã ra Mỹ Đình mấy năm về trước. Do vậy, vì nhiệm vụ chung và vì an ninh trật tự của Thủ đô, mong các DN chia sẻ với TP.
Cùng với việc xem xét, nghiên cứu lại lộ trình thực hiện, ông Tân cho biết, để người dân đi lại giữa các bến và khu vực nội đô thuận lợi, Sở GTVT đang đẩy mạnh triển khai mở các tuyến buýt liên thông “bến nối bến”, buýt BRT giữa bến Yên Nghĩa và nội đô, cùng với đó cũng tính đến việc hợp thức hóa một số bến tạm tại khu vực Bến xe Mỹ Đình để mở rộng bến này.
Về kế hoạch điều chuyển các lượt xe khách ra khỏi bến Mỹ Đình, thay vì điều chuyển 359 lượt xe như phương án ban đầu, thông báo tại cuộc họp ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ 20/7, Sở GTVT sẽ thực hiện điều chuyển 181 lượt/ngày/xe từ bến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa và Nước Ngầm.
Cắt nốt xe vi phạm từ 20/7
Cũng theo ông Đạt, theo kế hoạch sắp xếp, điều chuyển trên, từ 20/7, nếu xe của DN vận tải nào không chấp hành, Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội cắt nốt (tuyến) với các đơn vị thuộc diện được điều chuyển khỏi bến xe do mình quản lý và ký kết hợp đồng hoạt động.
“Với các xe chấp hành tốt kế hoạch điều chuyển các bến xe sẽ không thu tiền giá dịch vụ xe ra vào bến trong thời gian 6 tháng kể từ ngày điều chuyển”, ông Đạt nhấn mạnh.
Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Sở và Công an TP, Sở GTVT đã cắt “nốt” 51 xe khách của 16 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh. Đặc biệt, Sở GTVT đã tiến hành cắt 8 “nốt” xe của Cty TNHH vận tải du lịch Khai Nguyên do có nhiều xe vi phạm và tái phạm.